Báo Trung Quốc rào trước đón sau: Nga tham gia tập trận ở Biển Đông là “ủng hộ” Bắc Kinh

VietTimes -- Trung Quốc rất mong muốn thông qua cuộc tập trận này để thể hiện với cộng đồng quốc tế là Nga đang "ủng hộ" Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng cho đến nay, đây chỉ là sự tuyên truyền đơn phương của phía Trung Quốc.
Tàu chiến của Hải quân Nga (ảnh minh họa).

Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 31/7 cho hay trong cuộc họp báo ngày 28/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức tập trận "Liên hợp trên biển-2016" ở Biển Đông vào tháng 9/2016.

Mặc dù Trung Quốc nói rằng cuộc tập trận này là “diễn tập thường lệ, không nhằm vào bên thứ ba”, nhưng Nga đồng ý tập trận với Trung Quốc trong thời điểm nhạy cảm hiện nay thì không chỉ cho thấy hai nước có "lòng tin" về các vấn đề chiến lược, mà còn "hợp tác ủng hộ nhau" - báo Trung Quốc tuyên truyền.

“Thời điểm nhạy cảm” mà bài báo nói tới thực chất là thời gian tổ chức tập trận là thời điểm sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển đối với vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines liên quan tranh chấp Biển Đông.

Bài báo cho rằng, do Biển Đông là vùng biển cách xa Nga, cho nên các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương Nga tham gia cuộc tập trận này sẽ phải là những tàu chiến cỡ lớn.

Tàu tuần dương Varyag Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga. Ảnh: Sina Trung Quốc.


Theo phán đoán của bài báo, nếu Hải quân Nga cử 4 tàu chiến tham gia diễn tập thì rất có thể gồm có tàu tuần dương tên lửa Varyag – tàu này đóng vai trò tàu chỉ huy, 1 tàu khu trục tên lửa Type 956 hoặc tàu săn ngầm Type 1155, 1 tàu tiếp tế hạm đội và 1 tàu kéo viễn dương.

Nếu số lượng tàu chiến biên đội Hải quân Nga còn tăng thêm thì ngoài tăng thêm 1 tàu khu trục, còn có thể tăng thêm 1 tàu đổ bộ xe tăng và chở cùng 1 đại đội hải quân đánh bộ.

Nếu số lượng tàu chiến lên tới như vậy, vai trò về địa-chính trị của cuộc tập trận lần này giữa Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ lớn hơn nhiều so với sự tưởng tượng ban đầu – báo Trung Quốc nâng tầm cuộc tập trận.

Tên lửa chống hạm P-1000 trên tàu tuần dương Varyag Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga. Ảnh: Sina Trung Quốc.


Mặc dù vậy, báo Trung Quốc ra sức chê bai trình độ của biên đội tàu chiến Nga, cho rằng tàu tuần dương tên lửa Varyag Type 1164 mặc dù có ngoại hình mạnh mẽ, trọng tải không nhỏ, nhưng đối với lực lượng hải quân đương đại, nó đã không còn là tàu chiến mặt nước tiên tiến.

Thiết bị điện tử của tàu tuần dương này thuộc trình độ thập niên 80 của thế kỷ trước, sớm đã lạc hậu toàn diện, hệ thống phòng không khu vực với nòng cốt là tên lửa hạm đối không SA-N-6 đã không còn được coi là tiên tiên đối với Hải quân Trung Quốc hiện nay.

Theo báo của Trung Quốc, thứ duy nhất tương đối tiên tiến là tên lửa chống hạm P-1000 Vulkan mới được trang bị. Nhưng, xét tới vùng biển kín như Biển Đông, việc sử dụng nó không thuận tiện bằng tên lửa chống hạm YJ-12 Trung Quốc.

So với biên đội tàu khu trục Type 052D của chi đội 9 tàu khu trục Hạm đội Nam Hải, lực lượng tàu chiến mặt nước Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Nga sẽ thấp hơn một bậc. Như vậy, sức chiến đấu của biên đội tàu chiến Nga vẫn có hạn.

Nhưng, mặc dù chê lên chê xuống như vậy, nhưng tờ Người quan sát cho rằng Trung Quốc vẫn rất trông đợi Hải quân Nga “ủng hộ” Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông – tức là ủng hộ yêu sách bành trướng, bá quyền và bất hợp pháp mang tên “đường chín đoạn” của Bắc Kinh.

Bài viết cho rằng Nga là nước cung ứng vũ khí chủ yếu nhất của Việt Nam hiện nay. Các trang bị chủ lực của hải không quân Việt Nam từ tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard, tàu ngầm thông thường lớp Kilo đến máy bay chiến đấu đa dụng Su-30MKV và máy bay chiến đấu Su-35 (có khả năng đặt mua) đều đến từ Nga.

Việt Nam coi trọng mua sắm các trang bị của Nga như vậy ngoài mong muốn những trang bị này có thể giúp Việt Nam có thêm những đòn sát thủ chống lại “kẻ thù tiềm tàng” ở Biển Đông, còn hy vọng Nga không can thiệp vào tình hình Biển Đông – bài báo tự nhận định.

Hải quân Liên Xô đóng ở vịnh Cam Ranh, Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ảnh: Sina Trung Quốc.


Báo Trung Quốc tưởng tượng ra rằng việc Nga tham gia cuộc tập trận với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông lần này “không có gì nghi ngờ là đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”. Như vậy, Trung Quốc đang tuyên truyền về sự "ủng hộ" của Nga chẳng khác gì một trò hề.

Đối với Nga, cuộc tập trận trên Biển Đông lần này cũng được coi là điểm sáng của Hải quân Nga trong thời kỳ “co rút toàn diện”. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hoạt động của Hải quân Liên Xô ở Biển Đông rất thường xuyên.

Không chỉ 2 tàu sân bay Minsk và Novorosiysk của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Liên Xô đều qua lại giữa Biển Đông và Vladivostok; hơn nữa, vùng biển tuần tra hàng năm của Hạm đội Thái Bình Dương cũng chắc chắn có cả Biển Đông.

Cộng với việc Việt Nam mở cửa vịnh Cam Ranh cho Liên Xô, sự hiện diện của Quân đội Liên Xô ở Biển Đông và Ấn Độ Dương trở nên thường xuyên hơn.

Lần này, Hải quân Nga “quay trở lại” Biển Đông, mặc dù “cảnh còn người mất”, nhưng đây là sự “tái hiện huy hoàng” đối với Hải quân Nga – lực lượng hải quân chưa có động thái lớn nào ở trên hướng Thái Bình Dương.