"Bình minh của một kỷ nguyên mới": Brexit có đáng để Thủ tướng Anh Boris Johnson ăn mừng?

VietTimes -- Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị ăn mừng sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay Brexit - vào đêm ngày 31/1, nói rằng nó đánh dấu "bình minh của một kỷ nguyên mới" và hứa hẹn sẽ đoàn kết lại một nước Anh đang chia rẽ sâu sắc sau nhiều năm tranh luận gay gắt về EU.
Những người phản đối Brexit tuần hành bên ngoài tòa nhà Hạ viện ở London, Anh (Ảnh: Reuters)
Những người phản đối Brexit tuần hành bên ngoài tòa nhà Hạ viện ở London, Anh (Ảnh: Reuters)

Vào ngày mà Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) chấm dứt 40 năm tư cách thành viên của EU, Thủ tướng Johnson - người được xem là gương mặt của chiến dịch ủng hộ Brexit - dường như muốn tránh được xem là "người chiến thắng". Ông nói rằng ông sẽ ăn mừng "một cách tôn trọng" để đánh dấu sự chuyển biến địa chính quan trọng nhất của đất nước kể từ sau Thế chiến II.

Điều này rất dễ hiểu, bởi nhiều người coi Brexit là một thắng lợi, phần còn lại coi nó là một vết thương sâu.

Khi Anh rời EU, sự thay đổi sẽ diễn ra chậm chạp chứ không phải tức thì. Phải đến cuối năm nay, Thủ tướng Anh mới bắt đầu các vòng đàm phán thỏa thuận thương mại mới và làm rõ mối quan hệ trong tương lai giữa đất nước ông với EU - một tiến trình mà EU từng ra sức cảnh báo rằng sẽ diễn ra không hề suôn sẻ.

Nhưng trong hôm 31/1, Thủ tướng Johnson - người đã đem cả danh tiếng lẫn sự nghiệp của mình ra đánh cược khi ủng hộ chiến dịch Rời khỏi (Leave) năm 2016 - sẽ tổ chức ăn mừng cuộc "ly hôn" cùng với đội ngũ của mình tại căn nhà Số 10 ở Phố Downing, đó là chưa kể những bữa tiệc tùng mà những người ủng hộ Brexit tổ chức tại thủ đô London.

Thủ tướng Johnson trong thời gian tới đây sẽ cố gắng gạt sang một bên những cuộc tranh luận gay gắt về Brexit, thay vào đó tập trung vào việc thực thi cam kết giúp đỡ các cử tri ở những vùng sâu xa của nước Anh - cộng đồng cử tri đã giúp ông giành chiến thắng trong kỳ bầu cử tháng 12/2019. Một số người trong đội ngũ của ông còn nói đùa rằng, cụm từ "Brexit" sẽ bị cấm ngặt sau ngày thứ Sáu, 31/1/2020.

"Đây là thời điểm mà bình minh mới hé lộ và bức màn vén lên để sang một chương mới" - Reuters dẫn lại bài phát biểu mà Thủ tướng Johnson sẽ đọc trong đêm 31/1 - "Đây là bình minh của một kỷ nguyên mới mà trong đó chúng ta không còn chấp nhận việc những cơ hội cuộc sống của các bạn - của gia đình các bạn - còn phụ thuộc vào nơi bạn sinh ra ở đất nước này".

"Đây là thời khắc mà chúng ta bắt đầu đoàn kết lại và tiến lên" - ông Johnson sẽ nói trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc đêm 31/1.

"Hoàn tất Brexit"!

Sau nhiều năm tranh cãi chính trị gay gắt kể từ sự kiện trưng cầu dân ý hồi tháng 6/2016 liên quan tới việc rời khỏi EU, Thủ tướng Johnson đã giành chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử tổ chức vào tháng 12 năm ngoái nhờ giành được sự ủng hộ của cộng đồng cử tri trước kia từng ủng hộ Công đảng đối lập chỉ với một thông điệp đơn giản: "Hoàn tất Brexit" (Get Brexit Done).

Với thế đa số gồm 80 ghế trong Quốc hội, Thủ tướng Johnson giờ có thêm sự tự do để hoạch định chương trình nghị sự của nước Anh, hơn bất kỳ chính phủ nào của đảng Bảo thủ tính từ thời "bà đầm thép" Margaret Thatcher trong thập kỷ 80.

Nhưng ông cũng kế thừa một đất nước đang chia rẽ sâu sắc do cuộc tranh luận về việc ra đi hay ở lại EU. Sự chia rẽ này đã thể hiện rõ hơn bao giờ hết, trong cộng đồng người dân, giữa những người bạn, cộng đồng người dân ở các thị trấn hay làng mạc...trong suốt 3 năm qua. Nhiều người trở nên không còn tin tưởng vào các chính trị gia.

Mặc dù rất muốn ăn mừng sự kiện Brexit, ông Johnson lại lo sợ rằng sự kiện này sẽ làm phật lòng hàng triệu người dân Anh ủng hộ việc ở lại EU, đặc biệt là người dân ở Scotland và Bắc Ireland.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Scotland đang ra sức thúc đẩy tổ chức bỏ phiếu độc lập, trong khi sự kiện Brexit đã làm dấy lên làn sóng tranh luận ở Bắc Ireland về việc tái thống nhất với Ireland, một thành viên của EU.

Các lãnh đạo của EU trong hôm 31/1 tuyên bố rằng họ sẽ tìm ra cách thức mới để hợp tác với Anh "như những đồng minh, đối tác và bạn bè".

Thủ tướng Johnson cũng muốn chấm dứt nhiều thập kỷ đấu đá đầy đau đớn về vấn đề EU ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của ông, từng khiến 4 người tiền nhiệm của ông phải mất chức - Thatcher, John Major, David Cameron và Theresa May.

Thay vào đó, ông sẽ tập trung tăng nguồn ngân sách cho các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực miền Bắc và trung tâm nước Anh, nơi mà hàng nghìn cử tri từng trung thành với Công đảng đối lập đã chuyển sang bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ trong kỳ bầu cử cuối năm ngoái.

"Công việc của chúng tôi như một chính phủ - cũng là công việc của tôi - là đoàn kết đất nước này và tiến về phía trước" - ông Johnson dự kiến nói trong bài phát biểu - "Và điều quan trọng nhất tôi muốn nói vào đêm nay là, đây chưa phải kết thúc mà chỉ là sự khởi đầu. Đây là khoảnh khắc thay đổi và làm mới thực sự của đất nước".