Thu tiền sinh viên thực hành ở bệnh viện:

Bài 5: Sinh viên Mỹ: Không phải trả phí cho bệnh viện khi thực tập, mà còn được trả lương cao

VietTimes -- Sau khi tốt nghiệp trường y ở Mỹ, các sinh viên ra trường phải tham gia một khóa thực tập khắt khe có thể kéo dài từ 3 - 8 năm tại các bệnh viện trong nước. Trong quá trình thực tập, sinh viên ngành y không phải trả bất cứ khoản phí nào cho phía bệnh viện mà ngược lại còn được trả lương, thậm chí được trả lương rất cao.
Ở Mỹ, sinh viên thực tập ngành y tại một bệnh viện, hay bác sĩ nội trú, là nghề được trọng dụng và được trả lương cao (Ảnh: The Nation)
Ở Mỹ, sinh viên thực tập ngành y tại một bệnh viện, hay bác sĩ nội trú, là nghề được trọng dụng và được trả lương cao (Ảnh: The Nation)

Một nghề chính thức ở Mỹ

Chương trình thực tập tại bệnh viện của các sinh viên tốt nghiệp ngành y - còn được gọi là bác sĩ nội trú (Resident) - được giám sát và quản lý bởi Hội đồng kiểm định cho đào tạo y khoa sau tốt nghiệp (ACGME). Trong khóa đào tạo này, các thực tập sinh phải trả qua rất nhiều giờ làm việc thực tế tại các bệnh viện hay phòng khám cùng với các bác sĩ hướng dẫn.

Không giống như tại các trường đại học y dược, nơi mà sinh viên phải trả học phí cực kỳ đắt đỏ, sinh viên thực tập tại các bệnh viện ở Mỹ được trả lương không khác gì các bác sĩ chuyên nghiệp. Điều này là do các sinh viên thực tập này tham gia vào rất nhiều hoạt động có giá trị đối với bệnh viện và các phòng khám: họ phải chăm sóc bệnh nhân, tham gia các ca trực cả ngày lẫn đêm, bất kể ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ.

Mức lương mà sinh viên thực tập ngành y được trả bởi vậy rất cao, khoảng 50.000 USD/năm. Còn đối với những thực tập sinh tham gia công việc trợ lý cho bác sĩ chính, mức lương mà họ nhận được có thể lên tới 86.000 USD/năm.

Đáng chú ý ở chỗ, lương cho sinh viên thực tập ngành y ở Mỹ không phải được chi bởi các bệnh viện và phòng khám nơi họ làm việc, mà đến từ quỹ của chính phủ Mỹ. Vào năm 1965, Quốc hội Mỹ tổ chức nhiều phiên điều trần để thành lập chương trình chăm sóc y tế Medicare, và quỹ lương dành cho sinh viên thực tập ngành y cũng được thành lập từ đó.

Trước năm 1965, bác sĩ nội trú Mỹ được trả lương bởi các bệnh viện nơi họ thực tập, nhờ vào nguồn thu từ việc khám chữa bệnh. Hiện nay, số lượng bác sĩ nội trú và kinh phí để đào tạo họ thuộc quyền quyết định của Quốc hội.

Chi phí đào tạo một BSNT hàng năm rất cao, trung bình khoảng $100,000 và dao động tùy vào các bang. Trong số chi phí này, lương trả cho bác sĩ nội trú chiếm phần lớn, phần còn lại dùng để chi trả cho bệnh viện và bác sĩ hướng dẫn.

Bác sĩ nội trú tại Mỹ còn được xem là một nghề chính thức như bất kỳ nghề nào khác, được trả lương, có bảo hiềm sức khỏe, ngày nghỉ (4 tuần/năm), và có tiền hưu trí lên tới hơn 400.000 USD.

Và khác với Việt Nam phải thi đầu vào, bác sĩ nội trú ở Mỹ là một nghề thực hành, bởi vậy, không có kỳ thi nội trú mà chỉ có quá trình nộp đơn và phỏng vấn.

