“Bão Coin” ở Việt Nam: Cuộc chơi đầy rủi ro

VietTimes – Sản phẩm của thuật toán ấy được gọi là tiền điện tử (coin), nhưng không có đặc trưng nào của tiền tệ. Các loại coin hiện không là vật chất, phần lớn không có giá trị thanh toán, nhưng vẫn được quy đổi thành tiền mặt với giá thay đổi mỗi ngày, từ đó mà đang tạo bão trong đời thực, giống như kinh doanh đa cấp.
Buổi giới thiệu huy động vốn "chơi coin" tại một khách sản lớn ở Hà Nội tháng 12/2017. Ảnh: VT
Buổi giới thiệu huy động vốn "chơi coin" tại một khách sản lớn ở Hà Nội tháng 12/2017. Ảnh: VT

“Quạt tiền”

“iFAN là một dự án tiềm năng nhất Showbiz và là một cơ hội nhân vốn tuyệt vời không thể bỏ qua. iFAN Coin dùng để thanh toán mua vé diễn, xem các bài hát, tặng tiền.. cho các ca sĩ, ngôi sao, diễn viên... mà bạn yêu thích” – trang web vietmkt360.com quảng cáo cho đồng coin này.

Lần theo những lời giới thiệu về đồng tiền này, sẽ gặp một hệ sinh thái các website được lập ra bằng tiếng Việt, được quản trị bằng người Việt, chuyên giới thiệu về tiềm năng, lợi nhuận cực cao thu được từ tham gia “chơi coin”.

“Lõi” của các trang này là trang BlogCoin – được giới thiệu là “blog” và “chuyên cung cấp thông tin các loại tiền điện tử trên thế giới, đặc biệt là bitcoin và ethereum. Cập nhật các thông tin hữu ích cho việc đầu tư, giao dịch, mua bán, trao đổi Bitcoin, Ethereum, Altcoins”.

Về BlogCoin – trang web này được được giới thiệu là “một sản phẩm  thuộc Moingay.vn”. Tuy nhiên, nếu vào địa chỉ Moingay.vn, thì kết quả hiện ra chính là địa chỉ BlogCoin. Thông tin về chủ quản web site, giấy phép hoạt động…. không xuất hiện, thông tin liên hệ trên các trang này không thể hiện bằng điện thoại, địa chỉ đăng ký cụ thể… mà phải qua email…

Giới chơi coin biết iFAN là một loại tiền điện tử do một nhóm người Việt triển khai, với một kỹ năng PR siêu hạng. Chỉ cần gõ vào google dòng Ifan coin, sẽ cho khoảng 252.000 kết quả, trong 0,54 giây. Thông tin về đồng coin này còn được thể hiện trong vài chục web site khác – một vài trong số đó của các cá nhân – còn phần lớn không có địa chỉ cụ thể. Điều đó cho thấy nhóm phát triển đang nỗ lực hết mình trong chương trình quảng bá cho đồng coin này.

Trong một “sự kiện” vừa được tổ chức tại Hà Nội nhằm giới thiệu iFAN coin. Những “diễn giả” giới thiệu với khách mời, rằng đồng coin này có khả năng sinh lãi tới 48% /tháng, và mấy ngày trước đã mở bán hết 10 triệu coin.

“Bão Coin” ở Việt Nam: Cuộc chơi đầy rủi ro ảnh 1Lợi ích lớn của chơi coin đang được trình bày. Ảnh: VT

Diễn giả chính của “sự kiện” này, là chàng trai giới thiệu sinh năm 1991, nhưng hiện đã có tài sản trên “trăm tỷ” nhờ chơi từ hồi giá bitcoin mới 20 USD, từng có tới 120.000 bitcoin, trong khi giờ giá bicoin đã là hàng chục nghìn USD.

Theo đó, nếu phát triển được hệ thống chân rết kinh doanh loại coin này, ngoài việc đã hưởng lãi kinh doanh tự thân, người mở chân rết được hưởng tối đa 10% doanh thu của cả hệ thống "chân rết", cộng với thưởng quản lý hệ thống. Cao nhất mức thưởng có thể lên tới 100 triệu USD và được thưởng thêm một căn hộ tại châu Âu – các diễn giả cho iFAN coin – cam kết.

Ngoại trừ thông tin “hấp dẫn” về lợi ích khi buông tiền tham gia và phát triển “tháp” kinh doanh iFAN coin, không có nhiều thông tin về nhóm phát triển và phát triển hệ thống này. Có tin iFAN coin do ModernTech – một công ty dường như mới chưa đầy 2 tháng tuổi - phát triển, và nhóm Leader Lionteam làm hệ thống tại Việt Nam.

Quạt người

Hôm trước, một gia đình 3 người làm nghề lao động tự do tại Tp.HCM đã tử vong trong nhà. Tại hiện trường không có dấu hiệu bị lục lọi, cơ quan công an phát hiện một máy tính xách tay vẫn đang hoạt động, với nhiều trang web giao dịch tiền điện tử đang mở. Trong đó có trang Nice Hash, một sàn giao dịch bitcoin vừa bị hack, lấy đi hơn 70 triệu USD của nhà đầu tư. Hàng xóm và người thân xác nhận nạn nhân đi vay mượn tiền với lí do đầu tư kinh doanh.

