Apple sẽ phải học gì từ sự sụp đổ của một công ty 1.000 tỷ USD trước đây để giữ vững vị trí của mình?

Trước Apple, công ty dầu khí PetroChina của Trung Quốc từng giữ vị trí công ty 1.000 tỷ USD đầu tiên trên thế giới. Tuy nhiên, vị trí này bị sụp đổ rất nhanh sau đó, bài học cho Apple để giữ vững vị trí hiện tại của mình là gì?

Apple không phải là công ty đầu tiên trên thế giới đạt được giá trị vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD, trước đó công ty dầu khí PetroChina của Trung Quốc đã từng nắm giữ cột mốc quan trọng này. Thế nhưng, chỉ trong vòng chớp mắt công ty này đã bị tụt hạng, bài học mà Nhà Táo phải khắc ghi từ đây là gì?

Năm 2007, sau khi ra mắt thành công trên Sàn chứng khoán Thượng Hải vào ngày 5/11, giá cổ phiếu của PetroChina đã tăng gấp 3 lần so với giá được niêm yết trước đó tại thị trường Hồng Kông - chính thức đưa giá trị của công ty lên mức 1.100 tỷ USD trên cả 2 sàn giao dịch trên.

Theo trang Reuters, giá mở cửa của PetroChina tại Thượng Hải thậm chí còn gấp 60 lần dự đoán của các nhà phân tích trước đó khi dựa vào giá cổ phiếu năm 2007, gấp 18 lần mức trung bình trên toàn cầu tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, giá trị của công ty này cũng tụt dốc rất nhanh sau đó, cuối năm 2008 công ty đã bị giảm sút dưới 260 tỷ USD, cũng là sự tụt hạng gây lớn nhất từ vị trí "kếch xù" trong lịch sử cổ đông thé giới, theo Bloomberg. Nguyên nhân gây nên sự sụp đổ này là gì?

Tài chính khủng hoảng và sự tự tin quá mức của PetroChina

Sự tụt hạng của PetroChina từ năm 2007 cho đến 2017 (từ 1.100 tỷ USD còn dưới 300 tỷ USD) (Nguồn Bloomberg).

Một trong những lý do mà PetroChina "đổ lỗi" cho sự sụp đổ của mình là do cuộc khủng hoảng tài chính vào thời điểm đó và giá dầu bị giảm mạnh. Vào năm 2007, ngay khi công ty mới bắt đầu xuất hiện thì giá 1 thùng dầu thô đã tăng lên 140 USD (giá dầu ngày nay chỉ bằng 1/2).

Thế nhưng, cuối năm 2008 giá dầu giảm mạnh khiến tình hình của công ty dầu khí cũng không mấy khả quan và đầu năm 2009 giá cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông lại tiếp tục giảm hơn 20%.

Trên thực tế, nguyên nhân chính do sự thay đổi chính sách kinh tế lớn nhất mọi thời đại của Trung Quốc trong thời điểm này. Đó là những nỗ lực thoát khỏi mô hình phát triển hàng hóa và giảm bớt các yếu tố đầu cơ (tận dụng cơ hội thị trường tài chính đang đi xuống để tích lũy sản phẩm, hàng hóa và thu lợi sau khi thị trường ổn định lại).

Chính điều đó đã biến PetroChina thành công ty 1.000 tỷ USD đầu tiên trên thế giới khi mọi người đều ồ ạt mua cổ phiếu của công ty bởi quá tin vào tiềm năng của hãng. Thế nhưng, chính sách này cũng nhanh chóng khiến PetroChina sụp đổ ngay sau đó, khi mà quốc gia này bắt đầu tập trung vào việc sản xuất và cho lưu hành rộng rãi mặt hàng xe đạp điện (chạy bằng pin chứ không phải xăng dầu).

Năm 2008, tiêu thụ xe đạp điện đạt 21 triệu chiếc, trong khi tiêu thụ ô tô chỉ đạt 9,4 triệu chiếc, tổng số ô tô lưu thông trên đường là khoảng 25 triệu chiếc, trong khi số xe đạp điện nhiều gấp 4 lần.

Một dãy xe đạp điện tại Hội chợ xe đạp điện Trung Quốc diễn ra vào tháng 11/2009 ở Thượng Hải

Tất nhiên một yếu tố quan trọng đằng sau sự sụt giảm của PetroChina chính là khả năng dự đoán thị trường nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty. Năm 2007, khi giá cổ phiếu được niêm yết tại Thượng Hải cũng là thời điểm thị trường dầu mỏ và chứng khoán của Trung Quốc rất bấp bênh, được ví như "bong bóng xà phòng" có thể vỡ tung bất cứ lúc nào. Không những thế thời điểm này, khủng hoảng tài chính diễn ra khắp nơi trên toàn cầu, nhà phân tích Nelson Wang của Citigroup đã chỉ ra khủng hoảng này rõ rệt nhất là ở PetroChina.

Chính những tính toán "sai nước" trên thị trường và sự tự tin quá mức vào khả năng tài chính của mình, PetroChina đã trượt dốc không phanh, từ bỏ "giấc mơ 1.000 tỷ USD" quá sớm.

Apple đã công khai giá cổ phiếu ở mức 207,50 USD/ 1 đồng vào thứ 5 tuần trước, đồng thời nâng giá trị vốn hóa của hãng lên 1.000 tỷ USD, trong khi trước đó không lâu giá cổ phiếu đã giảm nhẹ còn 206,55 USD. Nghĩa là sự tăng - giảm về giá cổ phiếu của Nhà Táo cũng rất "bấp bênh". Liệu trong thị trường smartphone đầy biến động như hiện này, Apple có rút ra được bài học từ PetroChina trước đó và giữ vững được thương hiệu "1.000 tỷ USD" lâu dài hay không?

Theo ICT News

http://ictnews.vn/kinh-doanh/apple-se-phai-hoc-gi-tu-su-sup-do-cua-mot-cong-ty-1-000-ty-usd-truoc-day-de-giu-vung-vi-tri-cua-minh-170739.ict