Báo động nguy cơ mất an toàn thông tin quốc gia nhìn từ vụ án Công ty Nhật Cường

VietTimes -- Trong tuần qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc đối với bị can Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Sau khi hoàn thiện thủ tục cần thiết, Bùi Quang Huy sẽ bị đề nghị Interpol truy nã quốc tế. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bởi các sản phẩm của Nhật Cường software đã và đang được áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội với tỷ lệ khá cao.
Công an khám xét cửa hàng của Nhật Cường, thu giữ nhiều tang vật
Công an khám xét cửa hàng của Nhật Cường, thu giữ nhiều tang vật

Chủ quyền trong kỷ nguyên thông tin và kinh tế số

Các sự kiện nóng đang diễn ra trên thế giới như cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu, các biến động chính trị-xã hội, các vụ đột nhập từ mạng thông tin vào các kho dữ liệu tối mật của các quốc gia, các vụ tai tiếng thế giới liên quan tới mạng Internet v.v... đang đặt ra vấn đề rất cấp thiết là làm thế nào để bảo vệ được chủ quyền quốc gia trong thời đại thông tin và kinh tế số. 

Từ trước tới nay, mỗi người trong chúng ta đều thường nghĩ và có cảm nhận đang sống trong một quốc gia có chủ quyền, được xác định bằng các cột mốc; có chính phủ riêng; có hệ thống ngân hàng riêng; có quân đội và cảnh sát riêng; có hệ thống luật pháp riêng v.v. Thế nhưng, trong kỷ nguyên thông tin và kinh tế số thì khái niệm về chủ quyền quốc gia như vậy đã không còn đầy đủ nữa.

Trong giai đoạn toàn cầu hóa tăng tốc và công nghệ thông tin phát triển với tốc độ chóng mặt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xuất hiện một thành tố hoàn toàn mới trong khái niệm chủ quyền quốc gia, được gọi là “chủ quyền thông tin” (“Information Sovereign”), hoặc “chủ quyền trong không gian số” (“Sovereignty In Digital Space”). Đây là một hiện tượng có ý nghĩa quan trọng, thậm chí là then chốt, đối với sự phát triển và tồn vong của một quốc gia trong thời đại mới, đang làm thay đổi căn bản khái niệm chủ quyền quốc gia.

Quá trình toàn cầu hóa thường được nói đến như là một điều gì đó tốt đẹp, nhưng chính nó đang làm thay đổi căn bản toàn bộ ý nghĩa của khái niệm “chủ quyền quốc gia”. Thí dụ, nhiều quốc gia đã mất đi chủ quyền kinh tế bởi ngay trên lãnh thổ của họ đã có sự hiện diện và hoạt động của các công ty xuyên quốc gia mà tài sản của họ lớn hơn, thậm chí trong một số trường hợp, lớn gấp nhiều lần GDP của quốc gia sở tại. Một số công ty xuyên quốc gia đã tác động tới việc kiểm soát hệ thống chính trị, luật pháp, thậm chí cả quân đội và cảnh sát của không ít các quốc gia trên thế giới.

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về an ninh thông tin, “chủ quyền thông tin” là quyền của một quốc gia độc lập hoạch định và xác định chính sách thông tin của quốc gia dựa trên hệ tư tưởng quốc gia, có hạ tầng cơ sở thông tin riêng do mình tự thiết kế xây dựng và kiểm soát, có khả năng bảo đảm an ninh thông tin, trong đó quan trọng nhất là tự xây dựng và nắm quyền kiểm soát các cơ sở dữ liệu lớn (Big Database) hoặc các ngân hàng dữ liệu (Banks Databases) có vai trò quan trọng tương tự Ngân hàng trung ương của quốc gia. Chủ quyền thông tin còn được hiểu là khả năng của một quốc gia quản lý thông tin và phổ biển thông tin cần thiết cho dân chúng, là quyền quyết định nên hay không nên thông tin về nội dung gì, khi nào và ở đâu.

Chủ quyền thông tin quốc gia gồm các thành tố cơ bản:

(1) Chiến lược phát triển hệ thống thông tin quốc gia độc lập dựa trên tư tưởng và chiến lược phát triển quốc gia

(2) “Chủ quyền cứng”, nghĩa là chủ quyền đối với hạ tần cơ sở các phương tiện truyền thông và công nghệ thông tin.

(3) “Chủ quyền mềm”, nghĩa là chủ quyền đối với hệ thống điều hành, quản lý thông tin và chủ quyền đối với các cơ sở dữ liệu và thông lưu trữ trên không gian mạng.  

(4) Có khả năng bảo vệ không gian thông tin trước các cuộc tiến công vào không gian mạng của quốc gia. Nghĩa là có khả năng bảo vệ hạ tầng cơ sở công nghệ như máy tính, các cơ sở dữ liệu lớn, phần mềm (bảo đảm chương trình), hệ thống đường truyền, mạng Internet, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác [1-4]

Nguy cơ hiện hữu về mất an toàn thông tin nhìn từ câu chuyện "Nhật Cường software"

Trong mấy ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm theo dõi câu chuyện liên quan tới Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (gọi tắt là Công ty Nhật Cường), trong đó Cục Cảnh sát Điều tra (CSĐT) tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an đã ra quyết định truy nã trên toàn quốc đối với bị can Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc công ty này. Cục CSĐT cũng đề nghị Interpol truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy.

