Bỏ 2,1 tỷ USD, Google muốn làm chiếc đồng hồ tốt như Apple

Tham vọng của Google khi mua lại Fitbit, một trong những hãng sản xuất đồng hồ thông minh lớn nhất thế giới có thể là làm ra một Apple Watch thứ hai.

Google vừa qua đã công bố họ sẽ mua lại hãng sản xuất đồng hồ thông minh Fitbit với mức giá 2,1 tỷ USD. Trong thông báo của Google, họ quyết định mua lại Fitbit để kết hợp "những công nghệ AI, phần mềm và phần cứng tốt nhất" vào lĩnh vực thiết bị đeo.

Đây không phải là thương vụ liên quan đến thiết bị đeo đầu tiên của Google. Đầu năm nay, họ bỏ 40 triệu USD để mua lại một số công nghệ cũng như nhận về nhiều kỹ sư trong đội ngũ nghiên cứu của công ty Fossil. Tuy nhiên, với việc mua lại Fitbit, Google đang tỏ ra quyết tâm hơn trong lĩnh vực thiết bị đeo, nơi mà Apple đang là cái tên thống trị.

Vì sao Google mua lại Fitbit

Nếu như trên lĩnh vực smartphone, Google sở hữu hệ điều hành Android với thị phần áp đảo iOS thì trong lĩnh vực thiết bị đeo, Wear OS của họ lại không mấy thành công. Theo báo cáo của Canalys về thị trường smartwatch quý II/2019 tại Mỹ, 4 cái tên đầu bảng là Apple, Fitbit, Samsung và Garmin với tổng thị phần gần 80% đều không sử dụng Wear OS.

Fitbit là hãng đứng thứ 2 tại thị trường thiết bị đeo ở Mỹ, và cũng là hãng được đánh giá cao nhất về dữ liệu sức khỏe sau Apple. Ảnh: The Verge.

Do vậy, nỗ lực mua lại hãng thiết bị đeo đứng thứ hai tại Mỹ dường như rất hợp lý với Google. Từ thiết bị đầu tiên ra mắt năm 2009, các loại vòng theo dõi thể thao và gần đây là đồng hồ thông minh của Fitbit luôn được đánh giá cao. Với phần cứng tốt của hãng này, Google có thể hoàn thiện Wear OS để làm thành một sự kết hợp ấn tượng.

Trước khi mua lại Fitbit, đối tác sử dụng Wear OS có thị phần lớn nhất là Fossil. Theo The Verge, kể cả những chiếc smartwatch mới nhất của Fossil cũng còn tồn tại nhiều vấn đề về mặt phần cứng, khiến chúng khó có thể thuyết phục khi so với các sản phẩm đối thủ.

Những thiết bị sử dụng Wear OS như đồng hồ của Fossil bị hạn chế về mặt phần cứng, do vi xử lý của Qualcomm chưa tối ưu. Ảnh: The Verge.

"Phải làm những thứ rất phức tạp để chiếc đồng hồ Fossil dùng pin được hết ngày, có thể coi là những điều chỉnh ngớ ngẩn nhất tôi từng thấy trên bất kỳ thiết bị nào. Có hàng tá những tùy chọn đúng ra không nên xuất hiện trên một chiếc smartwatch.

Sự phức tạp này xuất phát từ việc Qualcomm chưa thể đưa ra một vi xử lý phù hợp cho đồng hồ thông minh. Dù đã chờ đợi nhiều năm, vi xử lý Snapdragon 3100 trên đồng hồ Fossil vẫn quá cũ kỹ cả về tốc độ xử lý lẫn quản lý năng lượng", biên tập viên Dieter Bohn của The Verge chia sẻ.

Thương vụ vừa công bố đã bị nghi ngờ

Rõ ràng đích nhắm của Google là Apple, công ty đi đầu trong lĩnh vực thiết bị đeo với trên 50% thị phần toàn cầu trong quý III. Tuy nhiên, việc bắt kịp Apple không đơn giản là mua một công ty phần cứng, sau đó ghép phần mềm của Google vào là xong.

Đầu tiên, phải nói là thị trường thiết bị đeo hoạt động rất khác so với smartphone. Những hãng đứng đầu đều sử dụng phần mềm do chính họ phát triển: Apple Watch có watchOS, Fitbit có Fitbit OS, Samsung cũng có hệ điều hành dựa trên Tizen.

Thị trường thiết bị đeo rất đa dạng, nhưng hệ điều hành Wear OS của Google gần như không tạo được ảnh hưởng. Ảnh: Wired.

Ngoài Fossil, những đối tác sử dụng Wear OS của Google phần lớn là các công ty sản xuất đồng hồ thời trang như Armani, Guess, Movado hay Tag Heuer. Các sản phẩm smartwatch của họ có mức giá cao, hướng tới những người dùng thiên về thời trang hơn là công nghệ.

"Wear OS có rất nhiều rào cản: vi xử lý nửa mùa từ Qualcomm, các đối tác sử dụng nó như một nền tảng cho đồng hồ đắt tiền hơn là một thiết bị công nghệ, và một nhóm phát triển dường như chẳng biết mình phải làm gì", cây viết Daniel Bader của Android Central nhận định.

Bên cạnh đó, lịch sử những thương vụ phần cứng của Google cũng không phải toàn thành công. Họ mua lại Motorola rồi chẳng thể thúc đẩy các sản phẩm smartphone, sau đó bán lại công ty này cho Lenovo. Trong khi đó, nhóm kỹ sư và công nghệ mà Google mua lại từ HTC năm 2017 lại đưa ra những sản phẩm được đánh giá cao như Pixel 3A hay Pixel 4.

Fitbit khởi đầu từ những vòng đeo theo dõi sức khỏe, và các sản phẩm của họ cũng được đánh giá cao về khả năng này. Tuy nhiên, về với Google, nhiều người lo ngại dữ liệu sức khỏe của họ bị Google khai thác. Ảnh: Android Central.

Với hàng loạt dịch vụ mà Fitbit đang duy trì, cũng như nền tảng Fitbit OS họ đã phát triển từ trước, rất có thể số phận của Fitbit sẽ giống với Nest, một thương vụ phức tạp khác của Google. Sau vài năm thuộc về Google, Nest bị chuyển đổi giữa nhiều bộ phận và hàng loạt scandal, khiến nhà sáng lập Tony Fadell phải rời công ty năm 2016.

Ngoài ra, Google cũng có thể gặp rắc rối về vấn đề bảo vệ dữ liệu người dùng. Fitbit có 28 triệu người dùng, và cùng với đó là hàng triệu loại dữ liệu liên quan đến sức khỏe. Google thì chưa bao giờ được coi là công ty trân trọng dữ liệu người dùng. Ngay sau khi có thông tin Google mua lại Fitbit, nhiều người dùng đã lên tiếng phản đối và đòi chuyển sang dùng hãng khác trên Twitter.

Với hàng loạt nghi vấn đặt ra ngay từ khi công bố, việc mua lại Fitbit dường như không phải là câu trả lời cho Google để bắt kịp Apple.

"Google sẽ không thể lặp lại mô hình đối với smartphone Android, khi họ lôi kéo được rất nhiều đối tác, rồi từ đó mới thúc đẩy những bước tiến trong lĩnh vực phần cứng", cây viết Dieter Bohn của The Verge kết luận.

Theo Zing
https://news.zing.vn/bo-2-1-ty-usd-google-muon-lam-chiec-dong-ho-tot-nhu-apple-post1009749.html