Báo Trung Quốc bàn ra tán vào về "hổ mang chúa" Su-30MK2V Việt Nam

VietTimes -- Không quân Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á nhờ có máy bay chiến đấu Su-30MK2V, nay lại đại tu được loại máy bay này, có thể giảm mạnh chi phí, nhưng số lượng máy bay chiến đấu tiên tiến còn hạn chế so với nhu cầu.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2V của không quân Việt Nam. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2V của không quân Việt Nam. Ảnh: Sina.

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 9/6 cho rằng Việt Nam có lực lượng không quân tương đối mạnh, đứng đầu Đông Nam Á, có quy mô không nhỏ, chất lượng trang bị cũng không tồi, đặc biệt là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất Su-30MK2V, loại máy bay chiến đấu mà Trung Quốc cũng phải nhập khẩu.

Máy bay chiến đấu Su-30 mà Trung Quốc nhập khẩu là loại phiên bản sớm MKK, sau này là MK2. Sau khi Trung Quốc nhập khẩu, Việt Nam đã đề nghị Nga cung cấp cho mình một phiên bản cải tiến: Su-30MK2V. Việt Nam đã lần lượt đặt mua 36 chiếc Su-30MK2V, gần đây mới hoàn thành bàn giao toàn bộ.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2V của không quân Việt Nam. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2V của không quân Việt Nam. Ảnh: Sina.

Phiên bản Su-30 mới của Việt Nam không có bất cứ sự khác biệt nào với Su-30MKK2 về tính năng cơ bản, chủ yếu là đã tiếp tục nâng cấp thiết bị điện tử hàng không, thể hiện qua hình ảnh khoang lái của máy bay chiến đấu Su-30MK2V được đăng trên báo chí Việt Nam.

Trong những hình ảnh này, cơ bản không còn thấy hình dáng kiểu cũ, mức độ số hóa rất cao. Cốt lõi là bộ radar mạch xung Doppler N001VE có thể đồng thời theo dõi 10 mục tiêu và tiến hành tấn công đối với 4 mục tiêu trên không hoặc 2 mục tiêu mặt đất.

Khoảng cách dò tìm đối với các mục tiêu như máy bay chiến đấu là 110 km, khoảng cách dò tìm đối với những mục tiêu trên mặt biển như tàu sân bay và thuyền máy tốc độ cao lần lượt là 250 km và 70 km, có các chức năng như đo vẽ bản đồ, theo dõi và tránh né địa hình.

Ngoài ra, máy bay chiến đấu Su-30MK2V còn trang bị hệ thống dò tìm quang điện OLS-30, khoảng cách dò tìm là 90 km.

Việt Nam tương đối coi trọng đối với máy bay chiến đấu Su-30, tiến hành mở rộng quy mô lớn đối với căn cứ không quân. Đến nay, Việt Nam còn xây dựng nhà máy đại tu, nếu không thì sẽ phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ cho việc đưa máy bay Su-30 đến Nga bảo trì, bảo dưỡng. Việt Nam đã tìm cách giảm chi phí này. Vài năm trước, Việt Nam còn nhờ Ấn Độ giúp đỡ.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2 Việt Nam được tiến hành đại tu. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2 Việt Nam được tiến hành đại tu. Ảnh: Sina.

Như vậy, Việt Nam đã có thể tự đại tu được máy bay chiến đấu Su-30. Trên thực tế, việc tự xây dựng nhà máy đại tu là điều không dễ dàng, vì Việt Nam không được coi là quốc gia có công nghiệp hàng không.

Việc xây dựng được nhà máy như vậy là một tiến bộ tương đối lớn, chủ yếu là có thể tiết kiệm chi phí, tăng mạnh khả năng bảo trì cho máy bay chiến đấu Su-30. Được biết, Việt Nam hiện đã có khả năng đồng thời đại tu 2 máy bay chiến đấu Su-30.

Có điều với nhu cầu của Việt Nam, chỉ đứng đầu Đông Nam Á là không đủ. Sina Trung Quốc cho rằng, thực ra vấn đề của Việt Nam không ít. Máy bay chiến đấu chủ lực thực sự lấy máy bay chiến đấu cũ làm chính, tỷ lệ máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 thế hệ mới nhất của Việt Nam là không cao, lượng đặt mua không đến 50 chiếc, chỉ chiếm hơn 20% trong khoảng 240 chiếc hiện có.

Máy bay chiến đấu Su-30MK2V Việt Nam được tiến hành đại tu. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu Su-30MK2V Việt Nam được tiến hành đại tu. Ảnh: Sina.

Trong các loại máy bay khác, riêng máy bay chiến đấu MiG-21 đã lên đến 100 chiếc, chúng thực sự đã quá hạn sử dụng. Với chi phí đắt đỏ của chiến tranh hiện đại, Việt Nam chưa thể bảo đảm tốc độ biên chế mới tương đương với số cho nghỉ hưu.

Đến nay, quy mô của không quân Việt Nam đã giảm một nửa so với thời kỳ đỉnh cao. Việc giải quyết vấn đề này không phải là điều dễ dàng đối với Việt Nam - Sina Trung Quốc kết luận.