Apple, Google sẽ hưởng lợi hàng tỷ USD nhờ kế hoạch thuế mới của Donald Trump nhưng chưa hẳn đã tốt

Apple, Google cũng như hàng loạt công ty công nghệ khác sẽ hưởng lợi rất lớn từ mức giảm thuế xuống còn 10% theo lời của Trump, nhưng điều đó chưa hẳn đã là tốt với Mỹ.
Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Trump trong bài phát biểu "đầy chất thơ" tại bang Indiana, đã hứa hẹn rằng kế hoạch  thuế mới của mình sẽ có lợi cho tất cả mọi người, hay chính xác hơn là người dân. Kế hoạch này cam kết "giúp giảm thuế tới mức kỷ lục cho người dân Mỹ”. Khẳng định này là hoàn toàn đúng, nếu cụm từ “người dân Mỹ” ở đây được hiểu chỉ bao gồm các công ty và tổ chức.

Lá rau xà lách tươi ngon không giúp người ta ăn được một mẩu bánh mỳ đã hỏng

Theo cách nói ví von, kế hoạch mới này chỉ là một lá rau xà lách tươi phủ lên mẩu bánh mỳ mốc cùng chút sốt mayonnaise và hy vọng sẽ một cách thần kỳ nào đó khiến người ta thực sự ăn được chiếc sandwich.

Thoạt đầu, kế hoạch tỏ ra vô cùng lý tưởng: cho phép các công ty mang vốn huy động nước ngoài về Mỹ với mức thuế giảm. Lấy ví dụ về Apple, công ty của Tim Cook sẽ mang về được khoảng 246 tỷ USD - khoảng 60 tỷ USD trong số đó là tiền thuế. Chúng ta chưa có số liệu cụ thể, nhưng nếu tính toán theo giả định 10% - con số mà Trump đưa ra trong chiến dịch của mình - các công ty sẽ tiết kiệm được một núi tiền khổng lồ. Nhất là khi xét đến mức thuế 35% mà họ đang phải gánh chịu.

Đối với Apple, lợi ích là quá rõ ràng: Người khổng lồ Cupertino giờ đây chỉ cần trả 20 tỷ USD tiền thuế thay vì 60 tỷ USD như trước (cần nhắc lại rằng, đây chỉ là những con số tượng trưng chứ chưa hoàn toàn chính xác), cùng với đó là được giữ tiền của mình ngay trên đất Mỹ. Việc giữ lại tiền trong nước trước đây từng được coi là một gánh nặng, giờ lại tỏ ra thực sự hiệu quả trong việc giúp các công ty tiết kiệm tiền theo tầm nhìn dài hạn, nhất là trong thời điểm Liên minh châu Âu tiếp tục trấn áp hoạt động huy động vốn tại các nước như Ireland.

Apple, Google sẽ hưởng lợi hàng tỷ USD nhờ kế hoạch thuế mới của Donald Trump nhưng chưa hẳn đã tốt ảnh 1

Tim Cook hẳn sẽ vui mừng khôn xiết nếu đề xuất về thuế của Donald Trump thực sự được đi vào hoạt động

Tiếc rằng, thực tế không hoàn toàn như vậy

Một cuộc điều tra năm 2011 của Thượng nghị viện Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng xấp xỉ một nửa lợi nhuận lưu giữ tại nước ngoài đã được đầu tư vào kho bạc Mỹ hoặc thị trường chứng khoán nước này. Các quỹ đó đúng thực là sở hữu tại nước ngoài nhưng đều đã được đầu tư vào Mỹ, đồng nghĩa rằng không có bất kỳ lợi ích trông thấy nào trong động thái đem những quỹ này về Mỹ cả. Hay nói ngắn gọn hơn, tiền của nước Mỹ đã và đang nằm trên đất Mỹ rồi.

Năm 2004, Quốc hội cũng thử làm điều tương tự như Trump bây giờ và chứng kiến một dòng tiền tổng doanh thu trị giá 312 tỷ USD hồi hương lại nước Mỹ. Hội đồng cố vấn phi đảng phái của Quốc hội thuộc Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội cho biết:

“Mặc dù bằng chứng khá rõ ràng là điều khoản này đã mang một lượng tiền đáng kể quay trở lại nước Mỹ, nhưng lại không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một mức tăng trong lượng đầu tư hay việc làm tương ứng”.

Tại sao 312 tỷ USD lại không đem lại bất cứ lợi nhuận nào cho kinh tế Mỹ?

Câu trả lời là hầu hết những quỹ nói trên đều được phân phối xuống cho các cổ đông dưới dạng cổ tức, đồng nghĩa với việc chẳng ai thực sự nhìn thấy số tiền đó ở đâu cả. Và cuối cùng hội đồng cố vấn đã đi đến kết luận rằng chương trình năm 2004 là một “cách thiếu hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Nhưng có lẽ “một vố đau” là chưa đủ để ngăn vị Tổng thống Mỹ tiếp tục chơi con bài này lần thứ hai. Tờ Wall Street Journal có viết:

“Giai đoạn chuyển giao này có thể mang lại một vài hậu quả không mong muốn. Việc đánh thuế tài sản không thanh khoản ở mức thấp hơn có thể dẫn đến việc các công ty quay sang chi tiêu tiền của mình tại một khu vực pháp lý nước ngoài trước khi đề xuất được thông qua và có hiệu lực”.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Nếu đi vào hoạt động, kế hoạch (trốn) thuế mới của Trump sẽ xóa bỏ mọi gánh nặng trả thuế cho lợi nhuận thu được từ nước ngoài, vĩnh viễn - cho dù chúng có được mang về nước hay không. Nói một cách đơn giản, Apple, Nike, Google cũng như các ông lớn công nghệ khác sẽ có thể tận dụng kế hoạch này để đóng thuế một lần duy nhất với tỉ lệ giảm tại Mỹ, sau đó chuyển hết quỹ tiền của mình sang nước ngoài vô thời hạn bắt đầu từ năm sau và đến lúc đó, sẽ không có chính phủ Mỹ nào sờ gáy họ.

Sau cùng nếu thực sự đi vào hoạt động, đạo luật này sẽ cho Mỹ được hưởng lợi một năm duy nhất từ nguồn tiền hồi hương, và sau đó tiếp tục “dọa” các công ty chết khiếp để rồi họ lại tiếp tục tìm đến các nguồn cất tiền thân thiện hơn không đòi hỏi họ quá nhiều thuế tại nước khác. Bước đi này rất có thể sẽ hủy hoại hoàn toàn nền kinh tế Mỹ, bất kể Trump nói gì với nhân dân Mỹ trên bục phát biểu. Và chúng ta đều biết rằng, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ ảnh hưởng đến mọi nền kinh tế khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo ICTNews (nguồn TNW)

http://ictnews.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/apple-google-se-huong-loi-hang-ty-usd-nho-ke-hoach-thue-moi-cua-donald-trump-nhung-dieu-do-chua-han-da-tot-159152.ict