Báo Trung Quốc tuyên truyền: Tổng thống Trump sẽ thay thế Đô đốc Harry Harris vì vụ áp sát máy bay ở Biển Đông

VietTimes -- Trang tin Sina cho rằng việc điều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C đến bãi cạn Scarborough và đụng với máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc có khả năng lớn là do Đô đốc Harry Harris chỉ đạo, chứ không phải Tổng thống.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: Washington Times
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Ảnh: Washington Times

Ngày 8 tháng 2, một chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Hải quân Mỹ đã hiện diện ở Biển Đông, “đụng mặt” với máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Không quân Trung Quốc, khoảng cách giữa hai máy bay rất gần, chỉ hơn 300 m. Sau khi “đụng mặt”, máy bay P-3C đã quay đầu, rời đi.

Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 10 tháng 2, phía Trung Quốc và Mỹ đều chưa xác nhận chính thức việc này. Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết: “Chúng tôi sẽ xử lý vấn đề này bằng các kênh ngoại giao và quân sự thích hợp”.

Theo thông tin trên báo chí, cuộc “đụng mặt” này diễn ra ở lân cận bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), do đó trang tin Sina cho rằng Quân đội Mỹ muốn “thách thức” Trung Quốc.

Có hai thông tin đáng chú ý gần đây là: Thông tin từ Nhà Trắng Mỹ cho biết vào ngày 8 tháng 2 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết thư cho Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và mong muốn thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung mang tính xây dựng.

Ngoài ra, theo thông tin từ Đài truyền hình CCTV, ngày 10 tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiến hành điện đàm. Ông Donald Trump cho biết Mỹ sẽ thực hiện chính sách “một Trung Quốc”.

Nhìn vào hai thông tin này, trang tin Sina Trung Quốc cho rằng, ông Donald Trump một tay cầm “cành ô liu” (tượng trưng cho hòa bình”, một tay điều máy bay chiến đấu, tàu chiến để ứng xử với Trung Quốc.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina

Vì vậy, máy bay tuần tra săn ngầm cũng có khả năng do ông Donald Trump trực tiếp chỉ thị, bởi vì ông Donald Trump từng đưa ra những phát biểu cứng rắn trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, trang tin Sina phân tích, khả năng lớn hơn sẽ là: việc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C hiện diện ở bãi cạn Scarborough có thể là do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ quyết định, thậm chí không thông qua Bộ Quốc phòng Mỹ, càng không thông qua ông Donald Trump.

Bởi vì, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Khi đó, ông James Mattis đã nói là sẽ không tiến hành các hành động quân sự quy mô lớn ở Biển Đông, tức là Quân đội Mỹ không muốn xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Quân đội Trung Quốc ở Biển Đông.

Hơn nữa, mặc dù ông Donald Trump từng phát biểu cứng rắn về Biển Đông, nhưng tiền đề là Trung Quốc không phối hợp với Mỹ xử lý vấn đề Triều Tiên và vấn đề mất cân bằng thương mại Trung - Mỹ.

Vì vậy, vấn đề Biển Đông hay vấn đề Đài Loan là “thẻ bài” kiếm tiền của ông Donald Trump cho người Mỹ, chứ không phải là sự lựa chọn tất yếu của xung đột quân sự. Hơn nữa, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình vừa đạt được “đồng thuận” đã đề cập tới ở trên.

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ là một trong 9 bộ tư lệnh tác chiến liên hợp lớn của Quân đội Mỹ hiện nay. Tư lệnh của bộ tư lệnh này có quyền quyết định thực hiện các kế hoạch bay và huấn luyện trong phạm vi khu vực của mình.

Do đó, việc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Mỹ “đụng mặt” với máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc lần này có thể là do quyết định của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ.

Sau khi “đụng mặt” máy bay KJ-200 Trung Quốc, máy bay P-3C Mỹ đã rời đi, cho thấy Mỹ thể hiện họ đang tiến hành huấn luyện bay, chứ không phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tự do hàng không ở Biển Đông.

Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc. Ảnh: Sina
Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 Trung Quốc. Ảnh: Sina

Điều đáng chú ý là, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris là người gốc Nhật. Trong các sự kiện đối đầu quân sự Trung - Mỹ ở Biển Đông trong năm 2016 có vai trò rất quan trọng của Đô đốc Harry Harris.

Trang Sina Trung Quốc tuyên truyền rằng, ông Harry Harris mặc dù là quân nhân Mỹ, nhưng có thể “trung thành” với Nhật Bản. Hiện nay, quan hệ Trung - Nhật đang ở mức xấu nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay.

Hơn nữa, từ khi Đô đốc Harry Harris lên làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, các hoạt động quân sự của Quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nhằm vào Trung Quốc ngày càng thường xuyên hơn.

Trang tin Sina bình luận, nếu những phán đoán trên là thật thì Đô đốc Harry Harris sẽ bị Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm người khác thay thế. Bởi vì, nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp ở Biển Đông thì nước Mỹ không thể “tiếp tục vĩ đại”.