Bất chấp thoả thuận Iran, Mỹ quyết đặt hệ thống phòng không ở Ba Lan

Ông John A. Heffern, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề châu Âu và Âu-Á cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vẫn sẽ được đặt ở Ba Lan, bất chấp việc các cường quốc thế giới đã đạt được thoả thuận về chương trình hạt nhân của Iran.
Mỹ cương quyết duy trì hệ thống phòng không tại châu Âu.

“Thoả thuận với Iran không bao gồm các loại tên lửa, do đó nó vẫn sẽ tồn tại”, ông Heffern nói với tờ Rzeczpospolia của Ba Lan vào hôm 21-7.

Theo nhà ngoại giao này, việc xây dựng các phần của hệ thống phòng không ở làng Redzikowo, thị trấn Slupsk, sẽ bắt đầu vào năm sau như kế hoạch và hoàn thành vào năm 2018.

Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Washington đã là một trong những khúc mắc lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Moscow không chấp nhận lời giải thích từ phía Mỹ rằng, hệ thống này là nhằm để phòng thủ với những đợt tấn công tên lửa có thể xảy ra từ phía Iran mà nhận định, hệ thống này như một mối đe doạ tới an ninh quốc gia Nga.

Sau khi Tehran đạt được thoả thuận hạt nhân nhằm hoán đổi cho việc gỡ bỏ trừng phạt kinh tế, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đã khẳng định với phía Washigton rằng, một hệ thống phòng không của Mỹ ở châu Âu là không còn cần thiết.

Trong bài phỏng vấn của mình với Rzeczpospolita, ông Heffern cũng cho biết, NATO không có kế hoạch xây dựng căn cứ vĩnh viễn tại Ba Lan, mặc dù, chính quyền nước này đã nhiều lần bày tỏ ý muốn sẵn sàng tiếp đón quân đội NATO, nhằm đề phòng các mối đe doạ từ Nga.

Kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga và bắt đầu xung đột quân sự ở miền đông Ukraine, NATO đã tăng cường tập trận và hiện diện gần lãnh thổ Nga, như ở các khu vực Baltic và Đông Âu.

Trong khi đó, Nga cũng đáp trả bằng việc tăng cường các chuyến bay tuần tra của các chiến đấu cơ và máy bay ném bom tầm xa tới sát biên giới của NATO, cũng như các cuộc tập trận của liên minh này.

Theo: An ninh Thủ đô