Bao giờ hết tư duy “ăn xổi”?

VietTimes -- Trong thời kinh tế thị trường, khi mà giá trị đạo đức, nhân cách, danh dự, nhân phẩm, liêm xỉ... bị đồng tiền chi phối mãnh liệt thì tư duy “ăn xổi” vốn bị dè bửu lâu nay trở thành “mốt”, ăn sâu vào hồn cốt nhiều người, nhiều tổ chức. Nó như virus độc hại, lây lan nhanh chóng, là căn bệnh đe dọa, làm hoen ố “giấy thông hành” của dân tộc.
Ông Phạm Văn Dũng “chặt chém” du khách 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô chưa tới 1km bị Công an quận 1 tạm giữ hình sự.
Ông Phạm Văn Dũng “chặt chém” du khách 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô chưa tới 1km bị Công an quận 1 tạm giữ hình sự.

Nếu hiểu theo nghĩa đen thì “ăn xổi” là kiểu ăn ngay, không phải chế biến cầu kỳ, tốn thời gian và công sức. Còn hiểu theo nghĩa bóng thì “ăn xổi” dùng để ám chỉ kẻ suy nghĩ nông cạn, hành động không nghĩ đến tương lai và hậu quả.

Vụ việc lái xe xích lô Phạm Văn Dũng (ngụ ở quận 4, TP Hồ Chí Minh) "chặt chém" du khách Nhật là ông Oki Toshiyuki tới 2,9 triệu đồng cho một cuốc xích lô dài chưa đầy 1km là một kiểu “ăn xổi” đích thị. Nó là đỉnh điểm, như giọt nước đầy tràn khỏi miệng ly, khiến sự xấu hổ của người Việt Nam trở lên bức xúc cùng đường.

Một công trình thủy điện trên sông Miện ở Hà Giang.

Một công trình thủy điện trên sông Miện ở Hà Giang.

Ấy nhưng, nhìn rộng ra lại thấy sự việc “ăn xổi” rất xấu hổ nêu trên chẳng thấm tháp gì so với những kiểu “ăn xổi” khác đã từng, hoặc đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Ví như vì lợi nhuận trước mắt, để có tiền thỏa mãn nhu cầu cuộc sống, nhiều anh nhiều chị đã câu kết khai thác tất cả những gì hiện diện trên mặt và trong lòng đất một cách bừa bãi để có thể bán lấy tiền mặc cho thế hệ sau phải chịu hậu quả.

“Phong trào” thi nhau làm thủy điện ở đầu nguồn các dòng sông lớn ở các địa phương là một điển hình. Hậu quả là rừng và môi trường tự nhiên bị tàn phá và hệ lụy để lại là những vị trí cao như Tây Nguyên, nơi vốn được coi là “nóc nhà Đông Dương” cũng bị ngập lụt. Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... khiến cho nhiều nơi ở vùng núi cao bị cô lập trong lũ thời gian dài.

Làm thủy điện, tận diệt rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng đi liền với khai thác khoáng sản chui vô tổ chức đã khiến cho môi sinh, môi trường trơ lại đất bạc màu; khiến cuộc sống người dân vốn đã lam lũ nay lại càng cằn cỗi, lam lũ và vất vả hơn.

Ngày nay, “ăn xổi” đã thành “mốt” được nhiều người "sùng bái", chạy theo, trong đó nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương cũng không nằm ngoài. Biểu hiện rõ nhất là hiện tượng nhiều gia đình, nhiều cơ quan, địa phương cắt đất nông nghiệp, đất rừng, đất trồng cây lâu năm, đất ven biển, đất di tích, đất công để làm sân gôn, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị, khu nghỉ dưỡng... lấy tiền tiêu vào những việc trước mắt mà không nghĩ tới hậu quả và nhu cầu của thế hệ sau.

Một quả đồi ở Đắc Nông bị ngập gần tới đỉnh là điều chưa từng xảy ra.

Một quả đồi ở Đắc Nông bị ngập gần tới đỉnh là điều chưa từng xảy ra.

Đáng kể hơn là chỉ cần “chạy” được cái quyết định “điều chỉnh quy hoạch”, ngay lập tức những dự án nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất... vốn mua với giá rẻ được hợp thức hóa trở thành khu đô thị cao cấp và bán với giá bán cao chót vót, đem lại cho chủ đầu tư nguồn lợi hàng chục tỷ đồng.

Điều họ không tính đến ở đây chính là làm cho niềm tin và lòng dân xao động, xuống cấp.

Nhưng có lẽ, nghiêm trọng hơn cả là hiện tượng “ăn xổi” ngấm vào trong ngành giáo dục. Hiện tượng các trường đại học mọc lên như nấm sau mưa không thể kiểm soát về trang bị, phương tiện, đội ngũ giáo viên và chất lượng dạy, đào tạo đã khiến cho những tấm bằng đại học mất đi giá trị và ý nghĩa.

Hiện tượng tạo ra động lực ảo để học sinh phổ thông phải học thêm thật nhiều kiến thức mà bỏ quên bồi dưỡng phương pháp tư duy, kỹ năng sống nhằm thu lợi ích cũng là một dạng của tư duy “ăn xổi”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư duy của thế hệ tương lai.

Trong lãnh đạo, quản lý ở bất cứ xã hội nào cũng vậy, nếu bị tư duy “ăn xổi” ngấm sâu và chi phối thì hậu quả sẽ khôn lường. Nó khiến cho sự kế thừa về giá trị tốt đẹp bị mất đi ý nghĩa vì luôn luôn phải chạy theo tư duy “đập cũ xây mới” hoặc “hết nạc thì vạc đến xương”. Để hợp lý hóa thất bại và hệ lụy tư duy “ăn xổi” đem lại thì chỉ cần chốt ngắn gọn một câu “do lịch sử để lại” là sẽ chẳng ai bàn cãi, truy vấn.

Vì muốn có nhiều tiền, thật nhiều tiền, nhiều đối tượng đã không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt lợi ích, cho dù đó là những hành vi dã man nhất mang tính “ăn xổi”. Điều này lý giải vì sao cuộc sống trong xã hội chúng ta ngột ngạt, bí bách, nhiều cái xấu, cái ác tồn tại song hành. Đó chính là một phần nguyên nhân mà nhiều nhà văn hóa ngán ngẩn buông ra nhận xét “đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng”!

Đã đến lúc phải nhận thức đầy đủ và từ bỏ tư duy “ăn xổi”, tư duy bóc ngăn cắn dài bằng những tính toán chiến lược khôn ngoan. Một trong những vấn đề khôn ngoan nhất là tìm cách phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng tới làm chủ khoa học công nghệ.

Tạo ra sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và chất xám cao đáp ứng nhu cầu thị trường, định hướng người tiêu dùng và xuất khẩu thông qua việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là cách tốt nhất để khẳng định ý chí, sức mạnh của dân tộc.

Đây cũng chính là cách để nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam thêm ý nghĩa và được bàn bè quốc tế nể trọng. Chỉ có như vậy thì tư duy “ăn xổi” mới không có đất tồn tại và làm này sinh tư duy “hết nạc thì vạc đến xương”.