Bài thuốc dân gian lan truyền trên MXH: Không ngừa COVID-19 mà có thể còn nguy hại

VietTimes – Trao đổi về vấn đề VietTimes đặt ra liên quan đến hiệu quả chữa bệnh của các bài thuốc đang được truyền tay trên MXH những ngày phòng dịch COVID-19, các chuyên gia ngành Y đều nhất loạt cho rằng không có sở cứ và thậm chí còn có thể nguy hại tới sức khỏe người dùng.

Đây là một trong những nội dung được các khách mời và người tham dự trao đổi sôi nổi tại cuộc tọa đàm Trách nhiệm truyền thông nhìn từ dịch COVID-19, do Câu lạc bộ Café số (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam - VDCA) và Báo Giao thông phối hợp tổ chức chiều nay (20/2).

Ths. Vũ Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế (trái), BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (người cầm mic) và BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).
Ths. Vũ Mạnh Cường -  Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế (trái), BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (người cầm mic) và BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).

Không thể có hiệu quả trong việc phòng hay chữa bệnh

Từ thời điểm bắt đầu chống dịch COVID-19, nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng xã hội liên tục đăng đàn để cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Cùng với đó, một số trí thức đã chia sẻ cách phòng dịch bằng món thức uống dân gian từ nguyên liệu dân dã, ít tiền. Họ cho rằng thứ nước uống này được cho là phòng và chữa được nhiều thứ bệnh về phổi, kể cả ung thư phổi và tất nhiên, trong danh sách này có cả viêm phổi cấp Vũ Hán (nCoV).

Một trong những công thức nấu đồ uống phòng COVID-19 này gồm chanh - sả - mật ong: Cho một nắm lá sả vào nồi nấu lấy nước, thêm chanh bào nhỏ sau khi cấp đông, pha cùng mật ong rồi khuấy đều và uống nóng.

Trao đổi với VietTimes tại cuộc tọa đàm, BSCK II Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho rằng nguyên tắc của đông y là căn cứ vào triệu chứng của bệnh nhân để họ biện luận bệnh lý, rồi từ đó, họ luận ra cách trị. Ông lấy ví dụ thầy thuốc Đông y sẽ đánh giá các triệu chứng bệnh để phán đoán vấn đề thuộc về âm hư hay dương hư, về phế, về tì hay về thận,…

Cũng trao đổi về nội dung này, Ths. Vũ Mạnh Cường -  Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) khẳng định người dân chỉ cần thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của Bộ Y tế về đảm bảo sức khỏe để không bị lây nhiễm COVID-19.

Trong đó, đặc biệt lưu ý rửa tay thường xuyên, vệ sinh máy tính, điện thoại, đảm bảo bề mặt vật dụng sạch sẽ.

Theo BS. Cấp, ở Trung Quốc, hiện có chừng 70 - 80 ngàn bệnh nhân mắc COVID-19, nên họ có cơ sở thống kê rất lớn về triệu chứng và họ đủ dữ liệu để luận ra triệu chứng ấy thuộc phạm vi gì của Đông y và ra cách chữa trị.

Còn ở Việt Nam mới có 16 bệnh nhân. Tại Hà Nội, có số bệnh nhân nhiều nhất, cũng chỉ 5 bệnh nhân; các bệnh viện khác chỉ có 1, 2 trường hợp. Cho nên tập hợp được các triệu chứng thì ngoài Bộ Y tế ra chưa có đơn vị nào có. Và khi chưa tập hợp được triệu chứng thì chưa thể có cơ sở để luận được ra hướng điều trị.

“Anh không biết bệnh ấy là gì, thậm chí chưa nhìn thấy tận mắt, chưa gặp, chưa được bắt mạch,… thì dựa vào cái gì để làm cơ sở đưa ra hướng điều trị?”, BSCKII Nguyễn Trung Cấp đặt vấn đề.

Món đồ uống nước chanh, sả, mật ong được cho là có khả năng hỗ trợ phòng các bệnh về phổi, trong đó có cả COVID-19. Ảnh: Sở Y tế HN.
Món đồ uống nước chanh, sả, mật ong được cho là có khả năng hỗ trợ phòng các bệnh về phổi, trong đó có cả COVID-19. Ảnh: Sở Y tế HN.

Vì thế, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng người dân cần cẩn trọng về những loại thức uống được người dùng MXH “nâng cấp” thành bài thuốc Đông y và đang trôi nổi trên mạng hiện nay, bởi nó không có sở cứ, không xuất phát từ cơ sở thực tế bệnh lý nên không thể có hiệu quả trong việc phòng hay chữa bệnh.

Bài thuốc “trôi nổi”, chưa được công nhận

Chia sẻ thông tin các bác sĩ đều có thời gian học bắt mạch, kê đơn và học các nguyên lý của Đông y khi còn đang là sinh viên đại học, BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho rằng: Xuất phát điểm của hai lĩnh vực Đông y và Tây y là tương đối khác nhau. Đông y thì đi từ vũ trụ để suy ra con người.

Con người là một thực thể của vũ trụ, của tự nhiên, vậy mọi thay đổi của vũ trụ đều sẽ tác động đến con người. Một người bị bệnh là người đang mất cân bằng âm dương. Còn Tây y thì lại đi từ vi thể ra đại thể, họ phải tìm ra được nguồn gốc bệnh, phải tìm ra được con virus đó. Tuy vậy, hai lĩnh vực Đông y và Tây y đều có điều trị hỗ trợ.

BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội)
BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội)

“Đối với những bài thuốc đang trôi nổi trên mạng, không phải bài thuốc do thầy thuốc chính danh kê đơn, chưa được sự công nhận của ngành Y tế, tôi cho rằng nó rất nguy hiểm đối với người dùng”, BS Phúc trả lời trực diện vào vấn đề VietTimes đưa ra tại tọa đàm.

Cũng theo BS. Phúc, đây cũng là một trong những trường hợp điển hình về dịch tin giả mà Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng phải thốt lên vào ngày 8/2 vừa qua, rằng: "Có dịch virus ngoài đời và nhưng dịch lan truyền trên mạng còn nguy hiểm hơn nhiều".

Trao đổi với VietTimes, Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ cao cấp Trần Văn Bản - Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội nghị sĩ về sức khỏe Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẳng thắn: “nCoV là một chủng cúm mới, trước đây chưa từng có, khoa học chưa từng nghiên cứu. Việc dùng loại nước uống từ chanh, sả, mật ong để phòng, chống hay chữa COVID-19 là do cảm nhận cá nhân, chưa có cơ sở khoa học. Vì thế, ta không nên ngộ nhận”.