Bầu cử Mỹ 2020: Những điểm không thể bỏ qua trong đêm 3/11

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Ngày 3/11, người dân Mỹ sẽ hướng đến các điểm bỏ phiếu để quyết định xem ai sẽ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, ông Donald Trump hay Joe Biden.

Kết quả chính thức của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay có thể công bố muộn do nhiều yếu tố (Ảnh: The Times)
Kết quả chính thức của kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay có thể công bố muộn do nhiều yếu tố (Ảnh: The Times)

Đây là những điều cần theo dõi trong khi đêm bầu cử khó đoán định này dần hé lộ, và trong lúc chờ đợi kết quả chính thức.

Một số chi tiết quan trọng:

Để trở thành Tổng thống Mỹ, bạn không cần phải giành nhiều lá phiếu phổ thông hơn, mà thay vào đó các ứng viên đang nhắm tới việc giành được đa số thứ được gọi là đại cử tri đoàn.

Khác với các kỳ bầu cử trươc,s hàng triệu người dân Mỹ đã lựa chọn bỏ phiếu bầu qua thư. Việc đếm phiếu bầu gửi qua đường bưu điện có thể mất thêm nhiều thời gian, và một số bang sẽ không bắt đầu đếm phiếu cho tới ngày 3/11, bởi vậy mà chắc chắn kết quả sẽ đến chậm hơn.

Và bởi sự gia tăng mạnh số người muốn bỏ phiếu qua đường bưu điện, một ứng viên vượt lên dẫn trước ban đầu vẫn có thể bị vượt mặt sau đó, khi mà lá phiếu gửi qua đường bưu điện được đếm. Bởi vậy, hãy thận trọng với những con số.

Những điều cần biết

Những bang đáng chú ý nhất: Những nơi như bang Ohio và Missouri, có lượng cử tri được chứng minh là đáng tin cậy trong việc lựa chọn một Tổng thống.

Thăm dò ngoài phòng phiếu: Đây là những cuộc phỏng vấn cử tri sau khi họ đã bỏ phiếu. chỉ một số lượng nhỏ các cử tri được phỏng vấn, bởi vậy mà kết quả thăm dò này có thể rất khác so với kết quả chính thức.

Đại cử tri đoàn: Mỗi bang đều có một số lượng người dự đại hội đại biểu cử tri (để bầu tổng thống), tương ứng với dân số của bang. Trong hầu hết các trường hợp, ứng viên nào giành chiến thắng ở một bang cũng giành được tất cả các đại biểu cử tri này – những người sau đó gặp gỡ để lựa chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống. Do có 538 lá phiếu của đại cử tri đoàn, mỗi ứng viên sẽ cần 270 phiếu để giành chiến thắng.

Người chiến thắng dự kiến sau đêm bầu cử (Projected winners): Cơ chế này hoạt động thế nào? Nó là sự kết hợp giữa các cuộc phỏng vấn với các cử tri ngay tại các điểm bỏ phiếu, phỏng vấn qua điện thoại với những cử tri đi bỏ phiếu sớm và số lá phiếu thực được đếm ở các khu vực. Các mạng truyền thông lớn của nước mỹ sẽ đưa ra người thắng cử dự kiến ở các bang khi tất cả dữ liệu này chỉ ra rằng một ứng viên có kết quả không thể bị đánh bại. Trong tất cả trường hợp, đây chỉ là dự đoán chứ không phải kết quả chính thức – có thể mất vài tuần mới được công bố.

Các bang do dự hoặc bang chiến trường: Các bang này thường không nghiêng hẳn về một đảng nào, bởi vậy mà hai ứng viên cần phải dùng mọi cách để tranh giành.

Bang “đỏ” và bang “xanh”: Các bang này có xu hướng bỏ phiếu cho ứng viên của một đảng nhất định – Cộng hòa ở các bang màu đỏ và Dân chủ ở các bang màu xanh.

Một cử tri cầm biểu ngữ kêu gọi đếm đủ các lá phiếu bầu (Ảnh: FT)

Một cử tri cầm biểu ngữ kêu gọi đếm đủ các lá phiếu bầu (Ảnh: FT)

Làm sao biết ứng viên nào chiến thắng?

Năm nay, do hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện nên rất khó để xem ai đang dẫn đầu. Các bang khác nhau cũng có những quy định khác nhau về cách thức – và thời điểm – đếm số phiếu bầu gửi qua đường bưu điện, điều này có nghĩa rằng sẽ có những khoảng cách lớn giữa hai ứng viên xét về kết quả được báo cáo. Một số bang, như Florida và Arizona, bắt đầu quá trình kiểm phiếu từ nhiều tuần trước ngày 3/11. Các bang khác, như Wisconsin và Pennsylvania, sẽ không đụng đến những lá phiếu này cho đến ngày bầu cử, có nghĩa họ công bố kết quả chậm hơn.

Thêm vào đó, các bang cũng có sự khác biệt về thời hạn chót cho việc kiểm đếm số phiếu bầu bỏ qua đường bưu điện. Một số bang, như Georgia, sẽ chỉ đếm các lá phiếu họ nhận được vào hoặc trước ngày 3/11, trong khi các bang khác, như Ohio, sẽ kiểm phiếu muộn miễn là chúng có đánh dấu bưu điện ngày 3/11.