Lệnh truy nã Bùi Quang Huy khiến các cơ quan điều tra cũng như dư luận đặc biệt quan tâm tới một câu chuyện khác liên quan tới Công ty con của Công ty Nhật Cường có tên là “Nhật Cường software”- chuyên sản xuất phần mềm cho các hệ thống công nghệ thông tin. Giám đốc Nhật Cường software cũng là bị can Bùi Quang Huy.

Đáng chú ý là mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, chưa có kinh nghiệm và chỉ có đội ngũ chuyên gia phần mềm hạn chế, nhưng đại diện của Nhật Cường software luôn được mời tham dự nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin do Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Trưởng ban. Sau những cuộc họp đó, Nhật Cường software triển khai những kết luận và chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội  và được nhận thầu các dự án cung cấp dịch vụ cứng và mềm cho UBND TP. Hà Nội và 14 sở, ngành, từ công thương, tài chính, quy hoạch-kiến trúc cho đến Công an Hà Nội, quản lý xuất nhập cảnh v.v.

Các sản phẩm của Nhật Cường software đã và đang được áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến cho Hà Nội, với tỷ lệ đến 80% và cộng đồng người dùng hơn 8 triệu người dân Hà Nội, hơn 2.700 trường học, hơn 1,7 triệu học sinh, hơn 6 triệu hồ sơ bệnh án điện tử v.v. Ngoài ra, Nhật Cường software còn tham gia các dự án triển khai, lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh và trật tự đô thị của Hà Nội.

Thế nhưng, đến nay Nhật Cường software vẫn viện đủ lý do để chưa bàn giao các sản phẩm phần mềm cho TP Hà Nội. Do đó, một khi Bùi Quang Huy - người đại diện pháp luật của Nhật Cường software bỏ trốn đã và đang bị truy nã, sẽ gây ra những hệ lụy chưa thể lường hết được tính chất nghiêm trọng, do chưa ai biết số phận ra sao của các sản phẩm và dịch vụ thông tin có ý nghĩa quan trọng đối với chủ quyền thông tin của Thủ đô mà Công ty này cung cấp cho Hà Nội. Mặc dù đại diện TP. Hà Nội cho biết, việc Bùi Quang Huy bị khởi tố và điều tra sẽ không ảnh hưởng đến các dịch vụ công trực tuyến do Nhật Cường software cung cấp.

Câu chuyện này đang đặt ra nhiều câu hỏi cần được các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội trả lời:

(1) Vì sao nhiều viện nghiên cứu của nhà nước như của Bộ quốc phòng và Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và công ty công nghệ thông tin có nhiều kinh nghiệm và đội ngũ chuyên gia giỏi chuyên về sản xuất phần mềm, lại không được UBND TP. Hà Nội mời tham gia, mà lại cấp phép cho một công ty tư nhân là Nhật Cường software mới chỉ thành lập được vài năm, để thực hiện những dự án có tầm quan trọng như vậy?

(2) Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược của Bộ Công an, vì sao Công ty Nhật Cường từng khuynh đảo thị trường điện thoại nhiều năm, có liên quan tới các hoạt động buôn lậu và tham nhũng, nhưng đến nay Tổng Giám đốc Bùi Quang Huy mới bị điều tra?

(3) Ngoài Công ty Nhật Cường đã từng khuynh đảo một lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này, liệu có còn những tổ chức nào khác cũng đang có những hoạt động tương tự?

(4) Làm thế nào để giữ được bí mật các cơ sở dữ liệu về kinh tế-xã hội và an ninh do Nhật Cường software xây dựng?

 (6) Từ bài học kinh nghiệm của Hà Nội, Chính phủ cần đề ra các giải pháp chiến lược để bảo vệ chủ quyền thông tin của quốc gia, trong bối cảnh ngay cả các cường quốc công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nga, Mỹ và nhiều nước khác đang thực hiện chiến lược bảo vệ chủ quyền quốc gia trong kỷ nguyên thông tin và kinh tế số. Đặc biệt là,  Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới an ninh thông tin và ký ban hành sắc lệnh bảo vệ chủ quyền thông tin của Hoa Kỳ trước các "kẻ thù ngoại bang".

Tài liệu tham khảo

[1] What Does the Concept of 'Sovereignty' Mean in Digital, Network and Technological Sovereignty?. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3107272

[2] Игорь Ашманов: «Сегодня информационное доминирование — это все-равно, что господство в воздухе». .http://maxpark.com/community/13/content/1973280

[3]  ИНФОРМАЦИОННЫЙ СУВЕРЕНИТЕТ СОВРЕМЕННОГО ГОСУДАРСТВА И ОСНОВНЫЕ ИНСТРУМЕНТЫ ЕГО ОБЕСПЕЧЕНИЯ. https://cyberleninka.ru/article/n/informatsionnyy-suverenitet-sovremennogo-gosudarstva-i-osnovnye-instrumenty-ego-obespecheniya

[4] Информационный суверенитет в эпоху инфовойн. https://www.belvpo.com/86001.html/