Bản tin TTCK ngày 17/11: VN-Index điều chỉnh về ngưỡng 890 điểm

VietTimes -- Chỉ số VN-Index nhanh chóng tỏ ra suy yếu khi tiếp cận ngưỡng 900 điểm, các mã vốn hóa lớn diễn biến trái chiều tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Kết thúc phiên 17/11/2017, chỉ số VN-In­­dex đóng cửa ở mức 890,69 điểm, giảm 2,11 điểm (-0,24%); chỉ số VN30-Index đóng cửa ở mức 887,41 điểm, giảm 2,60 điểm (-0,29%); chỉ số VNXAllshare đóng cửa ở mức 1282,86 điểm, giảm 2,28 điểm (-0,18%); chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 108,31 điểm, tăng 0,02 điểm (+0,02%), chỉ số UPCOM-Index đóng cửa ở mức 52,98 điểm, giảm 0,09 điểm (-0,17%).

Thanh khoản thị trường hôm nay không có sự đột biến so với phiên trước. Trên sàn HOSE ghi nhận 111 mã tăng, 215 mã tham chiếu và giảm điểm; tổng khối lượng giao dịch đạt 188,54 triệu cổ phiếu, tương đương với 5.361,07 tỷ đồng. Trên sàn HNX ghi nhận 77 mã tăng, 175 mã tham chiếu và giảm điểm; khối lượng giao dịch đạt 58,9 triệu cổ phiếu, tương đương với 749,99 tỷ đồng.

Khởi đầu phiên, thị trường giao dịch sôi động ngay từ những phút đầu nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VRE, VIC và các cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng như VCB, MBB, BID tăng mạnh tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi VN-Index áp sát ngưỡng 900 điểm thì thị trường đã nhanh chóng suy yếu, khiến chỉ số VN-Index có lúc giảm tới gần 6 điểm (886,9 điểm), đà hưng phấn từ các cổ phiếu SCIC thoái vốn cũng giảm sút.  

Nhóm cổ phiếu trong danh sách SCIC thoái vốn chìm trong sắc đỏ như: FPT (-0,5%), BMP (-2,7%), VCG (-1,6%), DMC (-0,8%).

Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng cho thấy diễn biến trái chiều. Trong khi một số mã cổ phiếu tăng điểm tốt như VIC (+2,1%), MBB (+1,3%), ROS (+0,9%) cũng không thể giúp thị trường lấy lại sắc xanh thường thấy khi có nhiều cổ phiếu lớn khác giữ giá tham chiếu hoặc giảm sâu như: VNM (tham chiếu), SAB (tham chiếu), MSN (-1,7%), PLX (-2,8%), (CTG – 1,9%).

Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng có diễn biến trái chiều, cụ thể: VIC (+2,1%) trong khi các mã khác như HBC (-1,9%), CTD (-1,3%), LDG (-4,1%), DXG (-0,8%).

Nhóm cổ phiếu ngành thép cũng có diễn biến trái chiều, hai cổ phiếu đầu ngành là HPG và HSG giảm lần lượt là 1,2% và 2,1%; trong khi đó một số cổ phiếu tăng tốt như TIS (+5,4%), VIS (+1,1%).

Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán nhanh chóng suy yếu sau phiên giao dịch buổi sáng sôi động như: SSI (-0,4%), MBS (-1,5%), HCM (-1,1%), VND (+1,4%).

Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tiếp tục có sự giao dịch sôi động, trong đó nổi bật phải kể đến bộ đôi cổ phiếu HAG (+1,2%), HNG (+2,8%) và nhóm cổ phiếu “họ” FLC như FLC, AMD, KLF.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng lần đầu tiên kể từ tháng 11 trên cả hai sàn. Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 206,08 tỷ đồng, giao dịch tập trung vào các mã VNM (mua ròng 55,79 tỷ đồng), VRE (bán ròng 229,4 tỷ đồng), FPT (bán ròng 0,66 tỷ đồng). Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 2,83 tỷ đồng, tập trung vào mã VCG (bán ròng 0,7 tỷ đồng) và VNR (bán ròng 0,6 tỷ đồng).

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, tổng số lượng giao dịch toàn thị trường đạt 14.920 hợp đồng, tương đương với giá trị 1.346 tỷ đồng. Hợp đồng VN30F1712 được giao dịch nhiều nhất khi khớp lệnh 13.311 hợp đồng, đóng cửa ở mức 903 điểm; tiếp đến là hợp đồng VN30F1801 khi khớp lệnh 989 hợp đồng, đóng cửa ở mức 909 điểm.