Đã hơn một năm 7 tháng kể từ khi quân đội Nga can thiệp vào cuộc chiến tại Syria. Ngay từ đầu, Mỹ và phương Tây đã cho rằng chiến dịch của Nga sẽ dẫn đến tình trạng sa lầy như Mỹ ở Iraq hoặc Afghanistan.
Dựa vào sức mạnh không quân, Nga đã giúp chế độ Syria phục hồi trở lại, thực hiện các cuộc tấn công và thu hồi lại một phần lãnh thổ rộng lớn. Nga vẫn duy trì một số lượng quân và thiết bị đáng kể ở Syria, dù cho nước này từng hai lần rút quân công khai vào tháng 3/2016 và tháng 1/2017. Tuy nhiên phương Tây cho rằng đó chỉ là hành động nghi binh, cả hai lần đó chỉ là hoạt động luân chuyển quân sự thông thường.
Theo các chuyên gia, Nga trong thời gian vừa qua đã giảm tốc độ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria. Đồng thời cường độ hoạt động của không quân Nga cũng đã giảm xuống vì chế độ của tổng thống Bashar Al Assad hiện nay có vẻ đã ổn định hơn. Hỗ trợ chế độ Assad là một trong những mục tiêu chính của Nga ở Syria, và cũng là một trong những thành tựu mà nước này đã đạt được, Warisboring khẳng định.
Michael Kofman, một chuyên gia Nga hàng đầu và là chuyên viên thuộc Viện Kennan của Trung tâm Wilson nhận định: "Tôi không cho rằng các hành động của Nga sẽ dẫn đến một cuộc xung đột kinh hoàng, nhưng sẽ gây ra sự mất kiểm soát đối với các nhân tố địa phương, do đó hành động của Nga là con dao hai lưỡi”.
“Dấu hiệu rõ nhất hiện nay chính là vị thế quân sự. Nếu Nga tăng cường quân đội ở Syria, đó là dấu hiệu xấu”, ông Kofman phân tích.
Ông Neil Hauer, một chuyên gia về quan hệ Nga - Syria tại SecDev, cho rằng: “Nga đã giảm đáng kể các hoạt động chiến đấu trong vài tháng qua. Nước này vẫn tiếp tục không kích các pháo đài của phe nổi dậy ở Idlib, nhưng hoạt động này đã giảm rất nhiều so với 16 tháng can thiệp đầu tiên”.
Tuy nhiên, theo ông Hauer, số lượng quân Nga ở Syria hiện nay đang ở mức đỉnh điểm. Số lượng binh sĩ, phi công và các nhà thầu của Nga ở Syria lên tới gần 10.000 người, trong đó có khoảng 5.000 nhân viên tại căn cứ không quân Hmeimim, 2.500 lính đánh thuê Wagner và 1.000 quân cảnh người gốc bắc Caucasus.
Nga cũng đã có nhiều tính toán chính trị đằng sau những “khu vực an toàn” được đề xuất này, những khu vực này được cho là sẽ một phần được bảo vệ bởi quân cảnh Nga hoặc Chechnya", ông Hauer nói thêm.
Điều này xảy ra vì cuộc chiến ở Syria đang tiến tới một giai đoạn mới được đánh dấu bởi việc lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo đang dần bị đánh bại. Ông Hauer nói thêm: “Những câu hỏi tiếp theo về số phận của Idlib, Raqqa, và cách chính quyền Assad sẽ đối xử với người Kurd ở Syria có thể khiến Nga đau đầu, cũng như có nguy cơ tiềm ẩn gây ra xung đột quân sự”.
Vào ngày 18/5/2017, máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công lực lượng bán quân sự do Iran hậu thuẫn, lực lượng này lúc đó đang cố gắng tiếp cận và tấn công những chiến binh thuộc Quân đội Tự do Syria (FSA) do quân đội Mỹ hậu thuẫn ở Al Tanf, gần biên giới Iraq, nơi Nga từng dội bom vào lực lượng FSA vào tháng 6/2016. “Nga rõ ràng đã cố thuyết phục quân đội Syria và Iran quay lại nhưng họ không nghe”, ông Hauer nói.
“Vấn đề với các đồng minh khiến Nga buộc phải triển khai thêm lực lượng trên bộ để đảm bảo rằng họ sẽ giành được các mục tiêu đặt ra ở khu vực trọng yếu, và lực lượng quân cảnh người Chechnya đang tới Syria để đối phó với sự can thiệp của Iran vào các thỏa thuận ngừng bắn và di tản ở Aleppo”.
Warisborring nhận định với những tình huống phức tạp này, có thể Nga sẽ triển khai thêm quân đội trên bộ, có thể sẽ là thêm nhiều lực lượng quân cảnh Chechnya, một lựa chọn mà các quan chức Nga ưa thích.
Ông Hauer nói: "Mặc dù Nga không cần tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn, tôi vẫn cho rằng Nga sẽ đưa thêm quân trên bộ đến, có thể là lực lượng đặc nhiệm Chechnya và lính đánh thuê Wagner, vì Nga luôn mong muốn giành được sự ảnh hưởng lớn hơn trên mặt đất”.
Tuy nhiên, Timur Akhmetov, một nhà phân tích về chính sách đối ngoại của Nga ở Trung Đông, tin rằng điện Kremlin đang cố gắng giảm thiểu sự tham gia quân sự ở Syria trong khi thúc đẩy một giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột. Nga có xu hướng sử dụng các cuộc không kích, cố vấn và cung cấp thiết bị quân sự chứ không muốn tăng cường hiện diện lực lượng mặt đất nhiều hơn, Warisboring kết luận.