Bị người tiêu dùng ruồng bỏ, BlackBerry vẫn là sự lựa chọn số 1 của giới tội phạm có tổ chức

Khi nói về smartphone mã hóa và sự vô vọng của lực lượng hành pháp trong việc bẻ khóa mã hóa, iPhone thường là ví dụ đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến. Nguyên nhân của điều này là bởi nhiều năm trước, Apple đã biến quyền riêng tư và bảo mật thành hai tính năng chủ chốt của các sản phẩm phần mềm và phần cứng của hãng. Nhưng các thiết bị iOS không phải là những smartphone duy nhất được mã hóa mà bạn có thể mua.
Bị người tiêu dùng ruồng bỏ, BlackBerry vẫn là sự lựa chọn số 1 của giới tội phạm có tổ chức - Ảnh 1

Mới đây, FBI vừa bắt giữ CEO của một công ty với doanh thu khủng hàng triệu USD nhờ bán hàng chục ngàn smartphone BlackBerry đã tùy biến trên toàn cầu. Những chiếc điện thoại BlackBerry "đặc chủng" này được chỉnh sửa để tránh bị giám sát, và có vẻ như chúng cực kỳ được ưa chuộng trong thế giới của tội phạm có tổ chức.

Công ty Phantom có trụ sở tại Canada của Vincent Ramos bị cáo buộc tạo ra các điện thoại BlackBerry đặc biệt dành riêng cho giới tội phạm. Những thiết bị này không có microphone, camera và thậm chí là cả ăng-ten GPS. Chúng cũng không có trình duyệt web và không có ứng dụng tin nhắn thông thường.

Phantom đã cài đặt phần mềm Pretty Good Privacy (PGP) để gửi các tin nhắn mã hóa, đồng thời cho phép tội phạm có thể xóa sạch thiết bị từ xa trong trường hợp nó rơi vào tay của nhà cầm quyền.

Các thành viên của cartel ma túy Sinaloa là một trong số những khách hàng của Phantom, cùng với nhiều thành viên cấp cao của các tập đoàn tội phạm xuyên quốc gia. Các thiết bị của Phantom được bán sang Mexico, Cuba, Venezuela và băng đảng Hells Angels. Theo FBI, khoảng 20.000 thiết bị Phantom đang được sử dụng trên toàn cầu, trong đó có hơn một nửa ở Úc. Phantom đã thu về hàng chục triệu USD lợi nhuận từ việc bán các điện thoại BlackBerry đã được chỉnh sửa kia.

Bị người tiêu dùng ruồng bỏ, BlackBerry vẫn là sự lựa chọn số 1 của giới tội phạm có tổ chức - Ảnh 2

Các cảnh sát ngầm thuộc sở cảnh sát Royal Canadian Mounted Police (RCMP) đã mua các thiết bị Phantom dưới danh nghĩa những kẻ buôn ma túy. Nhờ đó, họ đã phát hiện ra rằng các tin nhắn gửi từ các thiết bị này đã được mã hóa, và bản thân các thiết bị được phát triển với mục đích hỗ trợ cho việc buôn bán ma túy. Và như đã nói ở trên, RCMP đã phát hiện ra rằng các điện thoại này có thể bị xóa sạch từ xa.

Vincent Ramos đã bị khởi tố với tội danh âm mưu tống tiền, đồng thời âm mưu phân phối ma túy và các tội danh khác liên quan hỗ trợ và xúi giục. Theo các cơ quan hành pháp thì công ty Phantom của Ramos được lập nên với mục đích chuyên hỗ trợ cho các hoạt động phạm tội.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2430302/bi-nguoi-tieu-dung-ruong-bo-blackberry-van-la-su-lua-chon-so-1-cua-gioi-toi-pham-co-to-chuc