Báo Mỹ “lật tẩy” chiêu trò lừa mị của Trung Quốc về Biển Đông

VietTimes --Tòa án quốc tế sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế. Trung Quốc đang tìm cách lôi kéo nhiều quốc gia để giành được nhiều sự ủng hộ hơn. Phải chăng ly gián kế đang là chiêu bài được Trung Quốc áp dụng? National Interest vạch trần vấn đề này.
Hoạt động lấp biển xây đảo trên biển Đông của Trung Quốc vẫn đang diễn ra ráo riết
Hoạt động lấp biển xây đảo trên biển Đông của Trung Quốc vẫn đang diễn ra ráo riết

Mới đây, tạp chí National Interest của Mỹ đã đăng tải bài viết với nhan đề “Nhận thức chung” về vấn đề biển Đông: Chiêu trò lừa đảo của Trung Quốc và chỉ ra rằng, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 15 vừa bế mạc lại một lần nữa tập trung vào những tranh chấp trong vấn đề biển Đông.

Trong cuộc đối thoại này, Phó tham mưu trưởng Bộ tham mưu liên hợp quân ủy Trung ương Trung Quốc, thượng tướng hải quân Tôn Kiến Quốc đã phản bác những lời chỉ trích của hội nghị về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cũng nhắc lại Trung Quốc không chấp nhận phán quyết mà Tòa án quốc tế sắp công bố về vụ kiện biển Đông của Philippines.

Phán quyết của Tòa án quốc tế về vụ kiện biển Đông có thể sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc

Do chính phủ nhiều nước và các nhà phân tích căn cứ vào thái độ của ASEAN đối với phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện Biển Đông để đánh giá sự đoàn kết trong nội bộ khối, các bên nhất trí cho rằng cần có đánh giá đối với 4 “nhận thức chung” mà Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ký kết được với ba nước Brunei, Campuchia và Lào.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh của Việt Nam cũng bày tỏ thái độ không xác định đối với các “nhận thức chung” này. Ngày 9/5 vừa qua, khi được hỏi về 4 nhận thức chung này, ông Lê Lương Minh nói: “Chúng tôi không hề biết việc Trung Quốc đã ký kết  hiệp định với 3 nước ASEAN..., đồng thời cũng chưa hề được nghe Lào, Brunei, Campuchia nói về nội dung hoặc sự việc liên quan đến các hiệp định này”.

Nếu những “nhận thức chung” này chỉ là nhận thức chung giữa ba nước ASEAN và Trung Quốc, mà không phải là nhận thức chung giữa bản thân ASEAN với Trung Quốc thì điều này đồng nghĩa với sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Do đó, muốn xác nhận nội bộ ASEAN có bị chia rẽ hay không, khảo sát ba quốc gia này đánh giá thế nào về chuyến thăm của ông Vương Nghị là điều hết sức cần thiết.

Tháng 4 vừa qua, Vương Nghị sang thăm Brunei, Campuchia, Lào và có cuộc gặp gỡ với nhà lãnh đạo ba nước, đây là một thực tế không phải bàn cãi. Tuy nhiên đối với nhận thức chung thực sự mà hai bên đã đạt được trên bàn đàm phán, dường như quan điểm của ba nước và Trung Quốc lại không có sự thống nhất.

Sau hội nghị, ngoại trưởng Bruinei và Lào không đề cập gì đến những tranh chấp trên biển Đông, và họ cũng không hề xác nhận đã ký kết được hiệp định gì với Trung Quốc. Thậm chí ngoại trưởng Campuchia không hề phát biểu về mối quan hệ với Trung Quốc sau cuộc hội nghị. Hai ngày sau khi Trung Quốc phát biểu tuyên bố, ông Phay Siphan - người phát ngôn của chính phủ Campuchia thừa nhận không đạt được bất kỳ hiệp định gì với Trung Quốc, đây chỉ là một chuyến thăm bình thường của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc mà thôi.

Rõ ràng là Trung Quốc mong muốn khi sang thăm sẽ đạt được nhận thức chung với các nước về vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Quốc gia mà Vương Nghị lựa chọn sang thăm đều là những nước mà Trung Quốc cho rằng sẽ không cực lực phản đối cái gọi là “nhận thức chung” mà Trung Quốc tự đưa ra. Hành động này có thể được coi là một phần trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm chia rẽ sự đoàn kết trong nội bộ ASEAN, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ cho lập trường của mình trước khi tòa án quốc tế đưa ra phán xét cuối cùng.

Ấn tượng mà “nhận thức chung” tạo ra cho mọi người là Trung Quốc đã gặp gỡ ba nước ASEAN này và đi đến được nhận thức chung về việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Đây không phải là sự thật , đặt biệt là trong bản tuyên bố, ngoại trưởng của ba nước ASEAN này không hề đề cập gì đến “nhận thức chung” về tranh chấp trên biển Đông (hoặc từ có hàm ý này). Đó đó, cái gọi là “nhận thức chung” hoàn toàn là cách nhìn đơn phương của Trung Quốc.

Do đó, rạn nứt giữa các nước thành viên trong ASEAN không  nghiêm trọng như những gì báo chí đang nói, hơn nữa có thể Brunei, Campuchia và Lào vẫn coi sự đoàn kết trong nội bộ ASEAN có tầm quan trọng lớn hơn nhiều so với mọi hiệp định ký kết với Trung Quốc. Điều này cùng với việc Hội nghị bộ trưởng các nước ASEAN năm 2015 kiên quyết không đưa vấn đề tranh chấp trên biển Đông vào tuyên bố chung cho thấy, ASEAN vẫn là một khối đoàn kết.

Đã từ lâu, các nước lớn đồng thuận và chấp nhận sự trung lập của ASEAN. Tuy nhiên, trong vài năm tới, thách thức quan trọng mà ASEAN phải đối mặt là trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều thay đổi quan trọng (hiện tại là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang), làm thế nào để giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ khối. Sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN vừa bất lợi cho 10 nước thành viên, vừa bất lợi cho các nước lớn. Chỉ khi đoàn kết, nhất trí, ASEAN mới có thể có thể phát huy vai trò tích cực lâu dài trong các sự vụ quốc tế ở thế kỷ XXI.

Đ.Q