|
Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ (Ảnh: Getty) |
Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris đã bác bỏ khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để giải quyết xung đột Ukraine, trừ khi Kiev cũng tham gia vào quá trình này.
Trong cuộc phỏng vấn với CBS hôm đầu tuần này, bà được hỏi liệu có sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Nga để đạt được hòa bình trong cuộc xung đột đã kéo dài gần 3 năm hay không. “Không phải song phương mà không có Ukraine, không. Ukraine phải có tiếng nói trong tương lai của họ”, bà nói.
Khi được hỏi liệu bà có ủng hộ việc thực hiện yêu cầu lâu dài của Ukraine về việc gia nhập NATO hay không, bà không đưa ra câu trả lời trực tiếp, chỉ nói rằng đó là một vấn đề “chúng tôi sẽ giải quyết nếu và khi đến thời điểm đó”, và nói thêm “Ngay bây giờ, chúng tôi đang thúc đẩy khả năng của Ukraine để tự vệ trước sự xâm lược vô cớ của Nga”.
Bà Harris tiếp tục chỉ trích đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump về vấn đề này, nói rằng “nếu ông ấy là Tổng thống, ông Putin sẽ ngồi ở Kiev ngay bây giờ”.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt giao tranh trong vòng 24 giờ nếu đắc cử Tổng thống, ngay cả trước khi tuyên thệ nhậm chức. Mặc dù ông cung cấp rất ít chi tiết, nhưng người đồng tranh cử của ông, J.D. Vance, đã nói rằng một thỏa thuận hòa bình tiềm năng có thể liên quan đến việc cấm Ukraine gia nhập NATO và thiết lập một “khu vực phi quân sự” dọc theo chiến tuyến hiện tại.
Tuy nhiên, bà Harris đã bác bỏ lời cam kết của ông Trump. “Ông ta nói về việc kết thúc nó vào ngày đầu tiên. Bạn biết đó là gì không? Đó là sự đầu hàng”, bà nói.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó bà Harris hiện giữ chức Phó Tổng thống, đã công khai tuân thủ nguyên tắc “không nói gì về Ukraine nếu không có Ukraine”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc rằng phương Tây về cơ bản đang cấm Kiev tổ chức các cuộc đàm phán với Moscow, coi Ukraine là một công cụ hữu ích trong cuộc đối đầu với Nga.
Hồi tháng 6, ông Putin cho biết Nga sẵn sàng tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức và bắt đầu đàm phán hòa bình ngay khi Ukraine bắt đầu rút quân khỏi các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye cũng như từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Tuy nhiên, sau đó ông đã loại trừ bất kỳ cuộc đàm phán nào do quân đội Ukraine chiếm đóng một phần Vùng Kursk.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối bất kỳ cuộc “thương lượng” nào với Nga về 4 vùng lãnh thổ trên và khẳng định rằng ông chắc chắn một ngày nào đó Kiev sẽ gia nhập khối quân sự do Mỹ đứng đầu.