Báo Trung Quốc nói về dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình

VietTimes -- Báo chí Trung Quốc tích cực đưa tin về quan hệ Việt - Trung và chuyến thăm Việt Nam, tham dự Tuẫn lễ cấp cao APEC 2017 sắp tới của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình.
Tuyến đường sắt đô  thị trên cao Cát Linh-Hà Đông dự kiến được đưa vào vận hành năm 2018
Tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh-Hà Đông dự kiến được đưa vào vận hành năm 2018

Chuẩn bị cho chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất

Đối với chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã sang Việt Nam trước để làm công tác chuẩn bị.

Ông đã có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh. Đồng thời, ngày 3/11, ông Vương Nghị được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp.

Trong các cuộc gặp, báo chí Trung Quốc cho biết các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chúc mừng nhiệt liệt Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đạt được thành công tốt đẹp, chúc mừng Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới được xác lập làm tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Phía Việt Nam khẳng định sẽ “nghiên cứu, tìm hiểu” tinh thần Đại hội XIX, tham khảo kinh nghiệm thành công của phía Trung Quốc trong xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn Việt Nam tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên ngay sau Đại hội XIX là đã thể hiện đầy đủ sự coi trọng cao độ của phía Trung Quốc đối với quan hệ Trung - Việt.

Phía Trung Quốc mong muốn thông qua chuyến thăm này sẽ tăng cường kết nối chiến lược, tăng cường lòng tin chính trị, đưa ra phương hướng tổng thể cho phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt, thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước lên tầm cao mới.

Đáng chú ý, hai bên đạt được đồng thuận về hợp tác xây dựng “Vành đai, con đường”, thúc đẩy kết nối giữa “Hai hành lang, một vành đai” với “Vành đai, con đường”, mở rộng hợp tác thiết thực giữa hai nước, tạo động lực mới cho quan hệ song phương.

Dự án trọng điểm của “Vành đai, con đường” tại Việt Nam

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam của nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 4/11 cho biết dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Thủ đô Hà Nội, Việt Nam do phía Trung Quốc đầu tư sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018.

Theo bài báo, đây không chỉ là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên do Trung Quốc xây dựng tại Việt Nam, mà còn là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, là một dự án “được người dân Việt Nam rất trông đợi”, tạo ra một “cột mốc” trong đời sống của người dân Việt Nam.

Căn cứ vào quy hoạch giao thông giai đoạn 2000 - 2020 của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có kế hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài báo cho rằng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Việt Nam đã trao cho phía Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,02 km, được xây dựng trên cao, có 12 trạm. Tổng kinh phí đầu tư khoảng 650 triệu USD, sử dụng nguồn vốn “vay ưu đãi” của Trung Quốc.

Theo ông Đường Hồng, giám đốc dự án này, toàn bộ công trình được thực hiện theo “tiêu chuẩn Trung Quốc” như thiết kế, quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, chuẩn mực thi công, mua sắm thiết bị kỹ thuật, lắp đặt, giám sát kỹ thuật.

Ông Đường Hồng cho biết cùng với việc thúc đẩy kết nối chặt chẽ và vững chắc sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc với quy hoạch “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam, dự án này trở thành dự án hợp tác trọng điểm của hai bên và sẽ được khai thông sớm nhất ở Việt Nam.

Ông Đường Hồng thừa nhận, mặc dù công nghệ đường sắt đô thị của Trung Quốc đã rất hoàn thiện, nhưng việc xuất khẩu “tiêu chuẩn Trung Quốc” ra nước ngoài không hề dễ dàng.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn tồn tại 4 khó khăn cần khắc phục: Một là thủ tục quản lý dự án có sự khác biệt lớn. Hai bên đã phải mất rất nhiều thời gian để trao đổi về công tác thiết kế, quy trình làm việc, công nghệ, không ngừng thay đổi phương án thiết kế trạm.

Hai là độ khó thi công lớn. 12 trạm của tuyến đường đều thi công ở “trên cao” và phần lớn phải thi công vào ban đêm do mật độ đi lại lớn.

Ba là dự án bị ảnh hưởng lớn bởi điều kiện khí hậu như mưa bão nhiều, lớn, dài, thời tiết nóng nực… Những yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến công tác thi công.

Bốn là nhân viên thi công chưa quen về kỹ thuật, phải tăng cường đào tạo để nâng cao hiệu suất lao động.

Đến nay, dự án này đã có điều kiện vận hành cơ bản, đã mở cửa cho báo chí và người dân Việt Nam tham quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Trang tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Trang tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn liên hợp

Theo Tân Hoa xã Trung Quốc ngày 4/11, cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn liên hợp trên biển giữa cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc đã được tổ chức ở vùng đánh cá chung của hai nước ở vịnh Bắc Bộ vào ngày 3/11/2017.

Cuộc diễn tập này nằm trong hoạt động kiểm tra liên hợp vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ lần thứ hai năm 2017 giữa hai bên được tổ chức trong thời gian 3 ngày.

Hoạt động này được triển khai từ năm 2006 và đã tiến hành 14 lần. Hiện nay, mỗi năm tổ chức hai lần. Đây là lần thứ hai hoạt động này diễn ra trong năm 2017.

Ngoài ra, ngày 31/10, Trung Quốc và các nước ASEAN còn lần đầu tiên tiến hành diễn tập tìm kiếm cứu nạn liên hợp quy mô lớn ở vùng biển Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Cuộc diễn tập này có sự tham gia của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ thông qua tăng cường các hành động tìm kiếm cứu nạn liên hợp ở Biển Đông, mở rộng hợp tác với các nước ASEAN.