|
Đức không còn khí tài quân sự nào để cung cấp cho Ukraine (Ảnh: Getty) |
Đức không còn khí tài quân sự nào để cung cấp cho Ukraine ngoài những gì đã cam kết, ngay cả khi Kiev vẫn bị Nga gây áp lực ở tiền tuyến, tờ Bild của Đức đưa tin.
Theo hãng tin này, Bộ Quốc phòng Đức không tin rằng Ukraine sẽ có khả năng tiến hành “một cuộc tấn công để giải phóng lãnh thổ của chính mình” trong tương lai gần.
Báo cáo cũng trích dẫn một tài liệu nội bộ cho biết Berlin sẽ không gửi "vũ khí hạng nặng" tới Ukraine nữa và việc chuyển giao loại viện trợ này đã "hoàn thành". Thuật ngữ này áp dụng cho xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân, pháo tự hành và các loại khí tài tương tự.
Ngoài ra, theo Bild, gói viện trợ quân sự trị giá 1,4 tỷ euro (1,53 tỷ USD) được cho là mới mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cam kết gần đây trên thực tế đề cập đến các cam kết cung cấp vũ khí đã được hứa hẹn và thanh toán từ năm ngoái.
Bài báo cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã không nhận được sự cho phép sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga - bao gồm cả tên lửa Taurus của Đức mà Berlin không cung cấp - cũng như lời hứa về quá trình gia nhập NATO nhanh chóng.
Lần cuối cùng Ukraine phát động một cuộc phản công toàn diện để chiếm lại lãnh thổ mà họ tuyên bố là của mình là vào đầu tháng 6/2023, trong đó một số cuộc giao tranh ác liệt nhất diễn ra ở khu vực phía Nam của mặt trận ở vùng Zaporozhye.
Mặc dù giao tranh diễn ra ác liệt suốt mùa hè và mùa thu năm đó, quân Ukraine đạt được rất ít tiến bộ và chịu thương vong nặng nề. Các quan chức ở Kiev đổ lỗi cho kết quả hoạt động mờ nhạt này là do rò rỉ thông tin tình báo và sự chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí của phương Tây, điều mà họ tin là đã cho phép Nga chuẩn bị lực lượng phòng thủ đáng gờm.
Đầu tháng 8, Ukraine cũng tiến hành tấn công vào Vùng Kursk của Nga. Mặc dù ban đầu quân đội của họ đã đạt được một số tiến bộ nhưng bước tiến của họ nhanh chóng bị dừng lại và giao tranh vẫn tiếp diễn. Đồng thời, lực lượng Nga đã đạt được những thắng lợi đáng chú ý ở Donbass, giải phóng nhiều khu định cư trong những tuần gần đây.
Kể từ khi xung đột leo thang vào năm 2022, Đức đã cung cấp cho Ukraine viện trợ quân sự trị giá 5,2 tỷ euro (5,7 tỷ USD), bao gồm xe tăng Leopard và các thiết bị hạng nặng khác. Vào tháng 8, truyền thông Đức đưa tin chính phủ sẽ dừng các chuyến hàng mới đến Kiev nhằm giảm chi tiêu. Cả Kiev và Berlin đều phủ nhận thông tin này.
Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng việc chuyển giao vũ khí của phương Tây cho Ukraine chỉ nhằm mục đích kéo dài cuộc giao tranh và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp với NATO.