Bài 26: Môn học được triển khai tuyến tính dọc theo một chiều thời gian.

VietTimes -- "Chương trình môn học có thể có điểm khởi đầu, không có điểm cuối, nói đúng hơn, có một điểm cuối trong một thời điểm nào đó. Chọn điểm xuất phát của chương trình môn học hay điểm xuất phát của tiến trình phát triển tự nhiên của Đối tượng là việc sống còn, thể hiện một tầm nhìn triết học đối với lịch sử của Đối tượng đã vận động đến thời điểm chọn lựa." - Hồ Ngọc Đại.

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua - ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Kỳ này: 

Bài 26: Môn học được triển khai tuyến tính dọc theo một chiều thời gian.

Một Môn học dành cho một Đối tượng.

Môn học diễn ra theo tiến trình phát triển tự nhiên, đi từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn.

Tiến trình triển khai môn học (tiến trình phát triển tự nhiên của Đối tượng) bị khống chế bởi thời gian tuyến tính một chiều.

Môn học được triển khai tuyến tính dọc theo một chiều thời gian.

Chương trình môn học có thể có điểm khởi đầu, không có điểm cuối, nói đúng hơn, có một điểm cuối trong một thời điểm nào đó.

Chọn điểm xuất phát của chương trình môn học hay điểm xuất phát của tiến trình phát triển tự nhiên của Đối tượng là việc sống còn, thể hiện một tầm nhìn triết học đối với lịch sử của Đối tượng đã vận động đến thời điểm chọn lựa.

Thiết kế môn Tiếng Việt lớp Một CGD, tôi chọn khái niệm xuất phát là TIẾNG.

Tiếng là một khái niệm khoa học thì có cấu trúc tường minh:

- Có các thành phần cấu thành.

- Mỗi thành phần ở một vị trí xác định trong cấu trúc, đảm nhận một chức năng.

Là một khái niệm ngữ âm, Tiếng có cấu trúc tường minh:

- Thành phần: các âm (âm vị).

- Chức năng: tùy theo vị trí của mỗi âm trong cấu trúc Tiếng.

Tôi thiết kế Môn Tiếng Việt lớp Một CGD dựa vào tiến trình phát triển của Đối tượng từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn.

Trong thực tiễn sư phạm, tôi dùng các Vật thay thế cho từng trình độ phát triển của Đối tượng, tương ứng với trình độ phát triển tư duy của học sinh lúc ấy.

Vật thay thế ba chiều có thể cầm nắm, di chuyển bằng tay: Dùng tay để học. (Tôi học được ở Piaget và Galperin).

Miệng nói một Tiếng: Tháp.

Tay cầm một khối nhựa (hòn sỏi, nắp chai, củ lạc,… vật 3 chiều) đặt xuống mặt bàn.

Miệng nói tiếp một Tiếng: Mười.

Tay cầm một viên sỏi (khối nhựa,…) đặt bên cạnh viên lúc trước.

Sản phẩm làm ra (học sinh thi công, làm ra sản phẩm):

Vật thay thế hai chiều

- Bất cứ mảnh giấy nào.

- Dùng các hình hình học chuẩn: Hình vuông – Hình tròn – Hình tam giác đều.


Vật thay thế giản đơn

x  x  x  x  x  x

Học sinh có thể dùng bất cứ Vật thay thế nào (miễn là vững chắc, không biến đổi).

Dùng Vật thay thế võ đoán (theo quy ước) thay cho Vật thật (Tiếng) nói ra, với các mức độ âm thanh: nói to, nói khẽ, nói mấp máy môi, ngậm miệng nói (nói không có âm thanh).

Dùng ba tuần lễ đầu tiên cho trẻ học cách dùng tay, học nói theo các mức độ âm thanh khác nhau (to, nhỏ, mấp máy môi, ngậm miệng nói), với các vật liệu phù hợp với tiến trình đi từ trừu tượng đến cụ thể hơn, từ đơn giản đến phức tạp hơn.

 

Ba tuần đầu đến trường học lớp Một, em học những quy ước tiện cho Việc học diễn ra từ thô đến tinh: bắt đầu từ sự phân biệt “thô” nhất – nghe để phân biệt các Tiếng -  có tác dụng sư phạm từ đầu và mãi về sau, mãi mãi: Phân biệt Vật thật / vật thay thế.