Thông tin mù mờ ấy có thể cho thấy đây là một nạn nhân đã bỏ mạng vì “chơi coin”. Tại Hà Nội, cũng chỉ thời gian gần đây, một hệ thống laser trả lãi 3%/ngày để huy động tiền chơi biconin và một số loại coin khác đã sập, tất nhiên, trong số các nhà đầu tư có rất nhiều người Việt đã mất sạch tiền.

“Bão Coin” ở Việt Nam: Cuộc chơi đầy rủi ro ảnh 2Những giới thiệu về mức trả lãi siêu khủng khi tham gia chơi coin trên face của một "nhà đầu tư". Ảnh: VT

Trước đó, cuối tháng 11/2017, Công an tỉnh Bắc Giang tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản 3 đối tượng, làm rõ việc các đối tượng này đã cùng một số đối tượng khác lập website liên quan đến hoạt động tiền ảo, quảng cáo đây là hình thức đầu tư có lợi nhuận cao mời chào người dân đóng tiền mua các mã AOC.

Các đối tượng cam kết trả lãi suất cho người tham gia ở mức 05%/ngày, mỗi tháng nhận lãi 2 lần, sau 180 ngày có thể rút vốn đầu tư nếu muốn, giới thiệu thêm người tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng từ 6 đến 10% số tiền tham gia mới. Bước đầu, Cơ quan công an xác định các đối tượng trên đã thu hàng chục tỷ đồng của nhiều người dân Bắc Giang và các tỉnh, thành phố khác.

Tại thị xã An Khê, Gia Lai, có khoảng hơn 350 người đến cơ quan Công an trình báo bị dụ tham gia vào mô hình giao dịch đa cấp với tên gọi “ngân hàng cộng đồng Bitcoin”. Riêng địa bàn thị xã An Khê đã có khoảng 1.900 ID (tương đương 1.900 Bitcoin) tham gia, tương đương hơn 22 tỷ đồng của người dân đã ném vào trò đa cấp này.

Nhiều người dân tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông cũng cho biết được mời tham gia vào hệ thống tiền điện tử Bitcoin, Onecoin, Ilcoin, Gemcoin…, với lợi nhuận lên tới 1% ngày, 30%/tháng, hơn 1 triệu USD sau 3,5 năm. Và nếu khi tham gia mua gói giá trị cao như 200 triệu đồng, thì sau 3,5 tháng được gấp đôi là 400 triệu đồng, rút hoàn vốn ngay 200 triệu đồng… Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau khi đóng tiền, những đầu mối đã biến mất.

Thực tế, không phải làng quê, mà các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM mới là điểm nóng của phong trào chơi tiền điện tử. Giới nhân viên văn phòng, ngân hàng… vốn nhạy thông tin lại là những người chơi coin say mê nhất. Giám đốc một phòng giao dịch của một ngân hàng ở Hà Nội ước tính, quá nửa nhân viên của ông đang tham gia các hình thức kinh doanh liên quan tới coin. Không chỉ là chuyện mua đi bán lại, mà còn là mở tài khoản ngoại tệ, chuyển tiền tham gia các sang giao dịch, cho vay, lướt sóng những đồng coin mới cuất hiện…  

Ông này xác nhận, có người chơi coin đã thắng lớn, trong đó có một nhân viên của ông chơi từ gần cuối năm 2016, giờ đã thu nhập được vài tỷ đồng tiền lãi từ coin. Với giới chơi chuyên nghiệp, coin là cơ hội kiếm tiền thực sự nhở vào sự tăng giá liên tục của mỗi đồng, chứ không phải dựa trên nền tảng huy động đa cấp – ông này nhận xét đầy “chuyên môn” như thế. Tuy nhiên, Giám đốc này xác nhận không thể đoán trước bitcoin hay các đồng coin sẽ thăng hoa tiếp, hay sẽ… sập khi nào. “Ngoại tệ, tiền đồng chuyển ra tài khoản ngoài để cho vay chơi coin, mua coin, không có gì là hàng hóa hóa vật chất cả, ai mà đoán trước sẽ như nào” – ông này nói.

Cho đến nay, mọi cảnh báo của chuyên gia và chính cơ quan quản lý về tiền điện tử, thì vẫn lạc hậu và thường là sai, so với đà tăng chóng mặt của loại hình này. Thế là cảnh báo gần như không có tác dụng. Trong nước, tiền điện tử đang dần hình thành như là sản phẩm “tối ưu” cho kinh doanh đa cấp, với những rủi ro về xã hội rất điển hình. Trên bình diện lớn hơn, “chơi coin” đang thu hút lượng tiền rất lớn từ các cá nhân tại Việt Nam “buông” vào các sàn giao dịch nước ngoài, mà chưa có cách nào chứng minh nguồn gốc, hay giám sát mục tiêu. Điều này có là nguy cơ hay không, thì còn phải chờ… nghiên cứu.