|
Qua zalo, nhiều đối tượng đã lừa đảo các nạn nhân thông qua đầu tư chứng khoán (ảnh minh hoạ) |
Đầu tháng 10/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội nhận được đơn trình báo của các nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản khi tham gia đầu tư chứng khoán qua “Quỹ đầu tư SeQuoia VN” với số tiền hàng chục tỉ đồng.
Nạn nhân là anh H. (trú Hà Nội), thường xuyên đọc báo và sử dụng mạng xã hội. Mặc dù đã từng nghe và đọc các cảnh báo của cơ quan công an về việc bị lừa đảo khi tham gia các quỹ đầu tư tài chính, vàng, dầu thô,... Tuy nhiên, gần đây, anh H. nhận được điện thoại lạ của một người phụ nữ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán, cùng đề nghị kết bạn qua Zalo và sau đó mời vào nhóm Zalo “Chia sẻ giao lưu quỹ SeQuoia Capital VN”.
Vì tò mò đọc tin nhắn trong nhóm và theo dõi thấy các mã chứng khoán được tư vấn tăng tốt, hiệu quả nên anh H. đã tham gia. Anh được hướng dẫn cài app “Smart SQV” mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Số tiền anh H. đã đầu tư mua mã chứng khoán là 14 tỉ đồng và giá trị sau khi tăng “ảo” là hơn 30 tỉ đồng.
Sau đó, anh H. nhận được các thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về. Để rút được tiền anh H. phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận là 1,6 tỉ đồng và thuế thu nhập cá nhân là 332 triệu đồng. Sau khi nộp xong, phía quỹ đầu tư chứng khoán trên bặt vô âm tín. Đến lúc này, anh H. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Một trường hợp khác là anh A. (trú tại Hà Nội), anh H. được một tài khoản mạng Zalo mời tham gia đầu tư qua quỹ đầu tư SeQuoia VN. Anh A. đã giao dịch với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng nhưng khi bán mã cổ phiếu đã mua thì anh A. nhận được thông báo: “Đóng băng vị thế!”, không bán được.
Các đối tượng tiếp tục níu kéo anh A. bằng cách thông báo đợi thêm. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, anh A. đã đến cơ quan công an trình báo.
Trước sự việc, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác với các hành vi lừa đảo thông qua lời mời gọi đầu tư vào các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán online. Không làm theo những hướng dẫn, “dẫn dụ”, “mời chào” của các tài khoản cá nhân, nhóm trên Zalo, Facebook, Telegram,... không xác thực danh tính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.