Quan hệ Mỹ Trung:

Bài 1: Học giả Trung Quốc: Quan hệ Trung-Mỹ đang trong tình trạng trước Sự kiện Trân Châu Cảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 11/9 đã đăng bài viết dài của Giáo sư Tiêu Công Tần, học giả nổi tiếng ở Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Thượng Hải viết về quan hệ Trung – Mỹ và nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay. Bài viết đã được tác giả đăng trên trang weibo cá nhân và được nhiều trang web đăng lại. VietTimes xin chuyển ngữ một phần để bạn đọc tham khảo.
Giáo sư lịch sử Trung Quốc Tiêu Công Tần cho rằng quan hệ Trung - Mỹ hiện đang ở trong tình trạng như quan hệ Nhật - Mỹ thời điểm trước Sự kiện Trân Châu Cảng khi xưa (Ảnh: Sina).
Giáo sư lịch sử Trung Quốc Tiêu Công Tần cho rằng quan hệ Trung - Mỹ hiện đang ở trong tình trạng như quan hệ Nhật - Mỹ thời điểm trước Sự kiện Trân Châu Cảng khi xưa (Ảnh: Sina).

Hai đảng ở Mỹ đã coi Trung Quốc như Nhật Bản trước khi xảy ra Sự kiện Trân Châu Cảng

Ba năm trước, một giáo sư lịch sử người Mỹ thân thiện với Trung Quốc đã nói với tôi (Tiêu Công Tần) với sự lo lắng sâu sắc rằng tình hữu nghị của Mỹ với Trung Quốc đang xảy ra sự đảo ngược, một khi nó đã kết thúc, về cơ bản là không thể thay đổi được.

Vấn đề tồi tệ hơn là, do sự lây lan toàn cầu của dịch bệnh COVID-19, vì những sai sót sơ đẳng của chính phủ Mỹ trong việc ứng phó với dịch bệnh liên tục xảy ra, đã có hàng triệu người Mỹ nhiễm bệnh. Trong tình hình đó, một tình cảm phi lý đổ lỗi cho Trung Quốc trong xã hội Mỹ cũng đã lan rộng trong dân chúng. Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy của Mỹ đã giá họa và đổ vấy trách nhiệm cho Trung Quốc, điều này rất phù hợp với tình cảm phi lý tính của người dân Mỹ đối với Trung Quốc, để giành được phiếu bầu.

Donald Trump xử lý không hiệu quả dịch bệnh nên cực kỳ bất lợi cho việc tranh cử của ông. Xuất phát từ nhu cầu chính trị đặc biệt trước cuộc bầu cử tháng 11/2020, vị tổng thống khác người có tính cách thích mạo hiểm này đã quyết định mạo hiểm dù một chút khi gia tăng sự thù địch trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ có lợi cho cuộc bầu cử của ông. Mỹ đang rất cần một kẻ thù. Ngay cả khi xảy ra một cuộc chiến tranh giới hạn, nhân cơ hội để thông báo Trung Quốc và Mỹ đã bước vào trạng thái thời chiến là lựa chọn chính sách được xem xét.

Ông Tiêu Công Tần cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chọn cách chỉ trích Trung Quốc, chuyển mâu thuẫn ra ngoài để che đậy sự kém cỏi trong chống dịch COVID-19 (Ảnh: AP).
Ông Tiêu Công Tần cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chọn cách chỉ trích Trung Quốc, chuyển mâu thuẫn ra ngoài để che đậy sự kém cỏi trong chống dịch COVID-19 (Ảnh: AP).

Không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của tâm thái phi lý trí của một quốc gia đối với những lựa chọn lịch sử trong những điều kiện nhất định. Đại dịch COVID-19 ở Mỹ đã gây ra sự bất mãn của cả xã hội đối với Trung Quốc và ẩn chứa nhiều yếu tố phi lý không thể giải thích được. Trong một số trường hợp nhất định, nó sẽ cực kỳ phình to và lan rộng, cần phải ngăn chặn tâm lý “năng lượng tiêu cực” này bị các phe phái chống Trung Quốc của Mỹ sử dụng gây nên sự gia tăng tâm lý chống Trung Quốc trong xã hội Mỹ.

Như chúng ta đã biết, ông Roosevelt đã làm tổng thống 4 nhiệm kỳ, không phải tất cả đều được bầu trong các cuộc tổng tuyển cử, mà là vì Hiến pháp đã trao cho tổng thống đặc quyền tái cử đương nhiên trong thời kỳ chiến tranh. Quan hệ Trung-Mỹ không chỉ đã bước vào giai đoạn nhiều chuyện, khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng nhanh chóng vì những lý do chính trị trong nội bộ nước Mỹ.

