Biển Đông: Trung Quốc sẽ triển khai 2 tàu sân bay kiểu Mỹ

VietTimes -- Thông tin đã được xác định hiện nay là, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ thường trú ở Thanh Đảo, còn các tàu sân bay Type 001 (Sơn Đông) và Type 002A sẽ được triển khai ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông ngày 2 tháng 1 năm 2017. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông ngày 2 tháng 1 năm 2017. Ảnh: Cankao

Trang tin hãng thông tấn kinh tế ngày nay của Nga ngày 13 tháng 2 cho rằng tàu sân bay thứ hai Type 001A của Trung Quốc sẽ hoàn thành chế tạo trong năm 2017; còn tàu sân bay thứ ba Type 002 sẽ hoàn thành vào năm 2021, lượng giãn nước sẽ lớn hơn, đạt 85.000 tấn, sử dụng động cơ hơi nước, chứ không phải động cơ hạt nhân.

Theo chuyên gia quân sự nổi tiếng Nga Vasilii Cashin, tàu sân bay thứ ba Type 002 của Trung Quốc sẽ trở thành một cột mốc trong phát triển hạm đội hải quân của Trung Quốc.

Ông nói: “Tàu sân bay này được khởi công chế tạo ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, thành phố Thượng Hải. Nó hầu như được khởi công đồng thời với tàu sân bay Type 001A. Có điều, thông tin về tàu sân bay thứ ba không được đưa tin rộng rãi như Type 001A”.

Theo Vasilii Cashin, tàu sân bay Type 002A sẽ hoàn thiện hơn, chẳng hạn nó có thể lắp máy phóng. Hiện nay, Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm cất hạ cánh máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh.

Kế hoạch đóng tàu không dừng lại

Chuyên gia Vasilii Cashin nhận định, tàu sân bay Type 002A sẽ là tàu sân bay hiện đại, phức tạp hơn và có hàm lượng công nghệ cao hơn, biên chế muộn hơn so với tàu sân bay thứ hai – tàu này dư luận phỏng đoán sẽ đặt tên là Sơn Đông.

Máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh ngày 22 tháng 8 năm 2016. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh ngày 22 tháng 8 năm 2016. Ảnh: Cankao

Theo dự đoán của Vasilii Cashin, Trung Quốc sẽ sử dụng 3 tàu sân bay nêu trên (Liêu Ninh, 001A, 002A) tập trung cho các vùng biển xung quanh. Những tàu sân bay này giúp Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi hành động của hạm đội và điều động lực lượng quân sự tới khu vực xa hơn.

Thông tin đã được xác định hiện nay là, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ thường trú ở Thanh Đảo, còn các tàu sân bay Type 001 (Sơn Đông) và Type 002A sẽ được triển khai ở Biển Đông.

Chuyên gia Vasilii Cashin cho rằng Trung Quốc sẽ không dừng kế hoạch đóng tàu. Bắc Kinh muốn sở hữu ít nhất 5 tàu sân bay sẵn sàng chiến đấu. Sau Type 001A và Type 002A, hai tàu sân bay kế tiếp tương lai sẽ có kích cỡ lớn hơn, quy cách và tính năng tác chiến sẽ giống hơn với tàu sân bay Mỹ.

Về nguyên tắc, người Trung Quốc mong muốn chế tạo được những tàu sân bay có khả năng hành động tương tự như tàu sân bay Mỹ. Trong đó, đầu tiên chúng sẽ có lượng giãn nước khổng lồ, máy bay cất cánh bằng máy phóng và sử dụng động cơ hạt nhân.

Mở rộng phạm vi của hệ thống phòng không

Ba tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là sự tiếp nối kế hoạch "Pháo đài" của Liên Xô. Tàu sân bay do Liên Xô chế tạo không phải dùng để thực hiện nhiệm vụ vươn ra đại dương, mà để mở rộng phạm vi hoạt động của hệ thống phòng không chiến lược của Liên Xô.

Một nguyên tắc đơn giản ở đây là tàu sân bay vươn ra biển và tích cực phòng thủ kẻ thù tiềm tàng ở đó.

Theo chuyên gia Vasilii Cashin, hiện nay, Trung Quốc đang theo đuổi mục đích như vậy. Có thể khẳng định, Biển Đông là khu vực triển khai của tàu ngầm chiến lược Hải quân Trung Quốc. Vì vậy, nếu hạm đội đối phương tiến hành các hoạt động nhằm vào tàu ngầm Trung Quốc ở khu vực này sẽ gặp khó khăn hơn khi Trung Quốc có thêm tàu sân bay.

Trung Quốc đang tự chế tạo tàu sân bay. Ảnh: Sina
Trung Quốc đang tự chế tạo tàu sân bay. Ảnh: Sina

Theo chuyên gia Vasilii Cashin: "Sau đó, chiến lược của Trung Quốc sẽ thay đổi - những tàu không có máy phóng và động cơ hạt nhân sẽ được sử dụng ở duyên hải, còn những tàu hiện đại hơn sẽ dùng để hoàn thành các nhiệm vụ vươn ra đại dương".

Trung Quốc sẽ xây dựng hạm đội toàn cầu

Chuyên gia Nga Vasilii Cashin tổng kết cho rằng: "Trung Quốc có thể sử dụng tàu sân bay để tiến hành phòng không ở những khu vực mà các máy bay cơ bản hoạt động khó khăn".

Chẳng hạn, có hai nhân tố rất khó dựa vào máy bay cơ bản để bảo vệ các hành động của hạm đội hải quân - Đầu tiên là phạm vi hoạt động của máy bay. Thứ hai là thời gian cần để máy bay đến địa điểm chỉ định, rất dễ không đến kịp.

Chuyên gia Vasilii Cashin nói: "Tàu sân bay giúp cho Trung Quốc có ưu thế to lớn. Người Trung Quốc sử dụng lô tàu sân bay đầu tiên để trực tiếp kết nối các vùng biển liên quan. Sau đó Bắc Kinh sẽ xây dựng hạm đội toàn cầu với sứ mệnh chủ yếu là điều động lực lượng đến các khu vực khác của thế giới".

Những khu vực khác này trước tiên là châu Phi và châu Mỹ Latinh. Trung Quốc có lợi ích to lớn ở đó. Do đó, người Trung Quốc sẽ đẩy nhanh chế tạo tàu sân bay "kiểu Mỹ".

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)