|
Tàu ngầm Kilo của lực lượng hải quân Việt Nam |
Không giống hải quân Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào năng lượng hạt nhân, Nga vẫn duy trì hạm đội tàu ngầm chạy bằng cả diesel lẫn năng lượng hạt nhân. Với sức mạnh trên bộ bao quanh phần lớn Á-Âu, tàu ngầm của Nga luôn trong tình trạng sẵn sàng hành động hơn tàu ngầm của Mỹ.
Trong khi Nga vẫn duy trì tàu ngầm hạt nhân để thực hiện các cuộc tuần tra ngoài khơi xa, hạm đội tàu ngầm diesel của nước này cũng đủ để hỗ trợ Nga trong các cuộc xung đột ở châu Âu, Trung Đông và các khu vực gần kề Nga.
Lực lượng chính của hạm đội tàu ngầm chạy bằng diesel của hải quân Nga là tàu ngầm lớp 877 hay còn được NATO gọi là tàu ngầm lớp Kilo. Tàu ngầm lớp Kilo này hoạt động cực êm, được chế tạo trong khoảng 30 năm, đây có thể coi là minh chứng cho tính hiệu quả của tàu ngầm này.
Tàu ngầm lớp Kilo vốn được xây dựng để phục vụ trong hải quân các nước Hiệp ước Vacxava, thay thế các tàu lớp Whiskey và Foxtrot cũ hơn. Tàu ngầm này dài 238 feet, rộng 32 feet và có lượng giãn nước 3.076 tấn khi lặn. Đội thủy thủ vận hành con tàu này gồm 12 sĩ quan và 41 binh sĩ, có thể lặn 45 ngày trước khi cần tiếp tế.
Tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng hai động cơ diesel và một động cơ điện, khiến con tàu này đủ năng lượng để hải hành với tốc độ 10 hải lý/giờ trên mặt nước và 17 hải lý/giờ khi bơi ngầm. Các tàu ngầm Kilo có tầm hoạt động từ 6.000-7.500 hải lý, có nghĩa là từ trụ sở Hạm đội phía bắc của Nga, tàu Kilo có thể tuần tra cả ngàn hải lý và sau đó tiến thẳng tới Cuba.
Theo trang Combat Fleets of the World, tàu ngầm lớp Kilo thông thường có thể lặn ở mức 787 feet, sâu nhất là 984 feet. Các tàu ngầm này đặc biệt thực hiện nhiệm vụ rất tốt ở mực nước nông.
Xung quanh con tàu ngầm này có rất nhiều điều bí ẩn. Vỏ tàu Kilo được cho là có hình dáng của một giọt nước và làm giảm mức cản nước so với các tàu ngầm hoạt động trong Thế chiến II. Bộ phận lực đẩy được đặt riêng trên một bệ cao su nên không bị chạm vào vỏ tàu, ngăn dao động không biến thành tiếng ồn để bên ngoài nghe thấy. Con tàu này có lớp phủ chống âm bằng cao su để làm giảm tiếng ồn phát ra. Hệ thống tái tạo khí trên tàu có thể cung cấp đủ khí ô-xy cho thủy thủ đoàn trong vòng 260 tiếng, khiến tàu Kilo có thể chạy dưới nước trong hai tuần.
Bộ cảm biến của tàu Kilo bao gồm bộ radar chủ động tần số thấp và thụ động MGK-400 Rubikon, đồng thời cũng có radar tần số cao MG519 Mouse Roar để phân loại mục tiêu và tránh bom mìn. Đối với hoạt động điều hướng và tìm kiếm đơn giản trên bề mặt, tàu ngầm lớp Kilo được trang bị radar MRK-50 Albatros.
Cuối cùng, tàu ngầm Kilo trang bị sáu ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn đường kính 533mm, vốn được cấu tạo để phóng ngư lôi và 18 tên lửa chống tàu ngầm SS-N-15A Starfish. Trên những con tàu cuối cùng của lớp này, hai trong số các ống phóng ngư lôi có khả năng phóng ngư lôi dẫn đường bằng dây dẫn. Một điểm đặc biệt nữa đối với tàu ngầm lớp này là được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không Igla.
