Trong bài xã luận đăng ngày 4/9, The Washington Post bình luận về màn duyệt binh hoành tráng đầy khoe mẽ của Trung Quốc để kỷ niệm 70 năm đánh bại phát xít Nhật trong thế chiến thứ hai là một “màn xuyên tạc sự thật”. Theo bài báo, tuy Trung Quốc có đóng góp vào chiến thắng của Đồng minh, nhưng cuộc chiến đấu được dẫn dắt bởi lực lượng của ông Tưởng Giới Thạch, một thực tế không được Trung Quốc hiện nay thừa nhận.
Còn bài báo trên The Washington Time giật hàng tít “Đài Loan kỷ niệm chiến thắng chiến tranh thế giới thứ hai – Xâm lược có thể được tha thứ nhưng không bao giờ bị quên lãng”. Bài báo nhấn mạnh Quốc dân đảng ở Đài Loan ngày nay mới là lực lượng thừa kế của chính quyền Tưởng Giới Thạch (người qua đời năm 1975 với cương vị chủ tịch Quốc dân đảng).
Theo Washington Time, Tưởng Giới Thạch đã quyết định thực thi một chính sách khoan dung với kẻ thù Nhật Bản trước đây, và đã cho hồi hương hơn 2 triệu binh lính và dân thường Nhật Bản ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan vào thời điểm phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh. Tưởng Giới Thạch cũng tôn trọng quyền của người dân Nhật Bản về việc duy trì hệ thống quân chủ và phản đối việc chia cắt Nhật Bản thành nhiều vùng khác nhau.
Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thời hậu chiến là ông Higashikuni Naruhiko từng bày tỏ cảm kích với nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch trong hồi ký của mình. Washington Time còn lưu ý rằng Đài Loan vẫn duy trì quan hệ thân thiết với Nhật Bản kề từ sau khi thế chiến kết thúc. Khi xảy ra thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản năm 2011, Đài Loan để công khai ủng hộ Nhật Bản 260 triệu USD để khắc phục thảm họa, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, trừ Mỹ.
Nhiều chuyên gia Mỹ cũng đã lên tiếng cho rằng Trung Quốc đóng vài trò rất nhỏ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật trước kia, nhưng hiện nay lại đang cố nhào nặn lịch sử để thu lợi cho mình. Vấn đề này đã nổi lên tại cuộc hội thảo Đối thủ chính trị: Kỷ niệm thế chiến 2 tại châu Á-Thái Bình Dương 2015 vừa diễn ra tại Đại học George Washington. Giáo sư về quan hệ quốc tế Robert Sutter cho biết, chủ lưu dư luận vẫn nhìn nhận Quốc dân đảng vốn là lực lượng kháng chiến chống phát xít Nhật trong thế chiến, nên đứng ra tổ chức kỷ niệm mới đúng.
Theo giáo sư Sutter, bất chấp thực tế trên Bắc Kinh đang cố gắng gạt Quốc dân đảng ra bên lề và nào nặn lịch sử theo ý mình. Trong vòng 3 năm qua, Bắc Kinh gây áp lực rất lớn với Nhật Bản và hy vọng Đài Loan sẽ có cùng quan điểm. Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế Bruce Dickson thuộc Đại học George Washington cũng cho rằng so với Quốc dân đảng, vai trò của đảng cộng sản Trung Quốc trong thế chiến rất thứ yếu.
Tuy nhiên, nhằm khích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa, Bắc Kinh đã diễn giải lại lịch sử theo cách có lợi cho mình rằng thất bại của Nhật như một phần tất yếu sự trỗi dậy của Trung Quốc, ông Dickson nhận xét.
Theo QPAN