Bài 1: Nhạc kịch Việt – Những giấc mơ vật vã

Viettimes -- Nhà đầu tư bỏ “tiền tấn” rồi thu “tiền lẻ” khi bán vé; khán giả thì nghi ngờ, mặc cảm.
Nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương"
Nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương"

“Sợ” thưởng thức những thứ khó hiểu

Trên thế giới có hàng trăm vở nhạc kịch nổi tiếng toàn cầu, doanh thu “khủng” hơn mọi bộ phim “bom tấn”, thậm chí có những vở đã trở thành thương hiệu quốc gia. Rất nhiều vở nhạc kịch khiến hàng triệu người phải rơi nước mắt khi âm nhạc chỉ mới cất lên.

Âm nhạc chính là một nhân tố quan trọng tạo nên nét đặc trưng và quyến rũ của một vở nhạc kịch. Chỉ cần âm nhạc cất lên thôi là mạch cảm xúc của câu chuyện đã trải ra thật đẹp. Trong tổng hòa của âm nhạc, nghệ thuật kịch và nghệ thuật trình diễn, khán giả sẽ có được những cảm giác vô cùng mới mẻ, thú vị, đầy tính khám phá.

Nhưng ở Việt Nam, khái niệm nhạc kịch cho tới giờ vẫn mới chỉ đơn giản và rất mơ hồ. Đa phần khán giả Việt còn chưa hề xem bất cứ vở nhạc kịch nào. Đặc biệt là đối với lớp trẻ, có quá nhiều thứ cám dỗ, lôi cuốn hơn hẳn; trong khi khán giả Việt rất “sợ” thưởng thức những thứ họ không hiểu.  

Cảnh trong vở nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương"
 Cảnh trong vở nhạc kịch "Chuyện tình nàng Giáng Hương" 

Những nghệ sĩ có tâm huyết với loại hình nhạc kịch đã cực kỳ nỗ lực tìm kiếm đầu tư, xây dựng kịch bản, tập hợp nghệ sĩ để đem đến cho công chúng một số vở diễn thuộc loại hình kén người thưởng thức này.

Nếu chịu bỏ tiền mua vé vào xem thử một lần nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương hay Tiên Nga, chắc chắn khán giả Việt sẽ bất ngờ bởi nhạc kịch không hề khó hiểu như họ nghĩ, đặc biệt, với yếu tố chú trọng và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, các nhạc kịch này không hề xa lạ mà rất thân thuộc, gần gũi với những câu chuyện đầy tính nhân văn, theo dòng lịch sử Việt.

Nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương được sáng tác dựa trên một trong những giai thoại về tình yêu đẹp nhất trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Câu chuyện liêu trai đầy xúc động kể về chàng Từ Thức lên tiên cảnh gặp nàng Giáng Hương, khi chàng trở về trần gian, 300 năm đã trôi qua…

Nhạc kịch rất có tính giải trí chứ không quá hàn lâm
 Nhạc kịch rất có tính giải trí chứ không quá hàn lâm 

Hào quang không dễ dàng  

Nhạc kịch là loại hình sân khấu, biểu đạt một câu chuyện bằng âm nhạc, lời thoại, diễn xuất và nhảy múa, nên đòi hỏi rất nhiều thứ cùng đạt chuẩn mới có thể trình diễn. Âm nhạc, bối cảnh sân khấu, ngôn ngữ hình thể cùng hợp lại thành một khối thống nhất; đưa những cảm xúc, sự việc của câu chuyện truyền tải đến người xem một cách nhẹ nhàng và truyền cảm nhất, không căng thẳng, tính giải trí rất cao.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nghệ sĩ tham gia dòng nhạc kịch sẽ phải có được kỹ năng và kiến thức của âm nhạc nghệ thuật đích thực, đồng thời kết hợp được khả năng trình diễn trước công chúng số đông, nghĩa là dễ hiểu, dễ cảm thụ, đi vào lòng người. Nhà biên kịch – Tổng Đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương cho biết, vô cùng khó khăn để có thể tập hợp được vài chục diễn viên, nghệ sĩ thỏa mãn cả hai yếu tố này.

Sau hơn một năm kể từ ngày ra mắt lần đầu, phiên bản cũ của nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương đã dẹp qua một bên, trở lại công diễn lần thứ hai là phiên bản chỉnh sửa. Lần ra mắt đầu tiên, Chuyện tình nàng Giáng Hương sử dụng hầu hết những ca khúc nổi tiếng của Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên... để kể chuyện, lần trở lại thứ hai, nhà biên kịch Trần Nguyễn Thiên Hương kết hợp cùng nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh sáng tác 21 ca khúc dành riêng cho vở nhạc kịch. Trong suốt vở diễn, 21 ca khúc với nhiều thể loại như dân ca Việt Nam, pop ballad, semi-classic, rock, rap, latin... dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Dàn diên viên hùng hậu của "Tiên Nga"
 Dàn diên viên hùng hậu của "Tiên Nga" 

Thành công của nhạc kịch Tiên Nga của NSƯT Thành Lộc và ekip, được mệnh danh là tìm lại kho báu nghệ thuật Việt, phục dựng bi kịch cổ điển, để có thể đến với khán giả cũng đã phải sử dụng biện pháp chỉnh sửa sau rất nhiều lần biểu diễn và đồng thời tìm tòi, nghiên cứu.

Tìm kiếm được nhà đầu tư cho các vở nhạc kịch chắc chắn không hề dễ dàng bởi vé bán khá rẻ và vẫn hầu như không có show nào kín hết khán phòng. Hơn nữa, các vở nhạc kịch đều phải lưu diễn long đong, nên rất khó tìm kiếm những khách mua vé cố định. “Điều chúng tôi khao khát nhất là có được một nhà hát, nhỏ thôi, vài trăm chỗ ngồi thôi cũng được, để có thể biểu diễn nhạc kịch chuyên nghiệp” – Nhà biên kịch, tổng đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương tha thiết nói.

Mong muốn mang đến những sân khấu kiểu Broadway đúng nghĩa tại Việt Nam, đội ngũ sản xuất của Chuyện tình nàng Giáng Hương hay Tiên Nga đều đã phải lặn lội đến những xưởng sản xuất thiết bị trên thế giới để tìm hiểu, học hỏi và mang những công nghệ độc đáo về phục vụ cho nhạc kịch Việt.

Thành Lộc tâm huyết với vai Đồ Chiểu trong "Tiên Nga"
 Thành Lộc tâm huyết với vai Đồ Chiểu trong "Tiên Nga"

Chẳng hạn như sân khấu của nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương lung linh sắc màu từ hàng ngàn sợi đèn fiber optic. Những cảnh trí này tôn vinh diễn xuất của các diễn viên, kích thích trí tưởng tượng cao độ của khán giả. Còn Tiên Nga thì xuất hiện cả con tàu cực lớn trên sân khấu.

Không có địa điểm biểu diễn cố định, đầu tư về cảnh trí quá tốn kém, chi phí diễn viên quá lớn… gầy dựng nhạc kịch, ekip nào cũng chịu lỗ trên chục tỉ đồng tiền vốn, một năm chỉ diễn vài mùa đứt đoạn, không biết bao giờ mới có thể thu hồi vốn.

Đằng sau những tràng vỗ tay và tiếng hò reo của khán giả khiến khán phòng nhà hát như nổ tung mỗi khi hạ màn là nỗ lực của rất đông nghệ sĩ với niềm đam mê nghệ thuật to lớn và những giọt nước mắt cố giấu đằng sau hậu trường cánh gà sân khấu.