24 tàu ngầm lớp Kilo đã được Liên Xô đưa vào hoạt động, trong đó 11 tàu đến nay vẫn được Nga sử dụng. Một tàu Kilo được bán cho Ba Lan và đến nay vẫn hoạt động, số còn lại bán cho Romani và đã ngừng sử dụng. 10 chiếc bán cho Ấn Độ, trong đó 9 tàu vẫn đang hoạt động, trong khi con tàu thứ 10 bị dính bom và đánh chìm vào tháng 8/2013. Iran có ba tàu lớp Kilo, Algeria có hai chiếc và Trung Quốc cũng mua một số tàu Kilo, tất cả các thương vụ đều được thực hiện sau Chiến tranh lạnh.
Tàu ngầm là một trong những tàu đầu tiên của các xưởng đóng tàu Nga bắt tay vào xây dựng sau khi Liên Xô sụp đổ. Phiên bản nâng cấp của tàu Kilo với cái tên Đề án 636.3 được phát triển nhằm làm trẻ hóa đội tàu ngầm của Nga và thu được nhiều lợi nhuận từ việc xuất khẩu các con tàu này.
Tàu ngầm Kilo 636.3 là phiên bản nâng cấp toàn diện. Kích thước của con tàu này hoàn toàn giống phiên bản cũ nhưng mũi tàu đã được tái định hình để nâng cấp dòng thủy động lực học. Nó giúp con tàu hoạt động cực kỳ êm ái và hầu như không tạo tiếng ồn nhờ sự việc đưa các bộ phận máy móc đến những khu vực không tạo ra nhiều tiếng ồn. Con tàu này cũng có phạm vi hoạt động lớn hơn 25% so với các phiên bản trước đây. Tuy nhiên các hệ thống sonar lớn này phần lớn đều giống với phiên bản ban đầu.
Một nâng cấp lớn của tàu ngầm Kilo 636.3 là khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr. Kalibr là một loại tên lửa cực kỳ linh hoạt với phiên bản tác chiến tấn công mặt đất, chống tàu và chống tàu ngầm. Vào tháng 12/2016, tàu ngầm Rostov-on-Don của Nga phóng tên lửa tấn công mặt đất Kalibr giáng đòn vào phiến quân IS ở Syria.
Trung Quốc cũng đã mua 10 tàu lớp 636.3. Các tàu ngầm này được phân chia rõ ràng giữa Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Một nước khác cũng thu mua loại tàu này là Algeria, mua hai tàu lớp Kilo hiện đại để bổ sung cho hai chiếc phiên bản cũ.
National Interest ghi nhận, Việt Nam cũng đã mua 6 tàu lớp Kilo hiện đại, là hạt nhân trong lực lượng chống tiếp cận chống lại kẻ thù tiềm năng. Số tiền Việt Nam bỏ ra để mua 6 tàu ngầm này là 1,8 tỷ USD, quả thực đây là một món hời quá lớn.
Cuối cùng, Nga để 6 chiếc tàu ngầm Kilo 636.3 để bảo vệ đội tàu ngầm của mình. Chiếc cuối cùng, Kolpino được xây dựng ở xưởng đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg vào tháng 2/2017. Tàu Kolpino sẽ phục vụ trong Hạm đội Biển Đen, nơi nó có thể thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào các mục tiêu IS. Nga dường như đã ngừng đóng thêm tàu ngầm lớp Kilo để chuyển sang tàu ngầm lớp Lada.
Tàu ngầm lớp Kilo từng là một sản phẩm rất thành công của Nga cả về mặt kỹ thuật lẫn về phương diện xuất khẩu. Một con tàu gần như đã trở thành huyền thoại trong mắt NATO. 53 tàu ngầm lớp Kilo đã được xây dựng trong 33 năm, giúp các xưởng đóng tàu nước này vẫn liên tục hoạt động kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay.
Hiện nay, các hoạt động của Nga chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cùng những căng thẳng ở Biển Đông đang làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ hải quân, và rất có thể thế giới sẽ được chứng kiến khả năng thật sự của tàu ngầm lớp Kilo ở các vùng nước châu Á.