Kể từ đầu năm nay, quan hệ Trung-Mỹ đang đi vào trạng thái giống như những tháng trước khi xảy ra cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương tháng 9/1941. Điều đáng lo ngại là hiện không có bất cứ nhân tố mạnh mẽ nào có thể đảo ngược được xu thế này.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có bài phát biểu trên chiến hạm Missouri ở Trân Châu Cảng, Hawaii, rằng: “Cam kết của Hoa Kỳ với thế giới giống như năm 1941. Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ kẻ thù nào và bảo vệ bất kỳ đồng minh nào”, “Ngày nay chúng ta cần tìm kiếm hòa bình bằng sức mạnh”, “một quốc gia tự do không thể ngồi nhìn chủ nghĩa phát-xít cướp quyền”.

Những lời lẽ cao giọng này của những người nắm quyền ở Mỹ ngụ ý mạnh mẽ rằng Mỹ đã coi Trung Quốc như Nhật Bản trước khi xảy ra sự kiện Trân Châu Cảng.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 1/9 cũng công bố một báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng quân đội Mỹ chuẩn bị sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của Tổng thống Mỹ bất cứ lúc nào; tỏ vẻ như sắp chiến đấu với đối thủ của mình.

Theo tốc độ phát triển của vòng tuần hoàn xấu trong quan hệ Trung-Mỹ, một số người nói rằng chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đã chẳng thiếu thứ gì, chỉ thiếu một thứ là đổ máu. Một khi xảy ra xung đột đổ máu thì việc cắt đứt quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ không phải là không thể xảy ra.

Hải quân Mỹ liên tục tuần tra và thực thi "tự do hàng hải", uy hiếp Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: HĐ 7).
Hải quân Mỹ liên tục tuần tra và thực thi "tự do hàng hải", uy hiếp Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: HĐ 7).

Trong điều kiện hai bên mất lòng tin cao độ, cần đề phòng chiến tranh trực tiếp giữa hai nước

Kể từ khi Mỹ tuyên bố đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, các chính trị gia bảo thủ hiện tại của Mỹ đã ở trong giai đoạn chủ động tìm cớ để tấn công.

Hầu hết mọi người đều cho rằng khả năng xảy ra chiến tranh trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ là rất nhỏ, đây quả thực là một nhận định dựa trên lẽ thường. Tuy nhiên, tôi (Tiêu Công Tần) muốn chỉ ra rằng sự hợp lý trong việc ra quyết định của con người thường mắc những sai lầm vô thức và trong điều kiện có sự thù địch cao giữa hai bên. Sai sót về lý trí trong việc ra quyết định này sẽ càng chồng chất hơn do phản ứng thái quá của phía bên kia và cuối cùng hai bên buộc phải bước vào cuộc chiến trong hoàn cảnh không ai có thể kiểm soát được.  

Hầu hết các cuộc chiến tranh trong lịch sử đều xảy ra một cách bất ngờ khi cả hai bên đều cho rằng cuộc chiến không thể xảy ra nhưng lại xảy ra ngoài ý muốn do sự tương tác xấu trong quá trình ra quyết sách của hai bên.

Giữa Trung Quốc và Mỹ, với tiền đề là Mỹ đã định vị Trung Quốc là một “đế quốc đỏ” nguy hiểm “đe dọa lợi ích và an ninh của Mỹ”, do sự kiểm soát của hai bên không phù hợp, không nên đánh giá thấp khả năng xung đột cục bộ bùng phát thành chiến tranh toàn diện.  

Việc Nhật Bản tập kích căn cứ Trân Châu Cảng ngày 7/12/1942 đã trực tiếp gây nên Chiến tranh với Mỹ (Ảnh: Toutiao).
Việc Nhật Bản tập kích căn cứ Trân Châu Cảng ngày 7/12/1942 đã trực tiếp gây nên Chiến tranh với Mỹ (Ảnh: Toutiao).

Điều đặc biệt được nhấn mạnh ở đây là xét từ nền tảng của giới tinh hoa nắm quyền ở Mỹ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, Thứ trưởng Ngoại giao Brian Bulatao, Tham tán Bộ Ngoại giao Ulrich Brechbuhl, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, gần như toàn bộ họ đều xuất thân từ Trường quân sự West Point. Với việc hệ thống Ngoại giao và hệ thống Quốc phòng quan trọng nhất của Mỹ đều đã được thay thế bằng những nhân vật siêu diều hâu, khả năng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng. Điều này nhất định phải được chú ý và cảnh giác nghiêm túc.

Thật phù hợp là trong vài năm qua, những lời lẽ công khai kiểu “Chiến lang” (ý nói hung hăng) ở Trung Quốc cũng đang tăng cường và thịnh hành. Những nhân vật của Trung Quốc lớn giọng nhất không phải là những nhà chiến lược am hiểu nhìn sâu sắc về các vấn đề quốc tế phức tạp mà họ chỉ là những kẻ tuyên truyền và kích động thù địch. Ai có hiểu biết một chút cũng có thể thấy rằng những nhân vật nổi tiếng cao giọng này có những nhận định rất nông cạn hời hợt về tình hình thời cuộc, đôi khi rất nực cười.

