Bệnh viện dã chiến Bạch Mai được dựng lên ngay trong đêm

VietTimes – Ngay trong đêm 28/3, với sự hỗ trợ của Quân đội, bệnh viện dã chiến đã được dựng lên trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai. Đây là phần kịch bản dự phòng để Bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.
Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày phong tỏa. Ảnh: Anh Lê.
Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày phong tỏa. Ảnh: Anh Lê.

Theo GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trong buổi họp trực tuyến chiều qua (29/3) giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bệnh viện Bạch Mai, Phó Thủ tướng và Bệnh viện đã thống nhất thực hiện ngay một số công việc để ứng phó với dịch COVID-19.

Ngay tối 28/3, Bộ Quốc phòng đã cho nhiều xe chở 631 người nhà bệnh nhân đến vùng cách ly. Việc này rất quan trọng, nó giúp giảm mật độ người trong bệnh viện, qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng lập ngay khu Bệnh viện dã chiến trong Bệnh viện Bạch Mai để ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra và cử các Quân chủng Hóa học đến khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, hành lang, thang bộ, thang máy, tất cả khu vực công cộng của bệnh viện.

Bệnh viện dã chiến được dựng lên ngay trong sân Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 28/3 (ảnh: Đặng Tú)
Bệnh viện dã chiến được dựng lên ngay trong sân Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 28/3 (ảnh: Đặng Tú)

“Nội bất xuất ngoại bất nhập” là quyết sách trong vài ngày gần đây của Bệnh viện Bạch Mai. Số lượng người có mặt tại Bệnh viện hiện tại khoảng gần 3.500 người. Trong đó có hơn 1.300 người bệnh nặng, gồm 800 bệnh nhân không thể xuất viện hoặc chuyển tuyến dưới, 552 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần chạy thận.

Người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Hòa Lạc và hiện còn hơn 100 người nhà bệnh nhân chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhi, sản phụ.

“Hiện tại, 3.500 con người trong bệnh viện không được đi ra ngoài, nên mọi vật dụng cái từ nhỏ nhất như bàn chải, kem đánh răng, đều do Bệnh viện cấp. Nhưng có một bất cập rất lớn là các chuyến hàng do chúng tôi đặt, hay do nhân dân cả nước chuyển đến để hỗ trợ cho Bệnh viện, đều rất khó để có thể qua được chốt kiểm soát của công an. Dù rằng chúng tôi đã bố trí lực lượng tiếp nhận ngay tại cổng viện rồi mới dùng phương tiện trung chuyển đến các khoa.

Bệnh viện dã chiến Bạch Mai (ảnh: Đặng Tú)
Bệnh viện dã chiến Bạch Mai (ảnh: Đặng Tú)

Thứ hai là vấn đề dinh dưỡng cho người bệnh và các nhân viên y tế trong Bệnh viện. Nhà ăn của Bệnh viện chính là nguồn lây nhiễm, chúng tôi đã phong tỏa khu nhà ăn và cách ly toàn bộ người làm việc tại đây. Để có các suất ăn cho nhân viên tế và người bệnh, chúng tôi đã liên hệ một công ty chuyên cung cấp xuất ăn cho hàng không.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều hạn chế về dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế phải làm việc 24/7. Bên cạnh đó, còn các suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhi, bệnh nhân ăn qua sonde…”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bày tỏ.

GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Bv Tim HN).
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Bv Tim HN).

Bệnh viện Bạch Mai đã có nhiều kịch bản nhưng “thật sự mà nói chuyện lần này khá là bất ngờ”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn nói về “sự kiện” Bệnh viện trở thành “ổ dịch” trong đại dịch COVID-19.

Ông cho rằng một đơn vị của Bạch Mai - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - lại là nơi xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Vì thế, toàn bộ Trung tâm đó phải cách ly, “chúng tôi như mất đi phao cứu sinh. Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự trợ giúp của Bộ Y tế để có những biện pháp mạnh mẽ và đã có kế hoạch chi tiết từ đầu, để ngăn chặn sự lây lan từ bệnh nhân sang bệnh nhân, nhân viên y tế, người nhà...”, ông Tuấn nói.