Chính phủ chi mạnh tay cho các bệnh viện đào tạo

Dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson, Đạo luật An sinh Xã hội năm 1965 đã chính thức cho ra đời chương trình Medicare.

Một phần của Medicare quy định rót vốn cho hoạt động đào tạo bác sĩ nội trú trên khắp cả nước. Nguồn quỹ thường niên dành cho việc đào tạo bác sĩ nội trú lúc bấy giờ vào khoảng 5 tỷ USD, bao gồm các chi phí đào tạo bác sĩ nội trú như thiết bị giảng dạy, chi trả lương, chi phí dành cho các xét nghiệm lâm sàng mà bác sĩ nội trú yêu cầu thực hiện...

Chi phí được chính phủ trang trải một phần còn bao gồm tiền trả cho văn phòng Đào tạo Y khoa sau tốt nghiệp (GME) để quản lý các chương trình đào tạo, chi phí cấp phép và không gian đào tạo. Hiện nay, một quỹ trị giá 10 tỷ USD được chính phủ Mỹ phân phát cho hàng loạt các bệnh viện trên khắp cả nước để trang trải chi phí đào tạo bác sĩ nội trú.

Các khoản tiền từ Medicare để trang trải chi phí đào tạo nội trú chuyên khoa (DGME) sẽ được rót trực tiếp cho các bệnh viện nhận đài tạo bác sĩ nội trú. Và các bệnh viện sẽ phải chi trả lương cho bác sĩ nội trú của mình.

Chính phủ Mỹ sẵn sàng chi mạnh tay cho hoạt động đào tạo bác sĩ nội trú bởi tin tưởng rằng nó sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng. Một nguồn lực dồi dào các y bác sĩ có kinh nghiệm, hiểu biết, được đào tạo cẩn thận...luôn được chính phủ Mỹ coi trọng.

Chi phí đào tạo bác sĩ nội chú là rất cao, nhưng chính phủ Mỹ lại nhận thấy lợi ích to lớn từ chương trình đắt đỏ này. Theo các quy định hiện hành, một bác sĩ nội trú ở Mỹ chỉ phải làm việc 80 giờ/tuần ở bệnh viện, nếu tính ra thì trung bình họ được trả lương 12 USD/giờ. Nhưng do các bác sĩ nội trú thực sự phải tiếp nhận khối lượng công việc rất lớn trong các bệnh viện và phòng khám, nên các cơ sở này cũng tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân, và quản lý bệnh nhân tốt hơn trong quá trình điều trị.

Nói cách khác, quan hệ giữa bệnh viện và bác sĩ nội trú mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Bệnh viện nên tự trả lương cho bác sĩ nội trú

Trong năm 1997, Quốc hội Mỹ đặt ra mức giới hạn 100.000 bác sĩ nội trú mà họ sẵn sàng chi tiền đào tạo. Đây chính là một trong số những nguyên nhân khiến cho Mỹ ngày nay đối mặt với tình trạng thiếu y, bác sỹ.

Theo giới chuyên gia, do các bệnh viện nhận đào tạo bác sĩ nội trú kiếm được thêm doanh thu nhờ sức lao động của các bác sĩ nội trú, họ nên đóng góp thêm trong việc chi trả tiền lương cho bác sĩ nội trú.

Theo ông Darryl S. Weiman - Giáo sư chuyên khoa phẫu thuật, Trung tâm Khoa học y tế, Đại học Tennessee - nếu chính phủ Mỹ thực sự chỉ đủ khả năng chi tiền đào tạo cho 100.000 bác sĩ nội trú mỗi năm, vậy thì đã đến lúc các bệnh viện, chính quyền bang và thành phố nên đóng góp nhiều hơn cho hoạt động đào tạo này.

"Hãy trả lương cho các sinh viên thực tập ngành y vì công sức lao động của họ và mức chi trả này cần phải phản ánh đúng giá trị mà họ đã mang lại cho ngành công nghiệp chăm sóc y tế của chúng ta" - ông Weiman viết trong một bài bình luận đăng tải trên tờ Huffington Post.

(Theo Huffington Post)