Biểu tình đòi về nước tránh dịch bệnh, 45 người Trung Quốc ở Nepal bị bắt

VietTimes – Sự kiện những người Trung Quốc bị kẹt lại Nepal biểu tình đòi về nước, bị cảnh sát địa phương đánh đập và bị bắt đang gây xôn xao dư luận. Trong lúc đó, hàng ngàn công nhân Trung Quốc ở Nga cũng đang đình công đòi về nước.
Những người Trung Quốc bị kẹt lại Nepal biểu tình đòi về nước bị cảnh sát Nepal đánh đập (Ảnh: DF).
Những người Trung Quốc bị kẹt lại Nepal biểu tình đòi về nước bị cảnh sát Nepal đánh đập (Ảnh: DF).

Tính đến ngày 9/5, Nepal đã có 109 người nhiễm COVID-19, do dịch bệnh, nước này đã đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5. Tại thủ đô Kathmandu hôm thứ Sáu (8/5), hàng chục công dân Trung Quốc bị mắc kẹt đã biểu tình đòi cho phép họ trở về nhà và cố gắng tiếp cận văn phòng thủ tướng. Cảnh sát Nepal đến ngăn cản những người biểu tình đột nhập vào khu vực cấm và yêu cầu họ rời đi. Những người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát. Cuộc xung đột khiến 6 người bị thương, trong đó có 4 cảnh sát và 45 công dân Trung Quốc đã bị bắt giữ.

Người biểu tình Trung Quốc giương biểu ngữ "Tôi muốn về nước" (Ảnh: DF).
Người biểu tình Trung Quốc giương biểu ngữ "Tôi muốn về nước" (Ảnh: DF).

Trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 9/5 dẫn truyền thông địa phương cho biết, các công dân Trung Quốc biểu tình tuyên bố họ đã cạn kiệt tiền bạc và không thể ở lại Nepal nữa. Họ đã từng đến Đại sứ quán Trung Quốc để được giúp đỡ, nhưng đối phương đã từ chối. Cảnh sát nói, những người biểu tình đã tập trung trước Cục Du lịch Nepal và cố gắng tiếp cận văn phòng thủ tướng. Một số người cầm tấm bảng với dòng chữ “Tôi muốn về nhà!”. Cảnh sát đã có mặt để ngăn cản những người biểu tình đi vào khu vực cấm. Cuộc xung đột đã nổ ra giữa hai bên và hiện trường rất hỗn loạn. Trong thời gian đó, một số người đã ném đá vào cảnh sát khiến 4 người bị thương và cảnh sát đã dùng gậy đánh đập những người biểu tình.

Người Trung Quốc biểu tình đòi về nước xung đột với cảnh sát Nepal (Video: DF).

Xung đột kết thúc với việc cảnh sát đã bắt giữ 45 người biểu tình. Những người bị bắt sẽ phải đối mặt với cáo buộc phạm tội biểu tình trong khu vực cấm và vi phạm lệnh phong tỏa vì dịch bệnh.

Tính đến cuối ngày thứ Sáu, có tổng cộng 109 người đã bị nhiễm bệnh COVID-19 ở Nepal. Chính phủ các nước Mỹ, Anh, Australia và Pháp đã gửi máy bay thuê bao đến Nepal để đón những công dân của họ bị mắc kẹt về nước. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã từ chối việc đưa chuyên cơ đến để sơ tán công dân.

Trong khi đó, theo trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 8/5, gần đây, một đoạn video lan truyền trên Internet cho thấy hơn 1.000 công nhân Trung Quốc của Công ty Xây dựng Công trình Hóa học Số 7 Trung Quốc (Công ty 7) đang tham gia dự án DCC của Nga muốn quay trở về Trung Quốc, nhưng đã không được chính quyền Trung Quốc hỗ trợ.

Do dịch bệnh ở Nga ngày càng tồi tệ và nhà máy không có đủ biện pháp phòng hộ, nên các công nhân cảm thấy rằng cuộc sống và sức khỏe của họ bị đe dọa nghiêm trọng và nhà máy không có kế hoạch sắp xếp cho công nhân trở về nước. Do đó, các công nhân đã đình công tập thể và yêu cầu trở về nước.

Công nhân Trung Quốc ở Omsk đình công đòi chính phủ cho phép về nước (Ảnh: Creaders).
Công nhân Trung Quốc ở Omsk đình công đòi chính phủ cho phép về nước (Ảnh: Creaders).

Vào ngày 19/4/2018, Công ty Xây dựng Công trình Hóa học Số 7 Quốc gia Trung Quốc đã nhận thầu dự án chuyển đổi sâu nhà máy lọc dầu thô DCC của Nga ở ngoại ô Omsk, cách Moscow 2.555 km.

Thông tin cho biết, chủ dự án là Công ty cổ phần dầu khí Gazprom và dự án được thiết kế bởi Công ty Daleam của Hàn Quốc. Là tổng thầu xây dựng, Công ty xây dựng Công trình Hóa học số 7 Trung Quốc ký hợp đồng giá trị khoảng 420 triệu USD và thời gian xây dựng là 27 tháng.

Vào ngày 8/5/2020, một video trên Internet cho thấy các công nhân Trung Quốc của dự án này muốn rời khỏi Nga trở về Trung Quốc vì dịch bệnh. Cư dân mạng thông báo những công nhân Trung Quốc này đã đề xuất yêu sách bằng hình thức đình công, tức là họ đã ba ngày liên tiếp đình công để đòi được về nước. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn không có hành động hỗ trợ để họ được trở về.