Báo cáo giám sát DNNN: Ấn tượng Viettel!

VietTimes -- Dù đã bước sang năm 2020 nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ gần đây, tính tới ngày 30/11/2019, cơ quan này vẫn chưa nhận được đầy đủ báo cáo giám sát tài chính trong 6 tháng đầu năm 2019 của nhiều doanh nghiệp nhà nước và có vốn nhà nước.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2019 của 136 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước lần lượt đạt 344.944 tỷ đồng và 29.896 tỷ đồng. Trong đó, 124 đơn vị kinh doanh có lãi, 12 đơn vị kinh doanh lỗ.

Một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có doanh thu lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 161.284 tỷ đồng, tăng trưởng 17,95% so với cùng kỳ năm 2018; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 52.212 tỷ đồng, tăng 11,89% so với cùng kỳ năm 2018; Tập đoàn Viễn Thông Quân đội (Viettel) đạt 43.065 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018; Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đạt 11.505 tỷ đồng, tăng 26,72% so với cùng kỳ năm 2018.

Về kết quả kinh doanh, Viettel dẫn đầu danh sách các doanh nghiệp được ghi nhận trong báo cáo, với lợi nhuận sau thuế đạt 18.842 tỷ đồng, tiếp đó là SCIC (3.146 tỷ đồng), TKV (2.238 tỷ đồng), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (1.141 tỷ đồng).

Theo tính toán của VietTimes, biên lợi nhuận thuần của Viettel trong nửa đầu năm 2019 lên tới 43,7%, cao hơn hẳn so với nhiều tập đoàn khác.

Ở chiều hướng ngược lại, trong nửa đầu năm 2019, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) báo lỗ tới 617 tỷ đồng mặc dù đã nỗ lực giảm lỗ, thanh lý các tài sản không hiệu quả. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém khả quan khác đáng chú ý như Tổng Công ty Cà phê Việt Nam lỗ 37 tỷ đồng; Tổng công ty 15 lỗ 48 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy có 9 đơn vị bị chủ sở hữu đánh giá là mất an toàn về tài chính và 7 đơn vị có dấu hiệu mất an toàn về tài chính, trong đó có thể kể tới một số doanh nghiệp như: Tổng Công ty Thái Sơn, Tổng Công ty XD Lũng Lô, Tổng Công ty Thành An,…

Đối với 27 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 27.055 tỷ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã đóng góp tới 7.702 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, tính đến thời điểm ngày 30/11/2019, cơ quan này mới chỉ nhận được báo cáo giám sát tài chính trong nửa đầu năm 2019 của 10/19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) làm đại diện chủ sở hữu.

Một số tập đoàn, tổng công ty chưa gửi báo cáo giám sát là: PVN, Petrolimex, Vinachem, VNPT, MobiFone, Vietnam Airlines, ACV, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Do báo cáo giám sát tài chính còn thiếu nên số liệu tổng hợp chưa phản ánh được đầy đủ và chính xác tình hình tài chính của các doanh nghiệp nên Bộ Tài chính chưa đủ cơ sở để đánh giá, so sánh./.