Sai lầm chí mạng của Trung Quốc
Mới đây, chính phủ Australia công bố Sách Trắng quốc phòng, đề ra “chương trình nâng cấp lực lượng hải quân toàn diện nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay”. Cùng với đó, chính phủ nước này còn liên tục chỉ trích hành vi xây dựng đảo trái phép ở biển Đông của Trung Quốc. Rõ ràng là những vấn đề này đều khiến Trung Quốc khó chịu. Bắc Kinh đã lên tiếng “khuyên nhủ” Canberra nên từ bỏ “tư duy chiến tranh lạnh”.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sở dĩ Australia lên kế hoạch xây dựng lực lượng hải quân kiểu mới hùng mạnh hơn, kể cả xét trên góc độ lý luận, ngoài việc kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc thì không còn lý do nào khác. Chính sách phòng thủ mà Australia sắp thực thi không phải để đối phó với mối đe dọa địa chính trị từ phía Trung Quốc, mà là chính sách phối hợp cùng Mỹ để chặn đứng những mưu đồ của Trung Quốc.
Sách Trắng quốc phòng của Australia cực lực phản đối tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông
Sự gia tăng về sức mạnh của quân đội Australia không tách rời việc củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Nguồn tài nguyên của Australia có hạn, trong khi Mỹ thì nợ công lớn, quốc gia này lại sa lầy vào cuộc xung đột ở Đông Âu và Trung Đông. Vai trò quân sự của các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực đương nhiên là phải được nâng cao. Sức mạnh quân sự của các quốc gia này được tăng cường, phạm vi sử dụng lực lượng này sẽ không ngừng được mở rộng.
Tiến trình này không chỉ bó hẹp trong việc phát triển lực lượng quân sự các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực. Trong ngôn luận của người Mỹ, ngày càng xuất hiện nhiều cụm từ như “tự do hàng hải” và “mối đe dọa Trung Quốc”. Họ đã dùng những ngôn luận này để ảnh hưởng thế hệ chính trị gia mới ở các nước đồng minh của họ.
Trung Quốc thân cô thế cô sẽ không thể thành công
Ông Vasily Kashin nhấn mạnh, kể cả thỉnh thoảng Trung Quốc vẫn làm được một số việc giúp cho mối quan hệ Trung – Mỹ xuất hiện sự ổn định nhất định, tuy nhiên lực lượng chính trị ở các quốc gia này chịu sự ảnh hưởng của các ngôn luận của Mỹ và chống lại Trung Quốc cũng sẽ tìm mọi cách để tạo ra xung đột, giống như những gì chúng ta đã nhìn thấy trong sự phát triển của mối quan hệ giữa Nga với các nước Đông Âu, đặc biệt là mối quan hệ giữa Nga với Ba Lan và Rumania.
Còn về vấn đề Australia là nước cung cấp khoáng sản quan trọng nhất của Trung Quốc và Trung Quốc đóng vai trò đầu tầu trong sự phát triển kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương xét về tổng thể, cũng khó có thể ngăn chặn xu thế xuất hiện liên minh chống lại Trung Quốc một cách vững chãi và rộng rãi ở khu vực này. Sức mạnh kinh tế không thể tự động biến thành sức mạnh chính trị, để làm được điều này vẫn cần rất nhiều điều kiện.
Mấy chục năm qua, Trung Quốc đã đánh giá quá cao vai trò của ngoại giao kinh tế và coi nhẹ sự ảnh hưởng của các nhân tố chính trị, hình thái ý thức và quân sự . Đã từ lâu, người Trung Quốc vẫn ngây thơ cho rằng, chỉ cần gia tăng quy mô thương mại và đầu tư là có thể tranh tài cao thấp với Mỹ về độ ảnh hưởng ở một khu vực nào đó.
Sai lầm của Trung Quốc nằm ở chỗ, Bắc Kinh những tưởng rằng, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách của một số nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc hay Australia, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, không có chính sách ngoại giao tích cực và linh hoạt, không có hình thái ý thức thu hút người khác, không có năng lực đối thoại trực tiếp với một giai tầng nào đó của dân chúng nước láng giềng thì sẽ không thể làm được điều này.
Trung Quốc cần học Mỹ phát triển mối quan hệ đồng minh
Đúng là như vậy, chiến lược cố gắng “ẩn mình” mà Trung Quốc từng áp dụng ở thập kỷ 80 thế kỷ XX, đến đầu thế kỷ XXI đã phát huy tác dụng cực lớn, tuy nhiên trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến năm 2009, đã xuất hiện điều kiện thay đổi chiến lược này đồng thời thúc đẩy chính sách thay đổi phương thức phát triển kinh tế.
Tuy nhiên một điều đáng tiếc là cho dù về mặt kinh tế hay chính trị, Trung Quốc đều đã bỏ lỡ thời cơ vàng khi thời kỳ đó mới bắt đầu: Sự thay đổi buộc phải tiến hành diễn ra rất muộn, và quy mô cũng có hạn, vì đã gặp phải sự cản trở lớn của lực lượng tinh hoa Trung Quốc đã quen với cuộc sống trước đây. Vài năm gần đây, mặc dù Trung Quốc đạt được một số kết quả về mặt chiến thuật ở biển Đông, mối quan hệ với một số ít quốc gia Đông Nam Á (như Thái Lan) được tăng cường, tuy nhiên lại cho Mỹ cơ hội củng cố mối quan hệ đồng minh với các nước đồng minh truyền thống, cho dù về mặt quân sự hay về mặt kinh tế (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được thông qua).
Cuối cùng, ông Vasily Kashin khẳng định, Mỹ đang tích cực tăng cường mối quan hệ quân sự vốn có với các nước đồng minh tại châu Á. Nếu Trung Quốc thân cô thế cô, không xây dựng liên minh cho mình, không xây dựng mô hình quan hệ nội bộ đồng minh thu hút người khác thì không thể ngăn cản được tiến trình này.
Đ.Q