Bi hài chuyện “ăn chui” ở Thượng Hải hậu bỏ phong tỏa

VietTimes – Gần một tháng sau khi Thượng Hải thông báo nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, một số lệnh cấm vẫn chưa được dỡ bỏ và hầu hết các nhà hàng vẫn chưa được mở cửa phục vụ khách.
Từ đầu tháng 6 Thượng Hải bỏ phong tỏa nhưng chưa cho phép dịch vụ ăn uống hoạt động, các nhà hàng trăn trở tìm cách để tồn tại (Ảnh: Deutsche Welle)

Trong cơn tuyệt vọng, các nhà hàng không thể chịu đựng tình trạng thua lỗ, đã bí mật đón khách đến ăn chui. Cảnh tượng chủ quán và thực khách tìm trăm phương ngàn kế để trốn tránh sự kiểm tra của nhà chức trách đã trở thành đề tài khiến cư dân mạng than vãn, giễu cợt...

Theo trang Deutsche Welle, kể từ khi bỏ phong tỏa và khôi phục sản xuất vào đầu tháng 6, các nhà chức trách vẫn không dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế phòng chống dịch bệnh. Ngoại trừ một số ít nhà hàng đã được trở thành nơi thí điểm mở dịch vụ ăn uống, hầu hết các nhà hàng vẫn chỉ có thể triển khai thực đơn giao hàng trực tuyến và bán cho khách mua mang về, khách hàng vẫn không thể đến nhà hàng ăn uống bình thường.

Quá ngán ngẩm và không chịu được gánh nặng thua lỗ, nhiều nhà hàng đang tìm cách tự cứu mình và cắt lỗ. Một số nơi mở rộng phạm vi giao hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ giao hàng, nhưng cũng có một số nhà hàng chấp nhận rủi ro và bí mật cung cấp dịch vụ ăn chui cho khách.

Sau 3 tháng phong tỏa chống dịch, từ tháng 6, Thượng Hải đã mở cửa trở lại (Ảnh: AFP),

Các cư dân mạng đã đăng tải nhiều câu chuyện về nhà hàng và thực khách tìm đủ mọi cách trốn tránh kiểm tra lên mạng xã hội. Cư dân mạng có nick là "Jocelyn_hy" chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trên mạng Sina Weibo: "Bị đóng cửa nhốt ở nhà lâu quá, gọi các quán quen đều nói không thể đến ăn được. Tôi và bạn gọi đến một quán quen đã ăn suốt mấy năm trong sự tuyệt vọng. Tôi: Chào ông chủ, chúng tôi có thể đến dùng bữa được không? Chủ quán: Mấy người? Tôi: Hai người thôi. Chủ quán: Ok, nhưng đừng nói cho ai biết, khi đến cửa, hãy quét mã QR rồi báo ám hiệu nhé!

Khi tôi đến cửa quán, quét mã QR rồi báo ám hiệu, thấy ông chủ cười cười ... Tầng 1 tối đen như mực…Tầng 2 như mở ra một thế giới mới ... Mọi người cười nói ầm ĩ… Ngẫm lại thì thấy thật là buồn cười và lố bịch”.

Một cư dân mạng khác bình luận: “Đi ăn tối mà cảm giác như đi nhà thổ chui: chủ quán xác định đúng là thực khách đã hẹn trước mới cử người xuống đón. Chúng tôi được dẫn đi qua một ngõ nhỏ tối om, leo qua cầu thang cũ kĩ ẩm thấp, cuối cùng mới vào nhà hàng qua lối cửa sau. Bên trong đèn đuốc sáng choang, thậm chí còn phải xếp hàng đợi xếp bàn…”

Tờ Lianhe Zaobao (của Singapore) hôm thứ Năm (23/6) cũng đăng bài mô tả một quán rượu đang hoạt động kinh doanh bí mật: Nhân viên phục vụ ngồi trước cửa cúi đầu chơi games trên điện thoại. Thấy khách hàng đi đến liền phủ đầu: “Chúng tôi không mở cửa phục vụ đâu”. Khách hàng hạ giọng: "Tôi họ Ngô, đã gọi hẹn trước qua điện thoại”. Nhân viên phục vụ nhìn điện thoại tra số rồi nhỏ giọng đáp: “Mời anh theo tôi”. Cả nhóm bước vào cửa rồi lên lầu, bỗng trước mắt sáng rực: lầu hai đèn đuốc sáng choang, bàn ​​kê ngổn ngang, người người chuyện trò rôm rả.

Kiểu “Thượng hữu chính sách, hạ hữu đối sách” (cấp trên ra chính sách, cấp dưới có các biện pháp đối phó) ấy đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng. Một số người than thở: "Đi ăn như hoạt động gián điệp cũng là một kiểu trải nghiệm". Cũng có người nói, "Thượng Hải bỏ phong tỏa thì rơi vào sự cô đơn…Chẳng thể đi đâu dùng bữa. Chẳng nơi nào mở cửa".

Một số cư dân mạng bình luận: "Trí tuệ của con người là vô cùng tận, ngẫm kỹ lại thấy quá nhiều đắng cay. Doanh nghiệp nhà hàng không được nói là kinh doanh, mà là chủ nhà gọi mấy người bạn đến thử món mà thôi”.

Cũng có cư dân mạng viết: “Sống ở Thượng Hải giống như tự động gia nhập băng đảng ngầm vậy. Ngày nào cũng chat thảo luận xem có thể đi ăn ở đâu, nơi nào đã bị đóng cửa; vừa thở dài ngán ngẩm vừa kiên trì hoạt động ngầm. Điều may mắn là những kẻ phản bội rất hiếm gặp; điều không may là ngày nào cũng có điểm đến bị biến mất".

Một số chủ nhà hàng phàn nàn trên mạng : “Mở cửa thế này thì thà không mở, vì không được mở cửa đón khách, chỉ có thể làm đồ ăn bán mang về, thu nhập bình thường chỉ bằng một phần mười lúc thường, nhưng các khoản chi ra lại nhiều hơn! Càng làm càng lỗ!"

Bán hàng mang về và giao hàng tại nhà là dịch vụ duy nhất được phép của ngành dịch vụ ăn uống (Ảnh: Reuters).

Đã gần một tháng kể từ khi Thượng Hải dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, hôm thứ Bảy (25/6), Thượng Hải thông báo rằng lần đầu tiên kể từ tháng 3, không có ca nhiễm COVID-19 mới nào và không có ca nhiễm mới không có triệu chứng nào tại địa phương. Ủy ban Y tế & Sức khỏe thành phố Thượng Hải đã thông báo tin này vào sáng hôm đó. Ông Lý Cường, Bí thư Thành ủy Thượng Hải, phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ 12 thành ủy Thượng Hải ngay sáng hôm đó: “Thượng Hải đã giành chiến thắng trong trận chiến bảo vệ Thượng Hải”.

Phát ngôn này cũng khiến cư dân mạng bàn luận. Một số người bình luận trên trang Sina Weibo: "Lão Vương bán dưa, tự bán tự khoe". Có người bình luận: “Chiến thắng dịch rồi sao? Vậy xin hỏi bao giờ thì các nhà hàng được mở cửa?”.

Cũng có người hỏi: “Chiến trường có kẻ thắng người thua, trận chiến bảo vệ Thượng Hải thắng rồi, vậy ai thua?". Cũng có cư dân mạng viết: "#Thượng Hải thông báo thắng trận chiến bảo vệ Thượng Hải #, những người kinh doanh đang khóc."