Bầu cử Mỹ: Kỳ vọng gì trong ngày đại cử tri bỏ phiếu 14/12?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Các thành viên của Đại cử tri đoàn sẽ tụ họp ở các bang của họ trong hôm 14/12 để bỏ lá phiếu chính thức bầu Tổng thống. Thông thường, đây chỉ là quy trình mang tính thủ tục để xác nhận kết quả bầu cử tháng 11.

Việc ngăn chặn ông Joe Biden vào Nhà Trắng vốn là chiến lược dài hơi của đảng Cộng hòa (Ảnh: NYTimes)
Việc ngăn chặn ông Joe Biden vào Nhà Trắng vốn là chiến lược dài hơi của đảng Cộng hòa (Ảnh: NYTimes)

Thế nhưng, năm nay lại khác. Trong suốt nhiều tuần qua, Tổng thống Donald Trump và các đồng minh của ông liên tục gây sức ép cho giới chức đảng Cộng hòa để phớt lờ kết quả bỏ phiếu phổ thông ở các bang chiến địa mà ông Joe Biden giành chiến thắng. Đảng Cộng hòa cũng yêu cầu nhiều tòa án tuyên bố chiến thắng cho ông Trump ở những bang ông thua cuộc.

Nhưng các thẩm phán và giới lập pháp bang của đảng Cộng hòa dường như không hứng thú với việc đảo ngược tiến trình dân chủ, và cơ cấu các đại cử tri được lựa chọn vẫn giữ nguyên.

Sau đây là quy trình bỏ phiếu của các đại cử tri, và các bước tiếp theo trong quy trình này:

Người dân có thể theo dõi cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn?

Có. Phần lớn các bang của Mỹ ghi hình trực tiếp quá trình này, trong đó bao gồm cả các bang chiến địa mà ông Biden giành chiến thắng.

Các đại cử tri không tụ họp ở một địa điểm hay cùng một thời điểm; một số sẽ họp vào lúc 10h00 sáng 14/12 (23h00 giờ VN), và phần lớn các cuộc bỏ phiếu diễn ra vào buổi chiều cùng ngày. California, bang quan trọng giúp ông Biden giành đủ 270 phiếu đại cử tri, tổ chức họp lúc 17h00 (giờ Mỹ).

Các đại cử tri của mỗi bang và Khu vực Columbia tụ họp ở một địa điểm mà nghị viện bang lựa chọn, thường là tòa nhà nghị viện bang hoặc văn phòng Thống đốc.

Các đại cử tri ở Delaware thì họp trong một phòng tập gym. Nevada là bang duy nhất tổ chức họp trực tuyến trong năm nay.

Quy chế bỏ phiếu của Đại cử tri đoàn như thế nào?

Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống bằng lá phiếu giấy của họ. 33 bang và Washington DC yêu cầu các đại cử tri lựa chọn người giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông ở bang họ, theo quy định pháp luật, bởi vậy rất khó xảy ra điều bất ngờ.

17 bang còn lại không “buộc” các đại cử tri của họ làm như vậy, có nghĩa rằng họ có thể bỏ phiếu cho bất cứ ai mà họ lựa chọn – như cho ông Trump.

Các đại cử tri được lựa chọn bởi các đảng trong bang (nếu ông Biden chiến thắng ở một bang, đại cử tri của đảng Dân chủ sẽ đi bỏ phiếu).

Thường thì các đại cử tri là các nhà hoạt động chính trị, quan chức, nhà tài trợ và những người có mối quan hệ gần gũi với các ứng viên – có nghĩa rằng họ có khả năng rất cao sẽ bỏ phiếu cho ứng viên mà họ ủng hộ.

Năm 2016, có 7 đại cử tri đac bỏ phiếu cho người khác thay vì cho ứng viên của đảng họ. Nhưng khả năng xuất hiện những “đại cử tri không trung thành” như vậy để bỏ phiếu cho ông Trump là rất thấp.

Sau khi các đại cử tri bỏ phiếu, lá phiếu sẽ được đếm và các đại cử tri phải ký vào biên bản xác nhận kết quả. Các văn phòng Thống đốc sau đó cũng có văn bản xác nhận kết quả kiểm phiếu. Các văn bản xác nhận này được gửi tới Phó Tổng thống Mike Pence, Chủ tịch Thượng viện; Văn phòng Đăng ký Liên bang (OFR); Thư ký các bang; và Chánh án của Tòa án Địa phương liên bang.

