Bài 21: Trẻ em sinh ra là Người và trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất trên hành tinh

VietTimes -- "Trẻ em sinh ra là Người và trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất trên hành tinh. Việc trần thế đầu tiên và cả đời em là Việc học." - Hồ Ngọc Đại

Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua.

Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.

Kỳ này: Trẻ em sinh ra là Người và trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất trên hành tinh

Trẻ em sinh ra là Người và trở thành chính mình, một cá nhân duy nhất trên hành tinh.

Việc trần thế đầu tiên và cả đời em là Việc học.

Để thiết kế và thi công việc học cho Trẻ em, tôi theo định hướng Triết học / Lịch sử đã phát triển đến trình độ hiện đại của xã hội hiện đại.

Tính từ ngày 1 tháng 1 năm 2001, một thế hệ trẻ mới ra đời, là thế hệ trẻ đầu tiên xuất hiện trong lịch sử hiện thực.

Giờ khắc em chào đời cũng là giờ khắc em học bài học đầu tiên: học bú.

Từ nay, việc học là sự sống, là sức sống, là lẽ sống của em. Em học trong một hoàn cảnh lịch sử chưa hề có, vận động theo nguyên lý triết học chưa hề có.

Những năm đầu sang Nga, tôi có nhiều thời gian để làm những việc mình thích. Thích nhất là đọc sách. Có sẵn sách lẫn thời gian đọc. Thư viện Lênin có đủ sách, công khai có, bí mật có, ta có, địch có, có cả kinh thánh lẫn truyện tiếu lâm, có chuyện trang nghiêm trên diễn đàn, có chuyện tếu táo trong phòng riêng…

Hồi còn chưa thạo tiếng Nga, Elkonin khuyên tôi đọc Piaget (tiếng Pháp).

Tôi đọc Piaget theo thứ tự xuất bản, rồi theo thứ tự trang sách.

Mãi sau này, tôi mới có kinh nghiệm đọc Piaget: Nên đọc theo thứ tự ngược với thứ tự ông viết ra. Ông vừa tư duy vừa viết, còn mình thì muốn dùng thành tựu ông đã viết ra. Tôi học được ở Piaget khái niệm thao tác. Ông mô tả quá trình nhận thức theo cấu trúc thao tác.

Có lần Tạ Quang Bửu hỏi tôi: Anh Đại này, tôi đọc anh khá kĩ, nhưng tôi chưa thấy anh khác Piaget chỗ nào.

Tôi trả lời: Tôi học Piaget, mới biết được: tri thức có cấu trúc thao tác, do đó trí tuệ có cấu trúc thao tác.

Khái niệm thao tác tôi học ở Piaget, nhưng dùng khái niệm ấy tôi khác Piaget. Tôi dùng theo cách của tôi.

Piaget nói: Sáng tôi đi từ nhà đến cơ quan. Chiều tôi đi từ cơ quan về nhà.

Tôi nói: Sáng tôi đi từ nhà đến cơ quan (như Piaget nói). Chiều tôi đi từ cơ quan đến nhà.

Nghĩa là: Tôi đi tiếp trên đường thẳng thời gian. Thời gian là tuyến tính. Mỗi thời điểm như một điểm trên đường thẳng, điểm duy nhất, đi qua điểm đó là vĩnh viễn đi qua, không có cơ hội gặp lại lần thứ hai. Tôi học được điều này từ Einstein.

Mất thời gian là mất tuyệt đối, tức là mất tuyệt đối một phần cuộc sống cá nhân.

Nhận ra giá trị “vật chất” của thời gian trong cuộc sống cá nhân, tôi thiết kế Môn Tiếng Việt công nghệ giáo dục theo trật tự tuyến tính, dọc theo thời gian tuyến tính.

Mỗi thời điểm là duy nhất thì phải làm được sản phẩm đích đáng nhất của thời điểm ấy, mang năng lượng vật chất của sản phẩm ấy cấp cho sự sống cá nhân, làm nên cuộc đời cá nhân