Bán vũ khí cho Đài Loan, các công ty Mỹ bị Trung Quốc ra đòn trừng phạt

VietTimes — Ngày 9/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn việc bán số vũ khí trị giá 2,22 tỷ USD cho Đài Loan. Sau khi lên tiếng đe dọa, tối ngày 12/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan vi phạm chuẩn tắc quốc tế, Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ xuất khẩu vũ khí sang Đài Loan. Trang tin Trung Quốc “Người quan sát” đã nêu tên các công ty Mỹ có thể bị xử phạt, như General Dynamics Land Systems, nơi thiết kế xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2...
Việc chính phủ Mỹ quyết định bán số lượng lớn vũ khí cho Đài Loan khiến Trung Quốc nổi giận đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ đang làm ăn với họ
Việc chính phủ Mỹ quyết định bán số lượng lớn vũ khí cho Đài Loan khiến Trung Quốc nổi giận đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ đang làm ăn với họ

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 12/7 cho biết kế hoạch bán vũ khí Đài Loan trị giá khoảng 2,22 tỷ USD mà Mỹ vừa công bố đã vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và các chuẩn tắc quan trọng trong quan hệ quốc tế, vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” và các quy định trong “3 bản thông cáo chung giữa Trung Quốc và Mỹ”, đã gây tổn hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc. Để bảo vệ lợi ích quốc gia, “Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan lần này”.

General Dynamics bị trừng phạt, do xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams M1A2 của họđược bán cho Đài Loan
General Dynamics bị trừng phạt, do xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams M1A2 của họđược bán cho Đài Loan

Các công ty nào hứng chịu lệnh trừng phạt?

Vậy những công ty nào sẽ bị Trung Quốc trừng phạt? Theo “Nhà quan sát”, trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy lần này số vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan bao gồm: 108 xe tăng Abrams M1A2, 254 quả tên lửa đất đối không Stinger, 14 xe bọc thép cứu kéo M88A2, 16 xe vận tải thiết bị siêu nặng M1070A1.

Trong đó, bao gồm: General Dynamics, nơi thiết kế xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2; Tập đoàn Oshkosh - nhà sản xuất xe vận tải thiết bị hạng nặng M1070A1, nhà sản xuất tên lửa Stinger là Raytheon - một nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ.

Ngoài ra, theo báo cáo của Lầu Năm Góc, vụ mua bán vũ khí, thiết bị quân sự này cũng có sự tham gia của 30 cơ quan chính phủ Mỹ và 15 đại diện công ty công nghiệp quốc phòng.

Ngay từ hồi đầu tháng 12 năm 2015, chính phủ Mỹ đã tuyên bố bán tổng cộng 1,83 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, bao gồm: tàu tuần tra Perry, xe bọc thép lội nước đổ bộ AAV7 và tên lửa Stinger. Đó cũng là lần đầu tiên Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan sau 4 năm. Ngày 17 tháng 12 năm 2015, khi trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Raytheon và Lockheed Martin hay không? Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lúc đó là Hồng Lỗi (Hong Lei) đã trả lời rằng các công ty Mỹ tham gia bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không hợp tác và làm ăn với các công ty đó.

Đáp lại việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan lần này, Trung Quốc đã hai lần tuyên bố yêu cầu hủy bỏ ngay lập tức. Ngày 9 tháng 7, ông Cảnh Sảng tại cuộc họp báo thường kỳ đã tuyên bố: Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc và gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Phía Trung Quốc bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối việc này, đã nghiêm khắc giao thiệp với phía Mỹ.

Cảnh Sảng nhấn mạnh, Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngay lập tức hủy bỏ kế hoạch bán vũ khí nói trên cho Đài Loan và chấm dứt mọi quan hệ quân sự Mỹ - Đài Loan, để tránh gây tổn hại thêm cho quan hệ Trung - Mỹ và hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Ngày 11/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ và nghiêm khắc giao thiệp với phía Mỹ.

Với việc tên lửa Stinger được bán cho Đài Loan, Raytheon bị Trung Quốc trừng phạt có thể ảnh hưởng đến việc sáp nhập với United Technologies
Với việc tên lửa Stinger được bán cho Đài Loan, Raytheon bị Trung Quốc trừng phạt có thể ảnh hưởng đến việc sáp nhập với United Technologies

Các công ty Mỹ sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Tuy nhiên, cũng có nhiều người thấy khó hiểu: Mỹ từ lâu đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Các công ty Mỹ lâu nay không bán vũ khí cho Trung Quốc đại lục, vậy tác động thực sự của lệnh trừng phạt này đối với họ ra sao? 

