Hội chẩn trực tuyến:

Bệnh nhân COVID-19 số 416 và 418 tiên lượng rất nặng, nhiều bệnh nền

VietTimes – Tại buổi hội chẩn trực tuyến, các chuyên gia đánh giá, bệnh nhân 418 nặng hơn bệnh nhân BN 416 vì tuổi cao, lại mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, nhiễm toan nặng, tổn thương thận, có thể phải sử dụng kỹ thuật ECMO.
Buổi hội chẩn trực tuyến kết nối 8 điểm cầu. Ảnh: Lê Hảo.
Buổi hội chẩn trực tuyến kết nối 8 điểm cầu. Ảnh: Lê Hảo.

Chiều nay (27/7), tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã có buổi hội chẩn quốc gia về tình hình 2 bệnh nhân COVID-19 nặng là bệnh nhân 416 và 418.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đã nghe các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng báo cáo về 2 bệnh nhân 416 và 418.

Cụ thể, bệnh nhân 416 (57 tuổi) được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) - Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển - sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân đã phải đặt ECMO ngày thứ tư; tiếp tục phải lọc máu và thở máy hỗ trợ.

Hiện các chỉ số và chức năng của bệnh nhân trong phạm vi kiểm soát, nhưng tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân 418 (nam, 61 tuổi), được chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp nặng do nhiễm SARS-CoV 2 (COVID-19) trên bệnh cơ sở bệnh lý nền về tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 - biến chứng suy hô hấp, suy tim – tổn thương thận cấp, tiên lượng rất nặng, tiếp tục thở máy và lọc máu liên tục.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia đánh giá bệnh nhân 418 nặng hơn bệnh nhân 416 vì tuổi cao, mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm, bệnh nhân nhiễm toan nặng; tổn thương thận biểu hiện rõ, bạch cầu tăng, cần xem xét thực hiện ECMO. Các chuyên gia để nghị bệnh nhân được đánh giá về khí máu, bệnh nhân cần cân bằng điện giải, kiềm, toan và cẩn trọng trong vấn đề chỉ định, cũng như cần xem xét vấn đề về nhiễm nấm…

Đối với bệnh nhân 416, các chuyên gia cũng đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng làm rõ thông số về huyết động, cấy dịch phế quản xem xét vấn đề nấm, khuẩn tụ cầu và tìm các căn nguyên khác; đánh giá mức độc suy giảm miễn dịch của bệnh nhân để có những điều chỉnh phù hợp.

Tại buổi hội chẩn, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Trưởng Tiểu Ban điều trị - đề nghị các bệnh viện nâng cao tinh thần cảnh giác trong chẩn đoán bệnh nhân, cũng như theo dõi sát sao các bệnh nhân, không để chỉ định can thiệp ECMO diễn ra muộn.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê  - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu rõ, Bệnh viện Đà Nẵng cần tiếp tục thực hiện "4 tại chỗ" trong phòng, chống dịch COVID-19. Bệnh viện cùng các chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ xây dựng kế hoạch và đề xuất các nội dung trong công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân.

Ông Khuê cũng lưu ý Bệnh viện xem xét phương án chuyển bớt bệnh nhân sang Bệnh viện được chỉ định để giãn cách bệnh nhân, giảm áp lực cho cán bộ y tế; đồng thời, bố trí cán bộ y tế đã có kết quả xét nghiệm âm tính và chưa có yếu tố nguy cơ ở một địa điểm phù hợp, để luân phiên, bảo toàn sức khỏe cho cán bộ y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu Bệnh viện phải đảm bảo đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân. Nếu có khó khăn phải đề xuất, báo cáo Bộ Y tế để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, Bệnh viện cần cố gắng không để lây nhiễm trong bệnh viện và lây ra cộng đồng.

Đối với các bệnh viện, PGS Khuê đề nghị  thực hiện các Tiêu chí về bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 và các bệnh viêm đường hô hấp.

"Bệnh viện không được chủ quan và lơ là trong phòng chống dịch. Nếu bệnh viện nào không thực hiện, lãnh đạo bệnh viện phải chịu trách nhiệm" - PGS Khuê nhấn mạnh.