|
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam trên vịnh Cam Ranh |
Theo Geopolitical Monitor, Việt Nam từng là lá cờ đầu trong việc thực hiện chiến lược chống tiếp cận. Vì bị nước ngoài tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Việt Nam trong những năm gần đây đã trở thành điểm nóng an ninh trong khu vực. Bài toán khá đơn giản nhưng việc giải quyết lại rất khó khăn: Đối phương thường lớn hơn, giàu hơn và đông dân hơn và thực hiện những hành động thách thức đe dọa đến lợi ích của Việt Nam.
Do đó Việt Nam phải chọn cách cân bằng lại với kẻ địch hung hãn. Năm 2013, một vài nhà quan sát quốc tế đã tuyên bố Việt Nam thực thi chiến lược chống tiếp cận khi chiếc tàu đầu tiên trong 6 tàu ngầm lớp Kilo mua từ Nga đã được vận chuyển tới Việt Nam. Đến năm 2017, khi tàu ngầm cuối cùng được vận chuyển đến cảng Cam Ranh, liệu chiến lược răn đe truyền thống của Việt Nam sẽ được triển khai như thế nào? Geopolitical Monitor đặt câu hỏi.
Theo quan điểm quốc phòng gia, khu vực chống tiếp cận sẽ bị chia thành hai mảng khác nhau: các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống. Khả năng của Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ được tăng cường nhờ 6 chiếc tàu ngầm Kilo này. Mẫu tàu ngầm “Hố đen đại dương” của Nga với các sonar và các lớp gạch chống bị phát hiện ngoài vỏ tàu, được thiết kế để theo dõi và vô hiệu hóa các tàu địch.
Việt Nam mua 6 tàu ngầm trị giá 2 tỷ USD, mục đích chính của việc này là nhằm đối phó với các mối đe dọa truyền thống trên biển và trong trường hợp diễn ra xung đột thì những tàu ngầm này sẽ bù đắp cho sự bất tương xứng giữa hải quân Việt Nam và đối thủ mạnh hơn, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Nói cách khác, Việt Nam nâng cấp khả năng răn đe thông thường bằng cách làm tăng chi phí của cuộc xung đột trên biển lên một giá đắt khiến đối thủ không thể coi thường.
Theo Geopolitical Monitor, tình hình thực tế trên Biển Đông hết sức phức tạp. Có nhiều lực lượng “tàu vỏ xanh” – thực chất là lực lượng dân quân trên biển, xâm nhập vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và quấy rối người dân địa phương. Trung Quốc đã triển khai các đội tàu vỏ xanh này để “bảo vệ chủ quyền của mình” (trái phép và ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế). Báo Mỹ cho rằng việc trang bị vũ khí và huấn luyện các đội tàu vỏ xanh này, thông qua lực lượng hải quân chính quy có thể đạt tới trình độ cao và quan hệ của lực lượng này với chính phủ thường là không rõ ràng. Nói thẳng ra, đội tàu vỏ xanh trên Biển Đông này là nhằm khuấy đảo cuộc sống của người dân nước láng giềng bằng cách quấy rối các hoạt động đánh bắt cá và vận tải, định nghĩa lại toàn bộ khái niệm về cuộc xung đột.
Việt Nam vẫn chưa thể hiện sự đáp trả quá cứng rắn đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền và quấy rối trên Biển Đông. Năm 2013, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chính thức đổi tên thành “Cảnh sát biển” và bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn trong chính sách an ninh của Việt Nam. Một cuộc đại tu về tổ chức, thiết lập các vùng quản lý trong khu vực, và các khoản đầu tư ổn định đều nhằm tăng cường khả năng giám sát và thực thi luật pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Những mối đe dọa xuyên quốc gia như cướp biển, buôn lậu là lý do hợp lý để Việt Nam phát triển lực lượng cảnh sát biển, mở rộng khả năng hợp tác quân sự của Việt Nam.
Geopolitical Monitor ghi nhận có những nhân tố chính trị mới tham gia vào chiến lược cân bằng của Việt Nam bằng cách tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các đối tác trong khu vực và trên quốc tế. Vấn đề này có thể tách rời với chiến lược chống tiếp cận, nhưng cả hai khía cạnh đều có tính bổ sung lẫn nhau. Trong chuyến thăm Hà Nội, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về phát triển đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, tăng cường các khoản viện trợ phát triển và cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Việc chuyển giao tàu tuần tra được trông đợi từ lâu này sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng giám sát ở Biển Đông và đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống trên biển.
Không nước nào có thể biến Việt Nam thành vùng đệm để chống láng giềng. Chính sách “ba không” của Việt Nam về cơ bản vẫn định hình chiến lược của Việt Nam: không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự của nước ngoài, không phụ thuộc vào một bên thứ ba nào. Nhưng chiến lược chống tiếp cận lại có ý nghĩa đối với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Do đó, những thỏa thuận hợp tác quốc phòng và cung cấp vũ khí gần đây đều nhằm củng cố chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Lầu Năm Góc đã hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam thông qua Sáng kiến an ninh hàng hải, nhằm tăng cường nhận thức hàng hải cho các nước Đông Nam Á. Ấn Độ có thể bán tên lửa phòng không Akash cho Việt Nam trong lộ trình tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước, sau khi đồng ý huấn luyện phi công lái Sukhoi-30 của Việt Nam.
Geopolitical Monitor nhận định vẫn chưa rõ điều gì sẽ diễn ra trên Biển Đông. Phán quyết của tòa Trọng tài thường trực hồi tháng 7/2016 về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Philippine không phải là cột mốc quan trọng mà các bên tham gia luật quốc tế hy vọng. Tòa tuyên bố các tuyên bố của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” ngang ngược do Bắc Kinh tự vẽ ra, nhưng Philippine lại thay đổi tình hình khi ông Duterte thắng cử và trở thành tổng thống. Kể từ đó, chính quyền của ông Duterte luôn mơ hồ về việc biến phán quyết thành thắng lợi chính trị.
Cuộc chạy đua tổng thống Mỹ và chiến thắng của ông Donald Trump cũng chẳng thể đơn giản hóa sự cân bằng mơ hồ này được. Ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng mới của Mỹ hôm 11/1 đã tuyên bố Mỹ “chắc chắn sẽ bảo vệ lãnh thổ quốc tế không bị nước nào chiếm giữ” ở Biển Đông, hàm ý trực tiếp đả phá lập trường của Trung Quốc trong khu vực…
Tuy nhiên, trong tình hình phức tạp như hiện nay thì mọi việc cũng rất khó đoán định. Những khoản đầu tư khổng lồ vào tên lửa và vào hải quân đảm bảo cho Việt Nam có khả năng thực thi chiến lược chống tiếp cận.
Geopolitical Monitor kết luận, đầu tư vào việc giám sát và thực thi luật pháp là cách tốt nhất để tăng cường sự hiện diện, trong khi tránh được cáo buộc thực thi chính sách bên miệng hố chiến tranh. Đó là lý do vì sao tương lai của chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam lại phụ thuộc vào khả năng giám sát và đối phó với các mối đe dọa phi truyền thống, cũng như phát triển quan hệ song phương với bất kỳ bên nào có lợi ích trong việc đảm bảo cân bằng địa chính trị trên Biển Đông.