“Bắt mạch” FE Credit trước thềm IPO

VietTimes -- Việc IPO “con gà đẻ trứng vàng” FE Credit dường như nằm trong kế hoạch tìm kiếm sức bật mới từ VPBank sau nhiều năm công ty tài chính tiêu dùng này cho thấy dấu hiệu lợi nhuận sau thuế chững lại.
Lợi nhuận sau thuế của FE Credit đang chững lại? (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Lợi nhuận sau thuế của FE Credit đang chững lại? (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Cuối tháng 2/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản số 762/NHNN-TTGSNH về việc chấp thuận chuyển đổi FE Credit (công ty con của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank) từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần. Bên cạnh đó, quy mô vốn điều lệ của FE Credit cũng được điều chỉnh tăng lên ở mức 7.333 tỷ đồng.

Trước đó, một báo cáo của quỹ Vincapital tiết lộ thông tin cho hay FE Credit có khả năng sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trong năm nay và đây sẽ là chất xúc tác chính cho giá cổ phiếu VPB của VPBank trên thị trường.

Việc chuyển đổi thành công ty cổ phần, vì vậy, là một bước đi cần thiết về mặt pháp lý để công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng của VPBank có thể tiến hành IPO.

Theo dữ liệu của VietTimes, việc FE Credit liên tục báo lãi trong các năm gần đây đã giúp quy mô vốn điều lệ của công ty này tăng mạnh từ mức hơn 8.435,8 tỷ đồng năm 2017 lên mức 12.519,6 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Quy mô vốn điều lệ tăng mạnh, song, lợi nhuận sau thuế của FE Credit trong 3 năm vừa qua lại có dấu hiệu chững lại. Số liệu từ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 cho thấy, lợi nhuận sau thuế của FE Credit đạt 3.590,3 tỷ đồng, chỉ nhỉnh hơn năm 2017 và 2018 lần lượt 6,9% và 8,9%.

Hệ quả là, chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit năm 2019 giảm xuống chỉ còn 28,68% so với con số 49,71% hồi năm 2017.

Dù vậy, FE Credit vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng mẹ VPBank khi đóng góp đến hơn nửa trong kết quả kinh doanh hợp nhất của nhà băng này.

Mặt khác, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2019 của FE Credit đạt 4,84 lần. Do đó, theo tính toán của VietTimes, quy mô tổng nguồn vốn của FE Credit tới cuối năm 2019 đạt hơn 73.114 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu của FE Credit giai đoạn 2017 - 2019 (Nguồn: FECredit)
Một số chỉ tiêu của FE Credit giai đoạn 2017 - 2019 (Nguồn: FECredit)

Được biết, FE Credit đang có vị thế dẫn đầu, chiếm tới quá nửa thị phần thị trường tài chính tiêu dùng trong nước.

Báo cáo thường niên năm 2018 của VPBank cho biết, mạng lưới của FE Credit trải rộng khắp cả nước với 8.500 đối tác tại hơn 12.200 điểm bán hàng trên toàn quốc, lớn hơn so với bất kỳ công ty tài chính tiêu dùng nào tại Việt Nam. Hệ thống phân phối này thực hiện gần 200.000 khoản vay mỗi tháng, phục vụ gần 10 triệu khách hàng.

Cuối tháng 09/2018, Moody’s cũng lần đầu tiên công bố mức xếp hạng tín nhiệm CFR ở mức B2 đối với FE Credit và đánh giá triển vọng ổn định.

Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán SSI đã áp dụng phương pháp định giá thu nhập còn lại (Residual Income) và phương pháp P/B cho kết quả định giá P/B của FE Credit là 1,83 lần.

SSI cho biết, giả sử việc bán FeCredit sẽ thực hiện ở mức P/B từ 2 đến 4 lần, giá mục tiêu của VPB có thể cao hơn khoảng từ 1 đến 30% so với giá mục tiêu mà công ty chứng khoán này đã định giá trước đó./.