|
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ |
Tuần tới, ông Rodrigo Duterte sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 16 của Philippines. Và cả thế giới sẽ chứng kiến nhiều mối đe dọa hơn diễn ra ở khu vực này. Theo Business Insider, đó là vì hiện nay ông Duterte can dự vào cuộc tranh chấp được cho là nguy hiểm nhất thế giới - cuộc chiến giành quyền kiểm soát các vùng nước thuộc Biển Đông.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ vùng biển này. Duterte không đồng ý với điều này, và nhìn chung khi ông ta không đồng ý với điều gì, ắt hẳn sẽ xảy ra bạo lực, Business Insider nhận định.
Ông Duterte cũng hay khoa trương và thất thường. Trong chiến dịch tranh cử, có lúc ông nói sẽ trực tiếp đi mô tô nước ra quần đảo Trường Sa và cắm cờ Philippines tại đó. Lúc khác, ông lại nói rằng nếu Trung Quốc để yên vùng biển của Philippines, ông sẽ làm việc với Trung Quốc.
Joyce Asilo, một người dân Manila, phát biểu trên New York Times tháng trước: “Ông Duerte có thể sẽ khai chiến với Trung Quốc. Ông ấy không hề nhất quán về những điều mình nói”. Đây có thể sẽ là một người làm việc theo cảm tính, Business Insider đánh giá.
Ông Duterte từng là thị trưởng của thành phố Davao trong sáu nhiệm kỳ. Vào thời điểm đó, ông được biết đến với những bài diễn thuyết khoa trương, thậm chí liên tục có các phát biểu gây và đôi lúc còn dính dáng tới bạo lực. Khi là ứng cử viên tổng thống, ông thường sử dụng các bài diễn thuyết rất hùng hồn về việc hành động ra sao để giải thoát Philippines thoát khỏi bạo lực, ma túy, băng đảng tội phạm, và tham nhũng. Đó là điều giúp ông giành được chức Tổng thống.
Điều này khiến truyền thông Phương Tây so sánh ông với ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump. Ví dụ, Trump bộc lộ rõ sự chán ghét đối với giới truyền thông, và Duterte cũng tương tự trong khi Philippines là nước có tỉ lệ nhà báo bị giết cao nhất thế giới. “ Đó là bởi vì kể cả khi bạn làm nhà báo thì không có nghĩa là bạn sẽ không bị ám sát” - ông Duert đã phát biểu như vậy tại một buổi họp báo đầu tháng này.
Khi nói đến vùng Biển Đông sau đó, Duterte cũng có thái độ tương tự Donald Trump. Ông nói rằng mình sẵn sàng nói chuyện với Trung Quốc nếu như Mỹ - đồng minh chính của các nước nhỏ hơn trong khu vực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc - không ủng hộ Philippines theo cách mà Duterte mong đợi. Kể từ bây giờ, tất cả các cuộc đàm phán đều tính đến lợi ích của Philippines trước tiên.
“Chúng tôi có hiệp ước này với phương Tây, nhưng tôi muốn mọi người đều biết rằng chúng tôi sẽ tự khoanh vùng khu vực cho mình. Chúng tôi sẽ không phụ thuộc vào Mỹ và đó sẽ là đường lối không nhằm làm hài lòng bất kỳ ai ngoài người dân Philippines”, Reuters dẫn lời Rodrigo Duterte.
Ông Duterte đã hỏi Đại sứ Mỹ tại Philippines, Philip Goldberg, rằng : “Các ngài có ủng hộ chúng tôi không?”. Ông Goldberg đã trả lời rằng nước Mỹ sẽ chỉ ủng hộ Philippines trong trường hợp Trung Quốc tấn công nước này.
Điều đó có vẻ không phải là câu trả lời mà Duterte mong đợi, bởi vì sau đó ông cho biết sẽ cử đại diện ngoại giao đến Trung Quốc để đàm phán. Reuters trích lời ông Duterte : “Liệu các ngài có thể đáp ứng yêu cầu không? Bởi vì nếu các ngài không đáp ứng yêu cầu, tôi sẽ chấp nhận thiện chí của Trung Quốc”.
Ông Duterte lên làm Tổng thống vào đúng thời kỳ nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tổng thống vừa miễn nhiệm của Philippines đệ đơn kiện theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Duterte nói rằng ông sẽ đợi xem Liên hợp quốc sẽ ra phán quyết như thế nào trước khi ông quyết định làm gì.
Tân Hoa Xã dẫn lời Zhou Jian - đại diện của Ủy ban biên giới và biển của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngang ngược phán về “ ba không” của Philippines: Bao gồm hành động của Philippines không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, tòa án trọng tài quốc tế không có thẩm quyền trong trường hợp này, và tòa án không có tính hợp pháp. Zhou còn khoe khoang rằng: “Lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông đạt được sự ủng hộ của nhiều nước. Tuy nhiên, một vài quốc gia vì lợi ích của mình đã gán cho Trung Quốc là “coi thường luật pháp quốc tế” hay “sợ thất bại”.
Zhou còn trắng trợn cáo buộc chính Philippines đệ đơn kiện ra tòa trọng tài là chống lại luật pháp quốc tế. Đây hoàn toàn là lời bịa đặt. Rõ ràng Trung Quốc không hề muốn đàm phán, Business Insider kết luận.
Business Insider nhận định, Biển Đông chắc chắn sẽ trở thành một chiến trường trong tương lai. Những tuyên bố lãnh thổ chồng chéo đã biến Biển Đông trở thành một trong những khu vực tranh chấp nóng bỏng nhất thế giới. Hơn nữa, hàng năm có tới 5 nghìn tỷ USD hàng hóa giao thương đi qua vùng biển này hàng năm, vì vậy hành động ăn miếng trả miếng về một nhúm đảo thuộc vùng biển này không phải là hành động vô nghĩa.
Theo Robert D. Kaplan, nhà phân tích địa chính trị chủ chốt của hãng Stratfor, vùng biển này có trữ lượng khoảng 7 tỉ thùng dầu và ước khoảng 900 nghìn tỉ feet khối khí đốt tự nhiên. Và nếu tính toán của Trung Quốc chính xác thì vùng Biển Đông sẽ mang lại 130 tỉ thùng dầu, đứng thứ hai chỉ sau Ả rập Xê út, biến Biển Đông trở thành “Vịnh Ba Tư thứ hai”.
Trung Quốc mưu đồ chiếm giữ miếng bánh lớn nhất ở Biển Đông nên đã ngang ngược vẽ ra yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi pháp. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mạnh tay tăng cường quân đội lớn nhất thế giới với khoảng 356 tỉ USD chi tiêu quân sự. Tóm lại, Trung Quốc đang cố độc chiếm trung tâm hàng hải của Đông Nam Á.
Philippines đã kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế, và một phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Giới chuyên gia thống nhất nhận định rằng phán quyết của tòa án The Hague sẽ bất lợi cho Trung Quốc, Biển Đông càng ở trong tình trạng nguy hiểm hơn.