Công nghệ giáo dục

Bài 27: Học để dùng

VietTimes -- "Tôi từng lưu ý: Thời gian là tuyến tính (Einstein), nay tôi nói rõ tôi dùng nó như thế nào, theo nguyên tắc sư phạm: Học để dùng. Dùng trực tiếp trong cuộc sống hằng ngày. Dùng để học tiếp." - Hồ Ngọc Đại.

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Kỳ này:

Bài 27: Học để dùng

Về cả lịch sử lẫn triết học, một Đối tượng xác lập một Môn học. Yêu cầu duy nhất để chọn là Đối tượng có tiềm năng phát triển, vận động theo chiều từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn.

Tháp Mười đẹp nhất bông sen nghe như liền một khối, một thực thể trừu tượng, nghe được, nhắc lại được nguyên vẹn.

Bước phát triển tiếp theo là “phá vỡ” khối liền “nguyên vẹn” ra từng khối liền nhỏ hơn:

Tháp / Mười / đẹp / nhất / bông / sen.

Mỗi Tiếng là một khối liền độc lập. Từ đây, Tiếng trở thành Đối tượng cần chiếm lĩnh trực tiếp, tại chỗ, lúc ấy.

Tách ra từng Tiếng là thao tác đầu tiên em học ở Trường: xác lập Đối tượng để chiếm lĩnh. Một Đối tượng khoa học có cấu trúc tường minh:

1. Có các thành phần xác định.

2. Mỗi thành phần ở một vị trí xác định trong cấu trúc, do đó giữ một chức năng để cấu trúc tồn tại và vận hành.

Quá trình phân tích đi từ đơn giản đến phức tạp hơn, từ thô đến tinh.

Tách ra từng Tiếng rời.

Lời – một khối liền, được tách ra từng Tiếng.

Tiếng nào cũng là Tiếng. Tiếng ở trình độ xuất phát là một thực thể trừu tượng.

Bước tiếp theo: Đối tượng phân tích là Tiếng từ trình độ trừu tượng hiện tại đến trình độ cụ thể hơn trước - tách Tiếng ra hai phần:

Tháp → th / áp

Mười → m / ười

Sản phẩm của sự phân tích Tiếng là tách ra phụ âm đầu và hình thành khái niệm Phụ âm.

Tiếng vẫn còn là Đối tượng phân tích. Sản phẩm vẫn là cấu trúc hai phần của Tiếng.

Bước tiếp theo phân tích Vần.

Vật liệu mẫu:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.

Thao tác mới: tháo / lắp – quen gọi là đánh vần.

sen → sờ / en / sen

chen → chờ / en / chen

Cơ chế đánh vần Tiếng thanh ngang:

Tách âm đầu ra khỏi vần.

Nhập âm đầu với vần.

Tôi từng lưu ý: Thời gian là tuyến tính (Einstein), nay tôi nói rõ tôi dùng nó như thế nào, theo nguyên tắc sư phạm: Học để dùng.

Dùng trực tiếp trong cuộc sống hằng ngày.

Dùng để học tiếp.

Dùng là cách ôn tập đáng tin cậy nhất: vừa nhận ra cái đã có, vừa dùng sản phẩm đã có, đã làm ra trước đó, để làm ra sản phẩm mới.

Làm ra sản phẩm để dùng được triển khai tuyến tính dọc theo thời gian học, cũng là dọc theo tiến trình phát triển của Đối tượng, cũng là dọc theo quá trình phát triển của tư duy về Đối tượng đó.

Tôi thiết kế Môn học theo nguyên tắc dó. Cụ thể là cách đánh vần:

Tiếng thanh ngang: sen  → sờ / en / sen

Tiếng có các thanh khác: sẻn → sen / hỏi / sẻn

Theo cách đánh vần này, trẻ em thấy được đặc trưng thanh của tiếng Việt: các Tiếng chỉ khác nhau về thanh (cách đánh vần cổ truyền: sờ / en / sen / hỏi / sẻn).