Điều gì tiếp theo?

Quốc hội chính thức đếm phiếu trong một phiên làm việc chung tổ chức tại Hạ viện vào ngày 6/1, do Phó Tổng thống Mike Pence chủ trì. Ông Pence sẽ mở các văn bản xác nhận lá phiếu đại cử tri – theo thứ tự bảng chữ cái – và đưa chúng cho 4 người, 2 người từ Hạ viện và 2 người từ Thượng viện, để kiểm tra lại.

Khi ông Joe biden đạt được thế đa số với 270 phiếu, ông Pence sẽ tuyên bố kết quả.

Quy trình này được quy định cực kỳ khắt khe trong luật liên bang, trong đó nêu rõ cả vị trí ngồi của các chính trị gia trong cuộc họp (Ông Pence ngồi ghế chủ tọa, bà Nancy Pelosi ngồi bên trái ông, và 4 người kiểm phiếu ngồi tại bàn thư ký).

Phiên họp này không thể kết thúc cho đến khi việc đếm phiếu hoàn thành và kết quả được công khai. Vào thời điểm đó, kỳ bầu cử Tổng thống mới chính thức hoàn tất. Nhiệm vụ còn lại là Lễ tuyên thệ vào ngày 20/1/2021.

Quốc hội nào thực hiện quy trình này?

Do các thành viên mới của Quốc hội tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/1/2021, nên Quốc hội mới sẽ thực hiện phiên họp chung này. Đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Hạ viện. Và đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Thượng viện, bất chấp kết quả của cuộc bầu cử ở bang Georgia phải đến ngày 5/1/2021 mới có, bởi ông Mike Pence vẫn tại vị.

Thành viên Quốc hội có thể chặn kết quả không?

Trong quá trình kiểm phiếu đại cử tri, không được phép tranh luận. Nhưng sau khi kết quả được đọc, các thành viên Quốc hội có một cơ hội để nêu ra quan ngại của họ. Mọi sự phản đối đối với kết quả bỏ phiếu của một bang nào đó cần phải được viết tay và có chữ ký của ít nhất một Thượng nghị sĩ và một thành viên Hạ viện.

Lưỡng viện sau đó sẽ tự tranh luận riêng rẽ về sự phản đối này. Mỗi thành viên của Quốc hội chỉ có thể phát biểu một lần – trong vòng 5 phút – và sau 2 giờ đồng hồ, cuộc tranh luận sẽ kết thúc. Mỗi viện sau đó sẽ phải bỏ phiếu xem có bác bỏ kết quả kiểm phiếu của bang đó hay không.

Kể từ khi Đạo luật Kiểm phiếu được thông qua vào năm 1887, chỉ có 2 trường hợp phản đối như trên, trong năm 1969 và năm 2005. Nhưng kết quả cuối cùng, hai viện vẫn không chấp nhận sự phản đối này.

Có khả năng Quốc hội thay đổi kết quả bỏ phiếu?

Ngăn chặn ông Joe Biden giành được Nhà Trắng vẫn là một chiến lược dài hạn của đảng Cộng hòa. Để tạo ra một sự phản đối kết quả bỏ phiếu, nó cần được lưỡng viện thuộc Quốc hội thông qua bởi đa số thành viên. Và nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra theo đúng ý chí của hai đảng, tức không có thành viên nào phản bội, đảng Cộng hòa không thể ngăn chặn chiến thắng của ông Biden.

Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, điều này có nghĩa rằng mọi sự phản đối kết quả bỏ phiếu sẽ bị ngăn chặn ngay tại đó.

Còn ở Thượng viện, đảng Dân chủ chỉ cần phải kiếm thêm một vài thành viên đảng Cộng hòa đứng về phe họ để bỏ phiếu bác sự phản đối này. Hiện có một số thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã công nhận ông Biden là Tổng thống đắc cử.

Trong lúc một số đồng minh của ông Trump đã lên sẵn kế hoạch phản đối kết quả bỏ phiếu, phiên họp này chắc chắn sẽ có chút kịch tính. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, quy trình này có rất ít cơ hội để thay đổi kết quả của một kỳ bầu cử.