Biển Đông: Mỹ sẽ điều hai cụm tàu sân bay để răn đe

VietTimes -- Với hai cụm tác chiến tàu sân bay trên Thái Bình Dương sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh tới Trung Quốc về quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực – đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã xây dựng phi pháp và quân sự hóa các đảo nhân tạo, Star & Stripes nhận định.
Hai cụm tác chiến tàu sân bay Stennis và Reagan tập trận chung trên biển Philippines gần đây
Hai cụm tác chiến tàu sân bay Stennis và Reagan tập trận chung trên biển Philippines gần đây

Bất chấp những thách thức, hải quân Mỹ vẫn nên tăng cường số lượng tàu sân bay tấn công hoạt động trong vùng Tây Thái Bình Dương, góp phần để chống lại sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc, Star & Stripes dẫn lời các nhà phân tích cho biết.

Thêm một chiếc tàu sân bay nữa được yêu cầu điều động sang khu vực Tây Thái Bình Dương đã được gợi ý trong báo cáo nhiệm vụ Bộ Quốc phòng Mỹ với tựa đề “Tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương năm 2025: khả năng, sự hiện diện và quan hệ đối tác”, được xuất bản trong năm 2016 bởi Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS).

Sự hung hăng ngày càng lớn và sức mạnh lực lượng hải quân, không quân và tên lửa ngày càng tăng của Trung Quốc đã củng cố nhu cầu hiện diện nhiều hơn của hải quân Mỹ trong khu vực, đặc biệt là các nhóm tàu sân bay tấn công, báo cáo cho hay.

“Việc thể hiện rõ hơn ý chí và khả năng của Mỹ rất quan trọng cho mục đích răn đe và trấn an”, báo cáo cũng cho rằng hải quân Mỹ nên kiểm tra các bước cần thiết  để chuyển sang nhóm tàu sân bay tấn công thứ hai sang vùng Viễn Đông. Một địa điểm gợi ý là căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản.

“Có một cơ hội chính trị duy nhất để chuyển tàu sân bay sang khu vực này trong năm 2019 vì hạm đội của Mỹ sẽ được bổ sung thêm tàu sân bay USS Gerald R. Ford, được triển khai ở California và do vậy sẽ cho phép chuyển một tàu sân bay cũ hơn đi mà không giảm bớt số lượng tàu sân bay tại cảng của Mỹ”, báo cáo cho biết.

Tetsuo Kotanim, một nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế Nhật Bản đã đề cập đến những vấn đề có thể xảy đến, đặc biệt là về những quan ngại về vận tải và chính trị, nếu chiếc tàu sân bay thứ hai được điều đến Nhật Bản. Chẳng hạn, sức chứa của sân bay Nhật Bản sẽ không đủ chỗ để tiếp nhận máy bay từ tàu sân bay, ông Kotanim phát biểu tại Yokosuka, trụ sở của Hạm đội 7 của Mỹ.

Philippines gần đây đã ký một thỏa thuận với Mỹ nhưng Manila không cho phép quân đội Mỹ được đóng lâu dàu tai đây. Úc lại thiếu các cơ sở hậu cần mà một đội tàu sân bay tấn công yêu cầu. Cơ sở hạ tầng tại Guam thì đã lạc hậu và đòi hỏi một lượng đầu tư lớn để có thể tiếp nhận được tàu sân bay, ông Kotanim cho hay nhưng nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là Mỹ không thể duy trì hai tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương”.

Vào tháng 6/2016, hai tàu sân bay USS John C. Stennis đóng tại San Diego và tàu USS Ronald Reagan đóng tại Yokosuka đã tiến hành tập trận chung giữa hai nhóm tác chiến tàu sân bay trên biển Philippines – đây là lần tập trận đầu tiên như vậy trong vòng hai năm trở lại đây.

Các quan chức hải quân Mỹ hồi đầu năm nay đã công bố rằng Hạm đội 3 – chịu trách nhiệm giám sát các tàu đóng trú tại San Diego, bang Washington và Hawaii - sẽ cử nhiều tàu hơn để phối hợp tác chiến cùng Hạm đội 7.

Hạm đội 3 quản lý các tàu sân bay Stennis, USS Theodore Roosevelt, USS Carl Vinson và USS Nimitz luôn có khả năng thường trực một trong số các mẫu hạm nói trên ở khu vực Viễn Đông, Kotani cho hay. “Nếu Mỹ tăng cường luân chuyển các tàu sân bay hiệu quả hơn ở Thái Bình Dương thì việc này hoàn toàn có thể thực hiện được. Hạm đội 3 có thể trở thành nơi cung cấp lực lượng cho hạm đội 7”.

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực tại Biển Đông thời gian gần đây, gửi thông điệp không thể nhầm lẫn tới Trung Quốc
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực tại Biển Đông thời gian gần đây, gửi thông điệp không thể nhầm lẫn tới Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phỏng Mỹ Carter lên trực thăng thị sát tàu sân bay tuần tra ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter và người đồng cấp Philippines lên trực thăng thị sát tàu sân bay tuần tra ở Biển Đông

Tư thế của Mỹ với hai cụm tác chiến tàu sân bay trên Thái Bình Dương sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh tới Trung Quốc về quyết tâm của Mỹ nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực – đặc biệt là ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đã xây dựng phi pháp và quân sự hóa các đảo nhân tạo – nhưng đây sẽ không phải là hành động phản ứng lại những nỗ lực chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vẫn rất hạn chế. Ông Kotani cho rằng : “Hiện tại nó vẫn chưa phải là một tàu sân bay mà vẫn chỉ là một chiếc tàu vận tải cỡ lớn”.

Các tàu sân bay của Hạm đội 3 đã từng triển khai ở khu vực Viễn Đông và giờ đây Mỹ sẽ lại làm như vậy, Lt.Clint Ramsden, người phát ngôn Hải quân Hạm đội Thái Bình Dương cho biết.

Mỹ đang tái cân bằng lực lượng hải quân với mục tiêu điều động 60% hạm đội của mình sang khu vực Thái Bình Dương. Người ta có thể hi vọng chứng kiến Hạm đội 3 đóng vai trò quan trọng hơn ở những nơi vốn là  khu vực hoạt động truyền thống của Hạm đội 7.

Ramsden tuyên bố :“ Đã có những kế hoạch thích hợp để Hạm đội 3 sử dụng nhân lực của Hạm đội 3 để kiểm soát các tàu triển khai từ Bờ Tây của Mỹ vào khu vực vốn là khu vực thuộc trách nhiệm của Hạm đội 7 từ khu vực Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương”.