Bệnh viện Trung ương Huế: Đã triển khai nhiều kỹ thuật cao ngang tầm khu vực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Năm 2023 là năm thứ bảy Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn và đạt được nhiều giải thưởng danh giá.

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đang thực hiện ca ghép tạng cho bệnh nhân (Ảnh Tuấn Hiệp)
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đang thực hiện ca ghép tạng cho bệnh nhân (Ảnh Tuấn Hiệp)

Những dấu ấn năm 2023

Với lịch sử 130 năm, Bệnh viện Trung ương Huế hiện là bệnh viện hạng đặc biệt với hơn 5.000 giường bệnh, cùng hơn 3.900 cán bộ với đa số có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân địa phương và khu vực miền Trung

Trên tổng diện tích 17,8 ha, Bệnh viện Trung ương Huế hiện có 3 cơ sở: Cơ sở 1, cơ sở 2, Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế và 14 trung tâm, 119 khoa lâm sàng, cận lâm sàng, 14 phòng chức năng.

Trong bảy năm thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn, Bệnh viện Trung ương Huế đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động, quyết liệt, kịp thời giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, xử lý hiệu quả những vấn đề khó khăn, đồng thời, đảm bảo tiếp tục phát triển bền vững, ổn định đời sống cán bộ, viên chức, nâng cao uy tín, vị thế của Bệnh viện.

 vt-benh-vien-trung-uong-hue-1-91.png
Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế nhìn từ trên cao (Ảnh Tuấn Hiệp)

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bệnh viện quan tâm là đẩy mạnh triển khai nhiều kỹ thuật cao ngang tầm khu vực như: Ghép tạng, ghép tế bào gốc, tim mạch, điều trị ung thư đa mô thức, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, thẩm mỹ, đột quỵ, hỗ trợ sinh sản;... đưa vào hoạt động các trang thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính phổ 512 lát cắt, máy xạ trị gia tốc thế hệ mới và nhiều máy móc thiết bị hiện đại khác góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân khu vực miền Trung nói chung và địa phương nói riêng.

Theo Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế tự đánh giá đạt 4,40 điểm, tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú 98%, tỷ lệ hài lòng so với mong đợi 96,13%.

Năm 2023, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại 3 cơ sở của Bệnh viện tăng so với năm 2022 và năm 2019 (thời điểm trước đại dịch COVID-19) với gần 700.000 lượt khám, số bệnh nhân điều trị nội trú là 180.000 lượt, tổng số phẫu thuật khoảng 50.000 ca, số lần chạy thận nhân tạo khoảng 100.000 lượt, ghép tạng và tế bào gốc hơn 200 ca, số phẫu thuật tim mạch gần 1.800 ca, can thiệp tim mạch và can thiệp mạch não gần 7.000 ca.

Đặc biệt, Bệnh viện còn được Hội Đột quỵ Thế giới xếp hạng Kim cương; đạt giải Nhất hội thi chung kết “Phẫu thuật đại trực tràng nội soi” Đông Nam Á và nhiều giải khác tại các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật quốc gia, tỉnh.

Chủ động mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ người dân

Đặc biệt, trong bối cảnh chung về tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế của các cơ sở y tế trên toàn quốc, tại Bệnh viện Trung ương Huế đã không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ người dân.

Trong năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế đã chủ động trong công tác dự trù, lập kế hoạch, đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế. Bệnh viện đã thực hiện 56 gói thầu với tổng giá các gói thầu (giá kế hoạch) là 2.778 tỉ đồng và tổng giá trúng thầu là 2.441 tỉ đồng trong năm 2023.

“Bệnh viện vẫn cơ bản đảm bảo toàn bộ thuốc, vật tư y tế kịp thời phục vụ bệnh nhân, đặc biệt đến ngày 4/3/2023 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và đến tháng 6/2023 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT về Quy định, trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong công tác đấu thầu, mua sắm”- lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho hay.

vt-benh-vien-trung-uong-hue-3-6424.png
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đang thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh Tuấn Hiệp)

Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, tuy nhiên, vẫn có một số danh mục thiếu cục bộ do nhà cung ứng không nhập được hàng hóa, do tờ khai hải quan hết hạn, đứt nguồn cung do diễn biến các cuộc chiến tranh trên thế giới, việc cấp lại giấy phép lưu hành… song bệnh viện đã kịp thời điều chỉnh thuốc và phác đồ điều trị hoặc lựa chọn thuốc hoặc vật tư tương tự để điều trị cho bệnh nhân.

Trong một số trường hợp thiếu nguồn hàng do không đủ nguồn cung, do tăng giá từ nhà sản xuất… Bệnh viện đã tích cực và quyết liệt trong đàm phán với các nhà thầu để đảm bảo nguồn cung cho bệnh viện.

Để kịp thời đảm bảo đầy đủ thuốc vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh năm 2024, bệnh viện đã chủ động lập, thẩm định, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu mua sắm cho năm 2024 gồm: thuốc, vật tư y tế, hóa chất, hàng hóa dịch vụ… và tất cả các gói thầu đều được mở thầu trong tháng 1/2024 đảm bảo kịp thời thuốc, vật tư y tế, hàng hóa phục vụ bệnh nhân (37 gói thầu với tổng giá các gói thầu (giá kế hoạch) là 1.838 tỉ đồng).

“Để công tác chăm sóc sức khoẻ người dân được tốt hơn, dưới góc độ Trung ương, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá thuốc và vật tư y tế, tăng cường đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá.

Ở góc độ cơ sở, bệnh viện gặp vướng mắc trong việc điều hành nhân lực giữa 3 cơ sở trực thuộc do trùng thời gian đăng ký hành nghề, đặc biệt là các trường hợp nhân lực kỹ thuật cao, chuyên môn sâu. Chính vì vậy, Bệnh viện mong muốn có hướng dẫn trong trường hợp này, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh và đặc biệt là thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại đơn vị”- lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.