Ngành dệt may đóng góp tới 16% tổng GDP của Việt Nam, nhưng các thương hiệu may mặc nhỏ chưa tận dụng được lợi thế này của ngành.
Start-up Inflow đã ra đời để san lấp khoảng trống đó, thông qua việc cung cấp một nền tảng giúp cho các các xưởng may có thể kết nối với các hãng thời trang lớn ở trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng từ thiết kế đến sản xuất, ngược lại cũng giúp các hãng thời trang nhỏ tìm được xưởng may sẵn sàng thực hiện các hợp đồng may mặc số lượng ít.
Hôm 28/11, Inflow công bố đã huy động được 2 triệu USD tài trợ vòng seed. Các nhà đầu tư là AppWorks, 500 Global, January Capital, Spiral Ventures và Saison Capital. Inflow cho biết trong năm qua, doanh thu của công ty đã tăng hơn 15 lần và hiện được hơn 80 thương hiệu thời trang trên khắp Đông Nam Á sử dụng nền tảng của mình.
Nỗ lực chuyển đổi số ngành dệt may
Chia sẻ về lý do thành lập Inflow, bà Lê Quỳnh Khanh - nhà sáng lập kiêm CEO Inflow Vietnam - cho biết, so với 15 năm trước, thị trường thời trang Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về tốc độ sản xuất cũng như số lượng mẫu mã đa dạng để có thể bắt kịp xu hướng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đạt 44 tỉ USD, đứng thứ 3 thế giới.
Tuy nhiên, theo bà Khanh, so với các quốc gia khác như Ấn Độ và Bangladesh, thời gian sản xuất và gia công thành phẩm của Việt Nam còn chậm, điều này làm giảm cơ hội tiếp cận đến những hợp đồng lớn hơn.
Một điểm yếu khác là tìm kiếm chuỗi cung ứng. Thông thường, một doanh nghiệp thời trang nếu muốn tìm một xưởng may phù hợp để sản xuất cần trung bình từ 2 đến 6 tháng để tìm kiếm, thử nghiệm và hợp tác, gây khó khăn cho cả hai phía trong việc xúc tiến hợp đồng.
Trước khi thành lập Inflow, bà Lê Quỳnh Khanh đã có 15 năm làm việc trong ngành thời trang và đã từng sở hữu thương hiệu thời trang của riêng mình tại Việt Nam. Sau một vài lần thay đổi công việc, bà quyết định quay lại với thương hiệu B2C của mình một lần nữa. Nhưng bà đã gặp phải một số thử thách.
“Khi tìm xưởng may gia công ở Việt Nam, tôi nhận ra đây vẫn là công việc theo truyền thống và không khác gì 15 năm trước”, bà nói. “Một thương hiệu thời trang nhỏ rất khó tìm được đối tác gia công tin cậy và tận dụng lợi thế sản xuất tại Việt Nam”.
Điều này trái ngược với vị trí cao của Việt Nam trong số các nước xuất khẩu dệt may trên thế giới. “Tôi nghĩ tại sao gia công may mặc có tiềm năng to lớn như vậy nhưng nó chỉ dành phục vụ cho những thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Uniqlo?”.
Đó là lúc bà Lê Quỳnh Trang quyết định sử dụng phương pháp so khớp dựa trên dữ liệu để giúp các thương hiệu thời trang tiếp cận mạng lưới xưởng may tại Việt Nam.
Vai trò cơ bản của Inflow là: Tìm kiếm và phỏng vấn các xưởng may thật kỹ lưỡng. Tiếp theo đó là khảo sát trực tiếp và kiểm tra về chất lượng trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Từ đó giúp xưởng may thiết lập quy trình cơ bản nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn mà khách hàng yêu cầu.
Start-up này hiện đang là đối tác hàng đầu của các chuỗi cung ứng sản xuất, giúp đơn giản hoá quá trình tìm nhà cung ứng (xưởng may mặc) và quản lý các quy trình sản xuất cho đối tác là các thương hiệu thời trang.
Tích hợp AI vào quy trình kết nối
Inflow đã tập hợp được một mạng lưới các đối tác được sàng lọc trước. Vì nhiều thương hiệu thời trang có trụ sở tại Hoa Kỳ hoặc Châu Âu, nên Inflow đã sử dụng nền tảng của mình để cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về quy trình sản xuất, do đó các đối tác đang ở nước ngoài vẫn có thể theo dõi được tình hình sản xuất của xưởng may.
Inflow xây dựng hệ thống đánh giá các chỉ số đo lường tính hiệu quả của quy trình sản xuất, lượng đơn đặt hàng, điều này giúp họ quyết định đúng số lượng mặt hàng cần sản xuất. Tất cả việc này được thực hiện một cách trơn tru nhờ tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI).
Trên thế giới, các thương hiệu thời trang lớn như H&M, Zara, Uniqlo đã áp dụng AI vào tất cả các quy trình từ thiết kế đến sản xuất. Ví dụ, đối với quá trình lên ý tưởng, AI giúp phân tích mẫu mã, giúp doanh nghiệp thời trang biết mẫu mã đang dự định sản xuất có đang là xu hướng trên thị trường không, từ đó đề xuất số lượng sản xuất cho phù hợp.
Công nghệ AI cũng giúp tạo mẫu thử 3D để giảm vấn đề rác thải vải vóc, hỗ trợ kiểm tra chất lượng vải và giúp quản lý năng suất ở các xưởng may có trên 300 nhân công.
Tại Việt Nam, Inflow là start-up ưu tiên sử dụng AI để tối ưu hoá quy trình sản xuất, gia công cho các xưởng may mặc.
Inflow cho biết các nhà sản xuất và nhà cung ứng trên nền tảng của mình đều tuân thủ các quy tắc đạo đức và họ đảm bảo điều đó thông qua quy trình kiểm định sản phẩm cũng như kiểm tra nhà xưởng thường xuyên.
Bà Lê Quỳnh Trang khẳng định Inflow đảm bảo các xưởng may đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về lợi ích của người lao động, môi trường làm việc và cách họ xử lý nguyên liệu. Họ cũng khuyến khích khách hàng lựa chọn vật liệu bền vững hoặc hiểu biết về tác động của vật liệu họ sử dụng.
Bà Trang cho biết số vốn 2 triệu USD vừa huy động được từ vòng seed sẽ được sử dụng cho hoạt động R&D cũng như phát triển công nghệ phục vụ chuỗi cung ứng và sản xuất. Inflow dự định giúp các thương hiệu thời trang có thể mang sản phẩm của mình ra thị trường trong vòng 30 ngày với số lượng đặt hàng tối thiểu là 50. Start-up này cũng sẽ thiết lập các kênh bán hàng tại các thị trường phát triển và có kế hoạch hợp tác với các công ty xuất khẩu thời trang ở Mỹ hoặc châu Âu.
Vishal Harnal, chuyên gia của 500 Global - một trong các quỹ tài trợ cho Inflow, đã nhận xét về start-up này: "Ngành may mặc toàn cầu, giống như nhiều ngành khác, đang đa dạng hóa tránh phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất. Công nghệ chuỗi cung ứng thời trang của Inflow có thể nắm bắt cơ hội to lớn này cho Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, sự thuận tiện và có thể mở rộng".