Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, ngày 8/5 tuyên bố ‘Trung Quốc có quyền lập ADIZ. Quyết định về việc này tùy thuộc vào hiện trạng an toàn hàng không có bị đe dọa hay không và bị đe dọa tới mức nào.’
Truyền thông Philippines loan tin 7 máy bay tuần tra của nước này bay ngang qua quần đảo Trường Sa đã bị Bắc Kinh cảnh cáo bằng tín hiệu vô tuyến yêu cầu tránh xa khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Voltaire Gazmin, tại một buổi họp báo hôm 8/5 tuyên bố hành động này của Trung Quốc làm như thể có một vùng ADIZ tại khu vực thật sự gây quan ngại.
Một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, ông Ian Storey, nhận định Trung Quốc lập vùng ADIZ ở Biển Đông sẽ khơi ra các nghi ngại về ý đồ và cam kết của Bắc Kinh đối với các tiêu chuẩn và luật lệ quốc tế và các nước trong vùng sẽ xem đây là một sự vi phạm quyền tự do hàng hải nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/5 bác bỏ tin cho rằng Bắc Kinh dự định lập vùng ADIZ ở Biển Đông dù khẳng định Bắc Kinh có quyền làm như vậy nếu cần vì nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh cũng tố cáo rằng tin này rõ ràng ẩn chứa một động cơ phía sau.
Bà Hoa nhấn mạnh tình hình hiện tại ở Biển Đông ổn định và Bắc Kinh cùng các nước Đông Nam Á đang hướng tới việc cải thiện hợp tác và bảo vệ hòa bình Biển Đông.
Năm 2013, Bắc Kinh đã thiết lập vùng ADIZ bao trùm các quần đảo có tranh chấp ở Biển Hoa Đông, khiến Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ phản đối.
Cảnh cáo mới của Trung Quốc có phần chắc làm leo thang những xích mích ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang nỗ lực dành chủ quyền gần như toàn bộ khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình hôm 8/5 nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
"Những hoạt động tôn tạo, mở rộng đảo, đá mà Trung Quốc đang tiến hành đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế, trong đó có ASEAN", ông Bình cho biết.
"Một lần nữa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có thêm các hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông”, ông Bình khẳng định.
Đề cập tới việc Mỹ và Nhật Bản gần đây bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến ở Biển Đông và thông báo tăng cường hợp tác an ninh quân sự, phát ngôn viên Lê Hải Bình cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực.
"Việt Nam cho rằng mọi sự hợp tác giữa các quốc gia, dù song phương hay đa phương đều cần được xây dựng vì mục tiêu chung này, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác”, ông Bình nói.
Trong một diễn biến mới nhất, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay xây đảo ở Biển Đông và đã gửi công hàm tới tất cả phái đoàn thường trực các nước ở Liên Hợp Quốc, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này.
Trước việc Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) gần đây gửi công hàm tới Phái đoàn thường trực các nước tại LHQ, trong đó khẳng định "chủ quyền và các yêu sách liên quan" của Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là "hợp pháp, chính đáng và đúng đắn", ông Lê Hải Bình cho rằng đây là những quan điểm sai trái và không có bất kỳ cơ sở pháp lý, lịch sử cũng như thực tế nào.
"Ngày 30/4 vừa qua, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã có công hàm gửi phái đoàn thường trực tất cả các nước tại LHQ bác bỏ những quan điểm đó của phía Trung Quốc", thông cáo của Bộ Ngoại giao dẫn lời ông Bình cho biết.
Theo: BizLive