Đối thoại với học giả Nguyễn Trần Bạt về mô hình đặc khu kinh tế

Bài 2: Đừng để đầu tư nhiều, nợ công cao, lại không hiệu quả

VietTimes -- Đừng để phạm phải sai lầm là đầu tư rất nhiều dẫn đến tình trạng nợ công cao mà lại không hiệu quả. Việt Nam đã là một nền kinh tế mà tất cả cái gì có thể mở được đều đã mở, sự mở ấy đạt đến mức hở rồi” - Nguyễn Trần Bạt
Nguyễn Trần Bạt: "Ở nước ta tôi thấy đôi khi vì mải nghĩ đến đầu tư mà các nhà quản lý quên cả nghĩa vụ điều hành".
Nguyễn Trần Bạt: "Ở nước ta tôi thấy đôi khi vì mải nghĩ đến đầu tư mà các nhà quản lý quên cả nghĩa vụ điều hành".

Nghiên cứu để mở thì tốt, nhưng phát triển ồ ạt thì phải cẩn thận.

Thực tế phát triển đất nước đặt ra yêu cầu cần phải có những đột phá về thể chế?

-Trong phạm vi cuộc trao đổi này tôi chỉ góp ý về khía cạnh không nên xem việc cải cách thể chế, kể cả cải cách mô hình chính quyền, như một biện pháp dẫn đến việc cung ứng năng lượng phát triển một cách vô tận. Chúng ta vẫn quan niệm cải tiến thể chế hoặc chế độ hành chính thì sẽ hấp dẫn hơn, nhưng đấy là kinh nghiệm của những nước chưa mở.

Nếu đủ mạnh dạn để mở về mặt thể chế thì liệu sự mở ấy có tất yếu dẫn đến sự phát triển không? Cũng không. Nghiên cứu để mở thì tốt, nhưng hy vọng mở sẽ tạo ra sự phát triển ồ ạt thì phải cẩn thận, nhất là khi chúng ta mở mà có đầu tư. Nếu chỉ mở về chính sách không thôi thì có thể thay đổi được, nhưng khi đã bỏ tiền đầu tư thì coi chừng, bởi vì những đầu tư ấy chủ yếu là đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn. 

Đừng để phạm phải sai lầm là đầu tư rất nhiều dẫn đến tình trạng nợ công cao mà lại không hiệu quả. Việt Nam đã là một nền kinh tế mà tất cả cái gì có thể mở được đều đã mở, sự mở ấy đạt đến mức hở rồi. Thậm chí ở góc độ nào đó, Việt Nam đã phơi nhiễm nhiều căn bệnh của nền kinh tế thế giới. 
Chúng ta phải hết sức tỉnh táo lẫn cân nhắc, nếu không cẩn thận thì bao nhiêu công lao của việc chống tham nhũng diễn ra từ sau Đại hội XII đến giờ sẽ xuống sông xuống biển cả. Cho nên, phải làm thế nào đó để việc phát triển kinh tế không trở thành bước lùi của Đảng ta đối với đòi hỏi của các tập đoàn lợi ích.
Lahana Resort Phú Quốc có vị trí đắc địa tại thị trấn Dương Đông
Lahana Resort Phú Quốc có vị trí đắc địa tại thị trấn Dương Đông 

Tại sao giá đất ở mấy địa phương được chọn làm ĐKKT tăng lên vù vù?

Vậy thì việc quản các đặc khu sẽ phải thật "cao tay" để tránh tình trạng có thể nói ví von là "phù thủy" không ngăn được "âm binh" tác oai tác quái?

Anh còn nhớ khu “chu vi 300 ngày” (khu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ trong 300 ngày, bao gồm các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Quảng Ninh)? Tôi nhớ khi Thủ đô giải phóng thì Hải Phòng vẫn còn tồn tại như một đặc khu để tập kết tất cả những người mà ông Ngô Đình Diệm và ông Bảo Đại vận động di cư vào miền Nam.

Thời ấy bố tôi có một người bạn là ông Nguyễn Bát Can, từng là Hiệu trưởng Trường Y. Ông ấy đưa bố tôi từ Nghệ An ra Hà Nội để mổ dạ dày.

Trong khi cụ nằm viện, lại có một người bạn học khác là Bộ trưởng Bộ di trú của chính phủ Bảo Đại đến thăm. Ông ấy rủ bố tôi vào Nam làm việc cho chính phủ Bảo Đại. Ông ấy định đưa cho bố tôi một ít tiền, vé máy bay và căn cước của một ngôi nhà ở Sài Gòn để đưa vợ con vào ở tạm.

Bố tôi nói: “Anh còn nghĩ đến bạn thì tôi rất khâm phục và cảm động. Nhưng anh biết rằng tôi đã đi theo những người cộng sản, tôi không thể phản bội họ để đi với anh được. Mong anh thông cảm”. 

Trở lại câu chuyện của chúng ta,  tôi nhắc lại, nếu đã có luật đặc khu với các quyền tự do tương đối mà quản lý không tốt, không chặt chẽ thì không khéo có thể biến thành chỗ đắc địa để tập kết những lợi ích tiêu cực, tham nhũng.

Những lo lắng của anh chỉ là một sự mơ hồ hay cảnh báo?

Không phải sự mơ hồ mà là những cảnh báo nhỡn tiền. Tại sao giá đất ở mấy địa phương được chọn làm ĐKKT tăng lên vù vù? Bởi vì người ta tin rằng đặc khu là vùng tự do. Với ba đặc khu ở ba miền đất nước là những vùng tự do sẽ tạo ra các lỗ thủng to trong hệ thống. Chúng ta có đủ năng lực để khắc phục tình trạng “thủng” hay “hở” đó không? Tôi nghĩ đây là những vấn đề chúng ta không thể xem nhẹ và bài toán về quản lý phải được tính toán thật kỹ.

