Bán thực phẩm chức năng xách tay qua mạng là vi phạm pháp luật

VietTimes -- Hàng xách tay, theo luật pháp là chỉ được dùng cá nhân, không được bán.Các tài khoản trên mạng rao bán thực phẩm xách tay từ nước ngoài về mà không công bố thông tin với cơ quan quản lý là vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh niên
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh niên

Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cho biết tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí chiều ngày 12/1.

Trước thực tế, hiện nay có nhiều tài khoản cá nhân rao bán các sản phẩm chức năng với nhãn mác “hàng xách tay từ nước ngoài, đảm bảo uy tín chất lượng”, nhưng chất lượng thực sự của sản phẩm và công dụng của nó thì chưa thấy cơ quan nào đứng ra kiểm chứng.

Ông Phong cho biết, hiện nay, pháp luật quy định, các loại thực phẩm nhập khẩu vào cần phải công bố thông tin với cơ quan quản lý, và phải có người đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và sự giám sát của cơ quan chuyên môn.

Hơn nữa, hàng xách tay, theo luật pháp là chỉ được dùng cá nhân, không được bán. Như vậy, hàng xách tay mang về bán là vi phạm pháp luật.

Thực tế, khi đi qua Hải quan, hàng xách tay, với đặc thù là số lượng ít, nên được khai báo trong danh mục hàng cá nhân, không bị đánh thuế, không phải chịu kiểm tra chất lượng như hàng nhập khẩu sử dụng cho mục đích khác.

Bán thực phẩm chức năng xách tay qua mạng là vi phạm pháp luật ảnh 1Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn Thực phẩm, Bộ Y tế tại buổi họp báo.

Nhưng hiện nay, chưa có cơ chế để quản lý việc các cá nhân bán hàng xách tay qua mạng.

Vì vậy, “Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên mua sản phẩm được tuyên truyền là hàng xách tay vì đây là các sản phẩm chưa được phép kinh doanh tại Việt Nam”, ông Phong nói.

Nếu người dân sử dụng các sản phẩm chức năng được quảng cáo là “hàng xách tay”, nếu xẩy ra vấn đề về chất lượng sản phẩm, thì cơ quan chức năng như Cục An toàn thực phẩm khó có thể giải quyết vì không thể truy xuất đươc nguồn gốc sản phẩm do chưa đăng ký.

Khi bán hàng trên mạng xã hội phải thực hiện quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Cụ thể như sau:

- Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ;

- Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

- Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

- Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

- Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử;

- Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử;

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.