Ung thư không phải là “ án tử”:

Bài 6: Vaccine chống ung thư được chứng minh có hiệu quả, sẽ bắt đầu thử nghiệm rộng rãi trên người vào cuối năm nay

VietTimes -- Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin, các nhà khoa học đã đạt được bước đột phá trong nghiên cứu vaccine chống ung thư. Họ tuyên bố sẽ sớm thử nghiệm loại vaccine này trên người, hứa hẹn sẽ có phương pháp chữa khỏi các loại ung thư do virus HPV gây ra, gồm ung thư khu vực đầu và cổ, cuống họng và lưỡi.
Giáo sư Porceddu (trái) cùng bệnh nhân ung thư cuống họng Searston, người đầu tiên được thử nghiệm vaccine chống ung thư (Ảnh: ABC News)
Giáo sư Porceddu (trái) cùng bệnh nhân ung thư cuống họng Searston, người đầu tiên được thử nghiệm vaccine chống ung thư (Ảnh: ABC News)

Nghiên cứu này kết hợp một loại vaccine chống virus Human Papilloma (HPV) mới được phát triển với liệu pháp miễn dịch ung thư. Dẫn đầu nhóm các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu là Giáo sư Ian Frazer và Giáo sư Sandro Porceddu, thuộc Bệnh viện Princess Alexandra (Brisbane, Australia).

"Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy chưa từng có của các loại ung thư hầu-họng (OPC) gây ra bởi HPV, trong đó Mỹ báo cáo mức tăng 225% số trường hợp mắc kể từ những năm 1980 đến nay" - Giáo sư Porceddu nói - "Australia cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ở Australia, OPC khiến 1.500 người chết mỗi năm, và 500 ca trong đó liên quan tới HPV".

Theo các nhà nghiên cứu, vào cuối năm nay, họ sẽ thử nghiệm loại vaccine điều trị ung thư mới trên 12 bệnh nhân mắc ung thư cuống họng do virus HPV gây ra.

"Loại vaccine này sẽ kích thích và dạy cho các tế bào T (T-cell) trong cơ thể bệnh nhân cách tấn công các tế bào ung thư có virus HPV trên bề mặt tế bào - nó tương tự như cách mà cơ thể người kiểm soát sự nhiễm trùng" - Giáo sư Porceddu giải thích về cơ chế của vaccine mới.

Vị Giáo sư cho biết thêm: "Phần thứ hai của tiến trình này là liệu pháp miễn dịch ung thư, bởi các tế bào ung thư kiềm chế hệ miễn dịch của người, từ đó cho phép khối ung thư phát triển. Chúng tôi sẽ sử dụng một loại thuốc liệu pháp miễn dịch giúp khai mở hệ thống miễn dịch, từ đó tăng cường khả năng tấn công tế bào ung thư của cơ thể".

Giáo sư Fraser, người cộng tác với ông Porceddu trong nhóm nghiên cứu vaccine mới (Ảnh: ABC News)
Giáo sư Fraser, người cộng tác với ông Porceddu trong nhóm nghiên cứu vaccine mới (Ảnh: ABC News)

Hãng ABC của Australia hôm 22/5 vừa qua đăng tải bài viết nói về trường hợp của bệnh nhân Doug Searston, bị ung thư cuống họng, và đã nhận được liều vaccine chống ung thư thử nghiệm. Bệnh nhân này khẳng định rằng vaccine rất an toàn.

"Ngay sau khi nhận được chẩn đoán về căn bệnh ung thư, tôi hết sức choáng váng" - Searston nói - "Nhưng đối với một người dân bình thường bị chẩn đoán mắc ung thư như tôi, sau khi được điều trị bằng liệu pháp mới, giờ tôi cảm thấy rất an toàn khi được các bác sĩ chăm sóc".

Sau khi được điều trị bằng liệu pháp mới, bệnh nhân này kể lại: "Trong một lần đến khám, tôi nói với bác sĩ của mình rằng tôi đang tăng cân trở lại. Ông ấy nhìn tôi từ trên xuống dưới rối nói: "Anh đang tăng cân là vì anh khỏe mạnh"".

Giáo sư Porceddu cho hay, nhóm nghiên cứu của ông hy vọng rằng việc tiêm vaccine thử nghiệm trên người với quy mô lớn hơn sẽ được thực hiện vào cuối năm nay.

"Chúng tôi đã nhận được phần lớn số tiền cần thiết để thực hiện dự án, nhưng vẫn đang thiếu khoảng 700.000 USD. Một khi kiếm đủ số tiền này, chúng tôi có thể đi tới giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm vaccine trên người" - ông Porceddu khẳng định - "Chúng tôi hy vọng rằng điều đó sớm xảy ra, để đến cuối năm nay chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người".