|
Hải quân Nhật Bản (ảnh minh họa). |
Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 29/7 dẫn tờ Jane's Defense Weekly Anh ngày 28/7 giới thiệu về một báo cáo mới của Trung tâm phân tích hải quân Mỹ mang tên "Trở thành cường quốc biển vĩ đại: một giấc mơ của Trung Quốc".
Báo cáo cho rằng trong 4 năm tới Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng hải quân khổng lồ nhất thế giới (nói về quy mô), sở hữu 270 tàu chiến các loại. Báo cáo còn cho rằng khi đó Hải quân Trung Quốc sẽ là "hải quân tầm xa mạnh thứ hai" thế giới.
Báo cáo này do Trung tâm phân tích hải quân Mỹ (CNA) xuất bản tháng 6/2016, cơ quan này là một cơ quan nghiên cứu do chính phủ Liên bang tài trợ, phục vụ cho Bộ Hải quân Mỹ và các cơ quan quốc phòng khác của Mỹ.
Tác giả của báo cáo này là Chuẩn Đô đốc Michael McDevitt, Hải quân Mỹ, báo cáo được phát hành công khai.
Báo cáo này tiến hành đánh giá đối với các lực lượng trên biển của Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc đã xác lập quốc sách xây dựng lực lượng trên biển mạnh. Báo cáo cho rằng đến năm 2030, ngoài hải quân, Trung Quốc sẽ giành được vị thế dẫn trước trên phương diện xây dựng tất cả các lực lượng trên biển.
Báo cáo cho rằng tầm nhìn vươn ra thống trị biển của Trung Quốc hoàn toàn không phải bắt đầu được vẽ ra từ một tờ giấy trắng. Trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ sở hữu một lực lượng hải quân mạnh thứ hai thế giới.
Trung Quốc đã trở thành người đi đầu trong ngành đóng tàu thế giới; có nghề đánh cá lớn nhất thế giới; tổng số đội tàu thương mại đứng nhất nhì thế giới. Hơn nữa, số lượng tàu cảnh sát biển của Trung Quốc cũng đã đứng đầu thế giới.
Trung Quốc cho rằng Mỹ là quốc gia duy nhất hiện nay có thể ngăn cản Trung Quốc thực hiện tham vọng thống trị đại dương. Bắc Kinh coi chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng.
Trung Quốc nếu thực hiện mục tiêu thống trị biển của họ thì phải có khả năng bảo vệ quyền kiểm soát và lợi ích biển ở duyên hải, cho dù trên cơ sở Mỹ là một cường quốc biển và có các cam kết với đồng minh châu Á-Thái Bình Dương.
Nói một cách đơn giản, đây chính là chiến lược "phòng thủ biển gần" mà sách trắng quốc phòng mới nhất của Trung Quốc nói đến, chỉ có thực hiện được điều đó thì Trung Quốc mới có thể được coi là một thế lực mạnh trên đại dương. Tương tự, Trung Quốc cũng cần tìm cách xây dựng vai trò ảnh hưởng trên toàn cầu.
Báo cáo đánh giá, vào năm 2020, Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu hải quân có quy mô lớn nhất thế giới và hải quân tầm xa mạnh thứ hai thế giới.
Đến trước sau năm 2020 Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu tổng cộng 95 - 104 chiến hạm biển xa, cộng với 175 tàu chiến chủ yếu hoạt động ở biển gần đi vào hoạt động từ năm 2000 đến nay, những tàu chiến này đến năm 2020 cũng sẽ tiếp tục phục vụ. Như vậy, tổng số tàu chiến của Hải quân Trung Quốc sẽ đạt 270 - 279 chiếc, cảng chính của chúng đều đặt tại Trung Quốc.
Báo cáo này ngoài cho rằng thực lực của Hải quân Trung Quốc được tăng cường, còn tiến hành quan tâm rất lớn đối với "lực lượng trên biển" tổng hợp gồm cảnh sát biển, dân quân trên biển, đội tàu thương mại và tàu cá Trung Quốc.
Nhưng, theo tờ Người quan sát Trung Quốc, việc đánh giá về lực lượng Hải quân Trung Quốc dường như có rất nhiều sai sót. Chẳng hạn, bài viết nói tàu khu trục Type 052D của Trung Quốc có lượng giãn nước 8.000 tấn và gọi nó là "sống lưng" tương lai của Hải quân Trung Quốc.
Song, bài viết không hề đề cập đến tàu khu trục cỡ lớn Type 055 của Trung Quốc, thậm chí cũng không đưa nó vào số lượng "270 - 279 chiếc" tàu chiến của Hải quân Trung Quốc vào năm 2020.
Tác giả bài viết này bị báo Trung Quốc cho là người có tư duy Chiến tranh Lạnh, tác giả thậm chí còn viết một đoạn trong báo cáo ví Hải quân Trung Quốc như là Hải quân đế quốc Nhật Bản trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Tác giả viết: Vài năm trước, trong luận văn viết trên Diễn đàn Học viện chiến tranh hải quân, ông đã đoán Hải quân Trung Quốc sẽ không giẫm lại vết xe đổ của Hải quân đế quốc Nhật Bản, tiến hành xây dựng một hạm đội lớn để quyết đấu số mệnh trên biển Philippines (chỉ chiến tranh trên vịnh Leyte với Hải quân Mỹ).
Nhưng, hiện nay tác giả khẳng định bản thân ông không dám chắc như thế, bởi vì ở Đông Á xuất hiện một triển vọng lực lượng hải quân mạnh như hạm đội liên hợp Hải quân Nhật Bản năm 1941, xem ra đã không còn là không thể tưởng tượng.
Nhìn lại lịch sử, thực lực chính quy của Hải quân Nhật Bản trước biến cố Trân Châu Cảng như sau: 10 tàu tác chiến; 12 tàu sân bay, 18 tàu tuần tra hạng nặng; 20 tàu tuần tra hạng nhẹ; 126 tàu khu trục và 68 tàu ngầm.
Bài viết cuối cùng đặt câu hỏi: “Trong 10 - 20 năm tới, Hải quân Trung Quốc sẽ có thể trở nên mạnh như vậy không?”.