Thưa ông, thời gian qua báo chí đưa nhiều thông tin về việc buôn bán đất đai ở Phú Quốc, Vân Đồn, và trên thực tế thì chính quyền những nơi này cũng đã đình chỉ nhiều vụ chuyển nhượng đất. Khi hình thành đặc khu thì xử lý vấn đề này như thế nào?

- Hy vọng rằng chính quyền các cấp sẽ xử lý tốt vấn đề này và đây sẽ không phải là chỗ để các "nhóm lợi ích" buôn đất. Gần đây, đã có một số quyết định đình chỉ việc chuyển nhượng đất đai. Mong rằng đây không chỉ là biện pháp "chữa cháy" hay biện pháp tình thế, vì theo tôi được biết, và tôi vẫn nghe thấy báo chí phản ánh là các giao dịch vẫn còn tiếp tục diễn ra.

Mặc dù chưa có quy hoạch rõ ràng nhưng nhiều nhà đầu tư đã mua đất Vân Đồn
Mặc dù chưa có quy hoạch rõ ràng nhưng nhiều nhà đầu tư đã mua đất Vân Đồn 

Nghĩ đến đầu tư nhưng đừng quên nghĩa vụ điều hành

Trên diễn đàn, ĐBQH, LS Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm (thời hạn này ngang với 3- 4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhường địa mà chỉ những nước nghèo đói hoang sơ cần tới để thu hút nhà đầu tư). Và “chỉ mở cửa cho bạn bè...”. Rồi “Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi ĐKKT ra đời”… Anh nghĩ gì về những cảnh báo đó?

Điều tôi lo lắng là đôi khi một ý thức về lợi ích cực kỳ nghiêm túc và sâu sắc nào đó có thể được hợp thức hóa dưới dáng vẻ một đòi hỏi ngẫu nhiên của cuộc sống nhờ tính “nhẹ dạ’ của chính quyền.

Qua những sự việc như thế này, người ta có thể đo được có hay không sự nhẹ dạ của nhận thức chính trị, tạo ra một nguy cơ dẫn đến suy thoái tư tưởng và đạo đức.

Sự suy thoái này nếu có sẽ lớn hơn nhiều so với những gì đã được đề cập trong các nghị quyết gần đây. Sở dĩ tôi có những nỗi lo như vậy vì đâu đó chỗ này, chỗ kia vẫn thấy thấp thoáng vẻ tự tin về sự tất yếu và chắc thắng, trong lúc hàng ngày chúng ta vẫn gặp những sự hớ hênh, cẩu thả của công tác quản lý kiểu “Trạm thu giá”.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và những chính sách mở cửa trong những trường hợp cụ thể như ĐKKT nói riêng thì cần phải chú tâm đến những vấn đề gì?

Tôi không mơ hồ và trông đợi vào những cách thức đổi mới chính trị đang được phương Tây tuyên truyền rộng rãi lâu nay. Anh thấy Thủ tướng Hunsen là nhà lãnh đạo của nền dân chủ do Liên hợp quốc thiết lập ở Campuchia, vậy mà giờ đây chính ông ấy đã phải dẹp đảng đối lập. Nguyên lý của dân chủ phương Tây không phải bao giờ cũng mang lại những kết quả tốt đẹp, mà không khéo còn mang chúng ta trở về trạng thái hỗn loạn của những năm 1950. Anh nên xem lại cho kỹ những ví dụ ở Trung Đông, Bắc Phi và các nước đã trải qua cách mạng Nhung, cách mạng Cam…

Vậy theo ông, khi bàn đến các ưu đãi cho đặc khu thì cần phải lưu ý, tính toán kỹ đến những vấn đề gì?

- Cần phải có những nghiên cứu, phân tích rõ ràng về hiệu quả phát triển xã hội, cải thiện đời sống xã hội ở những ĐKKT đó ra sao hoặc sự phân bổ lợi ích của các lực lượng xã hội trong ĐKKT ấy diễn ra như thế nào. Chúng ta hiện chỉ mới chú tâm đến những thứ không liên quan gì đến thể chế như các chính sách kinh tế hay chiến lược công nghiệp. Mà hiện nay trong các thông tin về đặc khu cũng chưa thấy chiến lược công nghiệp được nói đến rõ ràng, trong khi các vấn đề như đất đai, giảm sâu thuế khóa và quyền được tổ chức sòng bạc trong đặc khu (có cả những tranh luận về việc hợp thức hóa mại dâm nữa) lại được làm nổi bật lên. 

Ở Mỹ Casino là một trong những khu vực được pháp luật kiểm soát rất chặt chẽ. Nhiều năm trước, nước Mỹ chỉ cấp thẻ cho những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn điều hành sòng bạc. Người ta quản lý sòng bạc thông qua việc cấp phép cho từng cá nhân chứ không phải cả dự án đầu tư.

Ở nước ta tôi thấy đôi khi vì mải nghĩ đến đầu tư mà các nhà quản lý quên cả nghĩa vụ điều hành. Cho nên tôi mới nói là các nhà quản lý phải cẩn thận, nếu chúng ta phát triển nóng một cách thái quá thì biết đâu từ những trò chơi kinh tế thông thường sẽ biến thành những hậu quả chính trị không thể sửa chữa được.