Bộ Công an khởi tố 2 cựu cán bộ Sở KH&ĐT TP.HCM liên quan khu “đất vàng” Sabeco

VietTimes -- Liên quan đến dự án đất vàng tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) rơi vào tay tư nhân, Bộ Công an vừa tống đạt Quyết định khởi tố đối với 3 bị can về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Trong đó, có 2 người là cựu cán bộ Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM.
Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng. Ảnh: Lao động
Khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng. Ảnh: Lao động

Các bị can bị khởi tố gồm: Bà Nguyễn Lan Châu - chuyên viên Phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, ông Lâm Nguyên Khôi - nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM và ông Nguyễn Quang Minh - nguyên Trưởng Phòng hạ tầng, Sở KH&ĐT TP.HCM.

Các bị can này đều được cho tại ngoại.

Trước đó, liên quan đến lô "đất vàng" này, Viện KSND Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can ông Nguyễn Hữu Tín (SN 1957), nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Đào Anh Kiệt (SN 1957), nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cùng 3 người khác về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại điều 229 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Theo tài liệu của báo Tuổi Trẻ, khu đất rộng đến 6.000m2 với 4 mặt tiền (đường Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách và Công trường Mê Linh) hiện do tư nhân nắm giữ hoàn toàn. Khu đất này ban đầu do Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - lúc chưa bán 53,59% vốn điều lệ cho cổ đông Thái Lan) trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 19/2/2007.

Năm 2004, trên cơ sở đề nghị của Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) có văn bản đồng ý chủ trương di dời văn phòng để đầu tư mới và sử dụng hiệu quả khu đất hơn.

Đến năm 2006, UBND TP.HCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhà, đất tại địa chỉ nói trên do Sabeco "là đơn vị sử dụng".

Sau khi UBND TP. có văn bản đề nghị cho ý kiến về việc Sabeco "xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng bao gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê", Bộ Tài chính có văn bản trả lời UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng khu đất để xây dựng cao ốc phức hợp cùng các hạng mục nói trên.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu giá đất khi được UBND TP. cho phép Sabeco chuyển mục đích sử dụng đất "là giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 6 của quyết định 09/2007/QĐ-TTg".

Tháng 12/2007, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Hữu Tín "chấp thuận, giao Sabeco làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp. Sabeco có trách nhiệm nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường vào ngân sách TP.HCM theo ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản ngày 6/11/2007".

Quyết định trên trái với phương án xử lý nhà, đất của Bộ Tài chính đối với khu đất này. Ngoài ra, nếu Sabeco không có nhu cầu sử dụng lô đất này và giao lại cho nhà nước thì UBND TP.HCM phải giao đất qua đấu giá quyền sử dụng đất chứ không phải tự ý giao chỉ định cho Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl, để rồi sau đó Sabeco thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho Công ty CP Attland (1 trong 4 cổ đông sáng lập Sabeco Pearl, vốn điều lệ ban đầu chiếm 23%) với giá bèo.

Sau khi đổi tên CTCP Đầu tư Sabeco Pearl thành CTCP Đầu tư Quảng trường Mê Linh, toàn bộ số cổ phần của các cổ đông sau khi thoái vốn vào ngày 11/6/2018 hiện vẫn đang thuộc sở hữu của ông Ngô Văn An (chiếm 98,53% vốn điều lệ), ông Trần Quang Huy (0,49%) và bà Nghiêm Thị Hương (0,98% vốn điều lệ). 

Mọi hoạt động liên quan đến khu đất bị ngưng trệ kể từ khi ông Nguyễn Hữu Tín cùng bốn bị can bị khởi tố từ tháng 11/2018 đến nay.

Tổng hợp