Tờ New York Times ngày 12/7 đã đưa ra câu trả lời, nói rằng mặc dù các lệnh trừng phạt của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vũ khí của các nhà thầu quân sự Mỹ, nhưng có thể ảnh hưởng đến doanh số các mặt hàng phi quân sự của họ ở Trung Quốc đại lục.

Ví dụ, General Dynamics, do xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 của họ có trong vụ bán vũ khí, nên phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Trung Quốc. Công ty này sản xuất xe chiến đấu và tàu ngầm, nhưng nó cũng sản xuất loại máy bay phản lực tư nhân Gulfstream hiện rất được giới nhà giàu Trung Quốc đại lục ưa chuộng. Tuy công ty không công bố doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục, nhưng cho biết năm ngoái họ đã đạt được doanh thu 2,3 tỷ USD tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tại một cuộc họp báo vào tháng 3 năm nay, Scott Neal, Phó chủ tịch công ty về bán hàng toàn cầu loại Gulfstream, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với công ty. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng có nhiều cơ hội lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc đại lục. Về mặt nhân sự và máy bay, chúng tôi là một trong những nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) đầu tiên đầu tư mạnh vào đây. Chúng tôi đã sớm thiết lập được một thị trường hùng mạnh”.  

Một công ty khác, Raytheon, tuy từng nói rằng họ không bán bất kỳ sản phẩm nào cho Trung Quốc Đại lục. Nhưng gã khổng lồ quốc phòng đang tìm cách hợp nhất nghiệp vụ hàng không vũ trụ với công ty United Technologies. United Technologies hiện có rất nhiều hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đại lục. Lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với Raytheon có thể ảnh hưởng đến việc United Technologies xem xét sáp nhập.

United Technologies hiện kinh doanh bán động cơ máy bay ở Trung Quốc đại lục và hợp tác với các công ty Trung Quốc để phát triển thiết bị điện tử máy bay. Ngoài ra, dưới trướng United Technologies có nhà sản xuất thang máy Otis. Otis cho biết họ đã giành được hợp đồng cung cấp 2.500 thang cuốn và thang máy tại 11 thành phố ở Trung Quốc đại lục vào năm ngoái.

Việc sáp nhập United Technologies và Raytheon đã được công bố vào tháng trước và vẫn cần phải được sự chấp thuận của các cổ đông của cả hai công ty.

Ngày 12 “Flight Global”, một trang web tin tức và thông tin trực tuyến chuyên về ngành hàng không vũ trụ, cũng lưu ý rằng các lệnh trừng phạt của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến ngành hàng không Mỹ.

Tập đoàn Oshkosh cũng có tên trong danh sách bởi loại xe vận chuyển thiết bị hạng nặng M1070A1của họ được bán cho Đài Loan
Tập đoàn Oshkosh cũng có tên trong danh sách bởi loại xe vận chuyển thiết bị hạng nặng M1070A1của họ được  bán cho Đài Loan

Bài viết trên trang này dẫn lời Michel Merluzeau, người đứng đầu công ty tư vấn hàng không AIR, nói: “Mối quan tâm chính của tôi với việc Trung Quốc đe dọa trừng phạt đối với các công ty này là liệu điều này có ảnh hưởng đến việc sáp nhập United Technologies và Raytheon hay không. Nếu bạn là United Technologies, nếu giao dịch thành công, thì liệu điều này có ảnh hưởng đến việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc không?”.

 Ngoài ra, Tập đoàn Oshkosh cũng có tên trong danh sách bởi loại xe vận chuyển thiết bị hạng nặng M1070A1 là sản phẩm của nó. Theo tờ New York Times, ngoài việc thiết kế và bán xe cho quân đội Mỹ, công ty này cũng sản xuất các phương tiện cứu hộ và chữa cháy. Công ty cho biết những chiếc xe của họ được sử dụng tại hơn 30 sân bay ở Trung Quốc đại lục. Oshkok cũng nói rằng Bắc Kinh cũng đã sử dụng loại xe dọn tuyết sân bay của công ty.

Hiện tại, các công ty United Technologies, Tập đoàn Oshkosh và Raytheon chưa phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của The New York Times. Còn General Dynamics thì một đại diện của công ty đã từ chối bình luận.

Ngoài việc cấm các công ty trong nước bán vũ khí cho Trung Quốc, Mỹ cũng gây áp lực buộc EU phải cấm bán vũ khí cho Trung Quốc đại lục. Trong những năm gần đây, EU đã luôn tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn liên tục cản trở.