Một số bang chắc chắn là mất nhiều tuần lễ để hoàn thành việc kiểm phiếu, có nghĩa rằng sẽ gần như là không thể dự đoán được thời điểm nêu tên vị Tổng thống mới của nước Mỹ.

Nhưng các kỳ bầu cử trước thì lại khác, bởi người ta có thể đặt giờ vào lúc 23h00 miền Đông (4h00 GMT), lúc đóng cửa các điểm bỏ phiếu ở bờ Tây nước Mỹ. Năm 2008, kết quả bầu cử có ngay trong vòng 1 giờ đồng hồ và trong năm 2012 là chỉ sau 15 phút.

2 điều quan trọng cần lưu ý

Thứ nhất, mọi kết quả sớm đều có thể sai lệch.

Điều này một phần là do sự khác biệt giữa các bang trong cách công bố kết quả. Ở một số bang, lá phiếu mà cử tri đi bỏ tại các điểm bỏ phiếu trong ngày bầu cử sẽ được đếm trước. Sự đếm phiếu này dự kiến sẽ có lợi cho ông Trump, bởi người ủng hộ ông dự kiến sẽ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

Ở những nơi khác, lá phiếu qua đường bưu điện được gửi đi trước ngày 3/11 sẽ được tính vào số phiếu được kiểm sớm và số phiếu đi bỏ trực tiếp trong ngày bầu cử. Kết quả ban đầu từ các bang này sẽ có lợi cho ông Biden, bởi đảng Dân chủ muốn đi bỏ phiếu qua thư hơn trong năm nay.

Ngoài ra còn có quan ngại về gian lận bầu cử - điều mà chiến dịch tranh cử của ông Trump đã cảnh báo.

Tuy nhiên, gian lận bầu cử là điều cực kỳ hiếm khi xảy ra, và cũng không có bằng chứng cho thấy lá phiếu bỏ qua đường bưu điện dễ bị gian lận. Tính tổng quan, tỷ lệ gian lận bầu cử ở Mỹ chỉ trong khoảng 0,00004 – 0,0009%; theo một nghiên cứu năm 2017 do Trung tâm Tư pháp Brennan thực hiện.

Hình ảnh tại một điểm bỏ phiếu ở Mỹ (Ảnh: Global News)

Hình ảnh tại một điểm bỏ phiếu ở Mỹ (Ảnh: Global News)

Kết quả được đưa ra thế nào?

Sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, các hãng truyền thông lớn của mỹ sẽ sử dụng các mô hình bầu cử của họ để dự báo ai giành chiến thắng. Các mô hình này thu nhập vô số dữ liệu, như thăm dò ngoài phòng phiếu và số phiếu thực được kiểm đếm bởi giới chức địa phương, và sau đó nhập chúng vào một cơ sở dữ liệu.

Một bang sẽ được đưa ra kết quả trước bởi các hãng truyền thông này khi họ tin rằng một ứng viên dẫn trước mà không thể bị đảo ngược. Một số người mô tả kết quả này là chính xác tới 99,5%.

Nhưng sẽ phải mất nhiều tuần để các bang kiểm đếm tất cả số phiếu, và điều này càng đúng với kỳ bầu cử năm nay do áp dụng hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Trong kỳ bầu cử năm 2016, bà Hillary Clinton đã dẫn trước xét về lá phiếu phổ thông và điều này kéo dài hơn 1 tháng liền kể từ ngày bầu cử, bởi các quan chức còn bận đếm phiếu, mặc dù lúc đó ông Trump đã giành chiến thắng ở đủ số bang để trở thành Tổng thống.

Tại sao bỏ phiếu qua đường bưu điện gây chậm trễ?

Có hàng triệu lá phiếu gửi qua đường bưu điện trong kỳ bầu cử năm nay – có lẽ gấp đôi số lượng của năm 2016.

Có nhiều quan ngại rằng số lượng lớn lá phiếu gửi qua đường bưu điện sẽ khiến hệ thống bưu điện quốc gia quá tải, làm chậm quá trình chuyển phát và nhận của giới chức bang. Nhưng cơ quan bưu chính đã đảm bảo rằng điều này sẽ không xảy ra.

Một số bang sẽ kiểm đếm các lá phiếu này ngay sau ngày bầu cử - miễn là nó được đánh dấu bưu điện vào hoặc trước ngày 3/11 – điều này làm chậm quá trình đếm phiếu. Và một khi các lá phiếu đến nơi, chúng lại mất thời gian kiểm đến hơn so với lá phiếu đi bỏ trực tiếp. Điều này là do nhân viên kiểm phiếu phải mất công lấy chúng ra từ phong bì và xác nhận xem chúng có hợp lệ hay không.

Điều gì xảy ra nếu không có người chiến thắng rõ ràng?

Nếu không có kết quả rõ ràng trong ngày 3/11, người ta sẽ phải đợi nhiều ngày – thậm chí nhiều tuần – để quá trình kiểm phiếu hoàn tất.

Điều này rất bình thường – lá phiếu thường được kiểm sau đêm bầu cử, thường là vào sáng sớm hôm sau. Nhưng năm nay, quá trình kiểm đếm sẽ còn kéo dài hơn. Thêm nữa, có khả năng xảy ra tranh chấp pháp lý, nên kết quả sẽ có khả năng còn đến muộn hơn.