Tuy nhiên, khi phe bảo thủ của Mỹ cần nhất quyết chia tay với Trung Quốc, những kẻ cao giọng này lại không ngừng “tiếp đạn” cho họ. Phe bảo thủ chống Trung Quốc của Mỹ có thể càng kiên quyết cho rằng họ đang đúng đắn khi coi Trung Quốc là “kẻ thù số một” của mình.

Mặt khác, phản ứng dữ dội của phe bảo thủ ở Mỹ cùng sự can thiệp và gây áp lực liên tục đối với Trung Quốc lại không ngừng gây nên cảm giác về cuộc đàn áp bi kịch lịch sử trong người dân Trung Quốc. Những người dân hiền lành chất phác, hiểu biết có hạn đã trở thành những người ủng hộ cốt cán của phái cao giọng (“Chiến lang”) và có lợi thế được đa số dư luận ủng hộ, lại được phái này liên tục sử dụng để chứng minh lập trường chính trị của họ là rõ ràng và đúng đắn như thế nào. Để có thêm nhiều người hâm mộ, họ thậm chí coi thường chính sách quốc gia, kích động tình cảm dân túy, làm gia tăng sự đối kháng Trung - Mỹ.

Những gì mà phái cao giọng (“Chiến lang”) đang làm chính là những gì mà những người bảo thủ ở Mỹ chủ trương “tách rời” Trung – Mỹ đang muốn Trung Quốc làm. Sự lên giọng và đàn áp của phái bảo thủ Mỹ càng làm cho phái cao giọng như cá gặp nước trong công chúng. Những tiếng nói sáng suốt, ôn hòa, hợp lý đều bị coi là “thân Mỹ” và bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ đã rơi vào một vòng tuần hoàn xấu như vậy trong những năm gần đây. Tình trạng tương tác giữa hai phái cứng rắn và những người theo chủ nghĩa duy lý ôn hòa bị gạt ra bên lề khá gần với tình hình giữa Nhật Bản và Mỹ trước Chiến tranh Thái Bình Dương.

Đối với quan hệ Trung - Mỹ, nguy hiểm nhất không phải là vấn đề Đài Loan, mà là vấn đề Biển Đông. Nếu ứng phó không cẩn thận, khi tình hình xấu đi đột ngột Mỹ có thể khiêu khích Trung Quốc hơn nữa trong vấn đề Biển Đông.

Ông Tiêu Công Tần cho rằng Mỹ có khả năng sẽ ra tối hậu thư buộc Trung Quốc rút khỏi và ném bom phá hủy các cơ sở, thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông (Ảnh: weibo).
Ông Tiêu Công Tần cho rằng Mỹ có khả năng sẽ ra tối hậu thư buộc Trung Quốc rút khỏi và ném bom phá hủy các cơ sở, thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép trên Biển Đông (Ảnh: weibo).

Chúng ta phải cảnh giác với khả năng phe diều hâu cực đoan của Mỹ thực hiện một số biện pháp cực đoan trước cuộc bầu cử. Chẳng hạn, Mỹ trực tiếp ra tối hậu thư cho Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút hết thiết bị quân sự ra khỏi các bãi đá ngầm ở Biển Đông, nếu không sẽ tiến hành loại bỏ. Họ có thể lấy cớ sử dụng phán quyết “trọng tài” của Tòa án La Hay làm cơ sở và sử dụng điều này để lôi kéo các nước láng giềng xung quanh Biển Đông cùng đối phó Trung Quốc.

Một khi Mỹ ngang nhiên phá hủy các đảo đá ngầm đã được mở rộng của chúng ta ở Biển Đông, liệu Trung Quốc có thể phản ứng mạnh mẽ bằng cách ăn miếng trả miếng hay không? Liệu người Trung Quốc có thể sử dụng “áp lực tối đa” của mình để chống lại “áp lực tối đa” của Mỹ?

Cách đây không lâu, tác giả thấy trên một kênh video có tầm ảnh hưởng, một giáo sư quân sự có quyền uy tuyên bố công khai rằng nếu Mỹ ném bom một cách ngang nhiên các đảo mới xây dựng của chúng ta ở Biển Đông, chúng ta có thể ném bom trực tiếp căn cứ quân sự của họ ở Guam để trả thù kiểu đối đẳng (có đi có lại).

Nếu điều này thực sự trở thành sự lựa chọn của Trung Quốc, thì chúng ta hãy dùng cách suy luận sa bàn để xem điều gì sẽ xảy ra.

Một khi Trung Quốc ném bom Guam, đó sẽ là tình trạng chiến tranh trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ, đây chính là điều mà những người bảo thủ chống Trung Quốc nắm quyền ở Mỹ mong muốn. Điều chắc chắn là với tình trạng thù địch hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, việc ném bom căn cứ ở Guam chắc chắn sẽ gây kích động dư luận Mỹ, Chính phủ Mỹ sẽ xử lý giống như sau sự kiện Trân Châu Cảng, hay như George W. Bush tấn công Iraq năm nào; sẽ rất dễ dàng để được Quốc hội cho phép tiến hành cuộc chiến chống lại Trung Quốc với số phiếu cao.

(Còn tiếp)